Thứ hai, 15/11/2010, 15h11

Bài dự thi giải quyết tình huống giáo dục lần XI: Đạo đức người thầy là phẩm chất đầu tiên

Hiệu trưởng phải có quyết tâm học hỏi không ngừng mới có thể quản lý đội ngũ CB, GV, CNV trình độ nghiệp vụ ngày càng cao. Trong ảnh là một tiết học môn văn tại Trường THCS Cửu Long (Bình Thạnh) với đầy đủ phương tiện hiện đại. Ảnh: P.N.Q

Do tình huống đặt ra không nêu rõ hoàn cảnh của nhà trường như thế nào, nên tôi cho rằng cả hai thầy hiệu trưởng trường A và trường B đều đã xử lý tốt, phù hợp với đặc điểm đội ngũ và hoàn cảnh của nhà trường. Tất nhiên cả hai cách xử lý này đều có chỗ chưa thỏa đáng, cần có cách quản lý, điều hành nhà trường tốt hơn.
1. Về trường hợp trường A, khi thầy hiệu trưởng phải “ôm đồm” mọi việc từ lớn đến nhỏ thì đó có thể là do thầy hiệu trưởng mới cần phải sắp xếp công việc lại theo ý của mình. Cũng có thể do đội ngũ CB, GV, CNV vốn quen nếp làm việc gì cũng cần có sự điều khiển của thầy hiệu trưởng. Hoặc là do đời sống thầy cô quá khó khăn, ngoài giờ đến trường lên lớp phải lo bươn chải cuộc sống nên ít quan tâm đến việc khác ngoài giảng dạy?… Thầy hiệu trưởng lúc này không chỉ là “người điều hành” mà còn là “người vận hành” bộ máy nhà trường.
2. Về trường hợp trường B, thầy hiệu trưởng có “khỏe” hơn vì mọi việc đã vào nề nếp, ai cũng chăm lo cho trường, cho lớp, cho học sinh. Chỉ lên “kế hoạch” thông báo cho hội đồng, công đoàn, bộ phận hành chính, các tổ trưởng chuyên môn và các giáo viên chủ nhiệm… là mọi việc cứ tuần tự vận hành. Hiệu trưởng lúc đó chỉ là “người điều hành”, chỉ can thiệp vào khâu nào trục trặc, ảnh hưởng đến hoạt động chung của các nhà trường.
Cái thiếu sót của hai thầy hiệu trưởng là quên mình còn là “nhà quản lý giáo dục”.
3. Đọc các bài giải quyết tình huống giáo dục lần XI đăng trên Báo Giáo Dục TP.HCM, tôi thấy chúng ta đã đặt lên vai người hiệu trưởng quá nhiều yêu cầu về cả tâm, tài và tầm, mà đối chiếu với các thầy cô hiệu trưởng đương nhiệm tại các trường thì sẽ chẳng có ai có “đủ tư cách làm hiệu trưởng”. Nhưng thực tế thì lại không phải như thế vì tất cả trường học tại TP.HCM và trên cả nước đều đang được vận hành bởi các thầy cô hiệu trưởng này!
Vậy hiệu trưởng, người là ai? Đã từng là thầy cô đứng lớp, chúng ta đều thấy người hiệu trưởng mà chúng ta quý mến trước tiên phải là một “nhà giáo mẫu mực” về phẩm chất của nhà giáo Việt Nam. Chính phẩm chất này làm cho người hiệu trưởng không những được tất cả CB, GV, CNV nhà trường và học sinh yêu kính mà còn được toàn xã hội (kể cả cha mẹ học sinh) nể trọng. Chỉ cần có người hiệu trưởng mẫu mực sư phạm là mọi người từ các cấp quản lý giáo dục, các cấp chính quyền và cha mẹ học sinh an tâm gửi gắm con cho nhà trường. Như vậy, đạo đức người thầy là phẩm chất đầu tiên cần có của người hiệu trưởng chứ chưa phải là người có chuyên môn giỏi nhất, có nghiệp vụ quản lý giỏi nhất. Phẩm chất thứ hai của người hiệu trưởng là sự quan tâm đến việc dạy và việc học, chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của đội ngũ nhà trường và của học sinh… Người hiệu trưởng