Thứ sáu, 25/9/2009, 13h09

3 năm đổi mới chương trình - sách giáo khoa THPT: Quá tải và còn lệch lạc

Hội thảo đánh giá 3 năm thực hiện chương trình - sách giáo khoa (SGK) THPT do Bộ GD-ĐT tổ chức tại Hà Nội hôm qua (24.9) đã đưa ra nhiều thông tin khiến dư luận thực sự lo ngại với cách dạy và cách học hiện nay.
Thiếu một “nhạc trưởng” về SGK
Đánh giá sau 3 năm thực hiện chương trình - SGK mới, Bộ GD-ĐT cho rằng: chương trình chưa đảm bảo sự cân đối giữa dạy chữ và dạy người, còn nặng về kiến thức, chưa coi trọng việc hình thành nhân cách cho học sinh (HS). Bộ GD-ĐT cũng chỉ ra những hạn chế trong chương trình THPT mới, ở một số môn chương trình một số môn học còn mang nặng tính hàn lâm với phần đông HS, ít thực hành và rèn luyện kỹ năng, yêu cầu cao đối với bộ phận HS ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Có sự không phù hợp giữa chương trình giáo dục với điều kiện cơ sở vật chất nhà trường và trình độ của một bộ phận giáo viên. Hầu hết các trường không có đủ các loại phòng chức năng, thiết bị dạy học thiếu, chất lượng kém.
Chênh lệch giữa SGK chuẩn và nâng cao gây khó cho học sinh - Ảnh: Đ.N.T
Ngay từ năm 2010, Bộ GD-ĐT bắt đầu triển khai nghiên cứu, xây dựng một chương trình giáo dục phổ thông mới, áp dụng sau năm 2015. Chương trình giáo dục phổ thông được đổi mới một cách cơ bản theo hướng tích hợp các môn học ở các lớp dưới, phân hóa mạnh hơn ở cấp THPT, tạo cơ hội lựa chọn nội dung học tập nhiều hơn, biến quá trình dạy học thành quá trình tự học có hướng dẫn và hỗ trợ tối ưu của giáo viên. Dựa trên chương trình quốc gia, với các vùng, miền khác nhau xây dựng các nội dung giáo dục địa phương phù hợp với nhu cầu và điều kiện của các vùng, miền. (Theo Bộ GD-ĐT)
Phó giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định thẳng thắn cho rằng: tất cả các môn học đều được thiết kế rất “tham” về nội dung kiến thức, khiến cho môn học nào cũng trở nên nặng nề đối với người học. Đồng tình với nhận định này, ông Nguyễn Trường Giang - Hiệu trưởng trường THPT chuyên tỉnh Lào Cai nói: "Cả 13 môn học đối với HS mà được thiết kế theo cách bỏ phần nào cũng tiếc như hiện nay thì chắc chắn sẽ khiến HS bị quá tải. Chúng tôi có cảm giác như người viết sách cái gì cũng muốn đưa vào, trong khi khả năng và thời lượng học tập thì có hạn". Theo ông Giang, sở dĩ có tình trạng này là do chưa có một “nhạc trưởng” chỉ huy, điều tiết cho 13 môn học nên môn học nào cũng đề cao tầm quan trọng của mình.
Bộ GD-ĐT cũng nhận định: có những nội dung đưa vào SGK cao hơn mức độ cần đạt của chuẩn kiến thức, kỹ năng trong chương trình. Điều này gây nên sự quá tải đối với HS yếu, kém. Một số cuốn SGK trở nên rất khó với những đối tượng HS vùng nông thôn, miền núi như: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tiếng Anh...
Một điều vô lý nữa là Bộ GD-ĐT thì đặt ra yêu cầu độ chênh về kiến thức giữa sách chuẩn và sách nâng cao là khoảng 20% nhưng trên thực tế ở một số môn, ví dụ môn Toán yêu cầu ở SGK chuẩn lại cao hơn yêu cầu ở SGK nâng cao; các môn khoa học xã hội còn có chỗ gây nhiều tranh cãi về mức độ chính xác của kiến thức đưa ra trong SGK... Trong khi đó, cũng theo nhận định của Bộ GD-ĐT: phần lớn giáo viên vẫn coi SGK là “pháp lệnh” và coi đó là tài liệu duy nhất để thiết kế bài giảng, điều khiển hoạt động dạy và học, đánh giá kết quả học tập của HS, đánh giá chất lượng học tập. đánh giá kết quả học tập của HS, đánh giá chất lượng học tập.
Phân ban lệch lạc vì thi cử
Ban cơ bản ngày càng gia tăng thì hiển nhiên số HS theo ban khoa học tự nhiên và khoa học xã hội ngày càng ít đi. Đến năm học vừa rồi, số HS lớp 10 chọn ban KHXH-NV chỉ còn 1,92% tổng số HS cả nước, tỷ lệ HS theo ban KHTN cũng chỉ là 14,24%. Trong khi đó, có tới 83,84% HS đăng ký học ban cơ bản. Bộ GD-ĐT cũng chỉ ra rằng: cách tính hệ số của môn nâng cao, những hướng dẫn về thi tốt nghiệp THPT chưa thực sự khuyến khích HS tập trung sức lực, năng khiếu cho môn nâng cao.
Ông Lê Văn Phước - Phó trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT Khánh Hòa) cho rằng: tâm lý chung của các bậc phụ huynh cũng như HS là học gì thi nấy thế nên xu hướng HS chỉ chọn học ban cơ bản là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cũng kiến nghị: tâm lý của phụ huynh và HS về học và thi đã quá rõ ràng, vậy thì Bộ GD-ĐT cũng phải có sự chỉ đạo và yêu cầu thống nhất giữa học và kiểm tra, đánh giá cũng như thi cử để các địa phương dễ thực hiện. Bởi chính cách thức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ điều chỉnh quá trình dạy và học.
Tuệ Nguyễn (TNO)