phải là người đầu tiên lao vào khó khăn, vượt mọi cản ngại trong việc nâng cao chất lượng dạy và học, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ, cho học sinh. Chính vì thế mà vào thời Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người hiệu trưởng là “con chim đầu đàn” dẫn dắt đàn vượt qua khó khăn để về đến đích. Như vậy có nghĩa là trong nhà trường, ở đâu có khó khăn, ở bộ phận nào có khó khăn, là ở đó có mặt người hiệu trưởng cùng tìm biện pháp giải quyết. Người hiệu trưởng giỏi là người không nề hà bất kỳ việc gì để có thể giúp thầy cô dạy tốt, học sinh học giỏi chăm ngoan. Phẩm chất thứ ba cần là nghiệp vụ quản lý giáo dục. Tất nhiên, ngoài việc nắm chắc các quy định pháp quy về ngành, về dạy và học, về chế độ chính sách đối với thầy và trò, về tổ chức, điều hành bộ máy nhà trường… thì điều quan trọng nhất trong quản lý nhà trường là phải bao quát toàn bộ công việc trong trường. Điều đó có nghĩa là bất kỳ việc lớn, việc nhỏ xảy ra trong nhà trường, hiệu trưởng phải biết được để can thiệp giải quyết ngay không để kéo dài gây ảnh hưởng đến hoạt động nhà trường. Đây mới chính là “tay nghề” của hiệu trưởng, thể hiện năng lực quản lý, điều hành nhà trường… Không “quản lý” (bao quát) nhà trường thì làm sao “điều hành” được nhà trường. Những hiệu trưởng “yếu tay nghề” mới phải dùng “tai mắt”, còn hiệu trưởng “cứng tay nghề” thì chỉ nhìn cách vận hành bộ máy, những thay đổi dù nhỏ trong nhà trường… là biết ngay ở đâu “có sự cố” để đến ngay tận nơi tìm hiểu, khắc phục. Hiệu trưởng là người “bám trường, bám lớp”, có mặt ở trường trước khi thầy trò đến và ra về sau khi thầy trò đã rời trường.
4. Vào những năm 80 của thế kỷ 20, trước những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, của khoa học quản lý, có lúc ở Pháp đã đặt ra: hiệu trưởng phải được đào tạo chính quy về quản lý giáo dục từ những giáo viên trẻ. Thế nhưng, giáo viên trẻ mới đào tạo từ học sinh phổ thông, cho dù là sinh viên giỏi, cũng vẫn chưa thể có được phẩm chất mẫu mực mà người hiệu trưởng cần phải có. Còn nếu lựa chọn những nhà giáo lâu năm trong nghề đi học thêm quản lý giáo dục tại chức hay hàm thụ thì liệu có thể điều hành nhà trường khi các trang thiết bị trường học ngày càng hiện đại, đội ngũ giáo viên ngày càng giỏi về kỹ thuật số, các phòng thí nghiệm sẽ do đội ngũ kỹ thuật viên điều hành và cách quản lý ngày càng khoa học hơn, hiệu quả hơn. Sự lúng túng của các nhà giáo dục Pháp về đào tạo hiệu trưởng là một bài học mà ta cần quan tâm. Vì thế, theo tôi, để đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện thì một hiệu trưởng (không nói là mẫu mực) hiện nay, ngoài ba phẩm chất cơ bản nêu trên còn cần phải có quyết tâm học hỏi không ngừng mới có thể theo kịp để quản lý - đội ngũ thầy cô, CB, CNV trình độ nghiệp vụ ngày càng cao, điều hành các trang thiết bị nhà trường ngày càng hiện đại tối tân, vận hành các hoạt động trong nhà trường theo các phương pháp quản lý, điều hành khoa học, có kết quả cao nhất.
Nguyễn Hữu Danh
(nguyên Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong)