Thứ tư, 19/12/2012, 14h12

Câu chuyện nghề nghiệp

Truyền “lửa nghề” cho sinh viên

Lòng yêu nghề không thể đo đếm được. Ảnh: Anh Khôi

Lòng yêu nghề giáo không thể đo đếm bằng khoảng thời gian dài hay ngắn mà đo bằng những cảm xúc dạt dào, niềm đam mê cháy bỏng khi đứng trên bục giảng truyền đạt kiến thức, giáo dục phẩm chất cho sinh viên (SV).
Dạy học cần có niềm đam mê
Chúng tôi cho rằng, với bất cứ công việc gì, có đam mê mới có thể thành công. Tuy nhiên, với nhiều nghề, bạn không yêu thích cũng có thể làm được, dù không thành công; riêng với nghề giáo, nếu không có tình yêu nghề, bạn sẽ không thể làm được, còn chuyện thành công là một điều hão huyền.
Bảy năm trong nghề, không phải lúc nào tôi cũng tràn đầy nhiệt huyết, đầy ắp tình yêu nghề. Tôi đã hoang mang, nghi ngờ khả năng lẫn sự lựa chọn theo nghề giáo của mình trong những ngày đầu đứng lớp. Tôi nhận ra bài giảng của mình chán ngắt qua việc nhìn thấy vẻ thất vọng trong đôi mắt của SV và tôi từng có ý định bỏ nghề. Tuy nhiên, tôi chợt nghĩ, nếu gặp chút khó khăn, mình đã từ bỏ thì sau này khi chuyển sang một hướng đi khác, mình sẽ chẳng theo đuổi bền lâu. Do đó tôi quyết định thử yêu lấy nghề của mình, yêu chuyên ngành giáo dục học mà mình đang giảng dạy.
Khi quyết định sẽ theo đuổi công việc giảng dạy, tôi đầu tư nhiều hơn cho chuyên môn, cố gắng học hỏi kinh nghiệm của các giảng viên đi trước, đọc nhiều sách, cập nhật thông tin thực tế giáo dục, những câu chuyện ý nghĩa, những ví dụ sinh động, thay đổi phương pháp dạy học, thay đổi cả phong cách lên lớp từ đạo mạo, nghiêm trang sang gần gũi, vui vẻ nhưng vẫn nghiêm túc... Dần dần, tình yêu nghề và yêu chuyên ngành của mình tự đến như một lẽ đương nhiên. Càng nghiên cứu sâu về khoa học giáo dục, càng trải nghiệm thực tế, tôi phát hiện các môn học đang giảng dạy thú vị hơn mình tưởng; và tôi có thể biến hóa mớ kiến thức khô khan đó trở nên hấp dẫn, những giờ học căng thẳng vì nội dung quá khó hiểu thành những giờ học tràn ngập tiếng cười mà SV vẫn có thể hiểu bài.
Để có những bài giảng thú vị, tôi tự “lên dây cót tinh thần” cho chính mình. Mỗi buổi chuẩn bị bước vào lớp, tôi chuẩn bị một tâm trạng vui vẻ và hào hứng nhất, mọi buồn phiền riêng tư đều được gửi lại bên ngoài lớp học. Điều này đòi hỏi giáo viên phải rèn luyện kỹ năng kiểm soát cảm xúc tốt vì ai chẳng có những nỗi ưu tư, những lo toan bộn bề của cuộc sống.
Bước vào lớp, tôi cần duy trì nhịp độ bài giảng ổn định, kiểm soát lớp học, không để lớp có thời gian “chết” và SV rơi vào trạng thái sa sút sự chú ý. Tôi cũng học cách quan sát biểu hiện của SV để có sự điều chỉnh bài giảng hợp lý, chứ không còn cứng nhắc theo đúng giáo án như thời gian đầu mới đi dạy…
Những giờ dạy đầy niềm vui đó đã bồi đắp tình yêu nghề cho tôi nhiều hơn, khiến tôi yêu SV của mình và có cảm giác chờ đợi mỗi ngày lên lớp, mỗi lần được tiếp xúc với một đối tượng SV mới. Tôi nhận ra một sự thật thú vị: Tôi yêu SV, tôi mới thấy SV yêu quý lại mình. Và một sự thật quan trọng hơn nữa: Mình có yêu nghề giáo mới khiến SV yêu nghề này được.
Tạo hứng thú cho SV
Nếu tôi lên lớp với tâm trạng uể oải, giảng bài như “nhai cơm nguội”, SV sẽ nghĩ thầm: Cô chán môn học này thì làm sao mà mình thích nổi, cô cũng ghét đi dạy, chắc công việc này chẳng có gì thú vị cả. Nhìn vào tôi, SV sẽ chẳng còn hứng thú học tập và có thể hoang mang, nghi ngờ sự lựa chọn nghề giáo của mình.Vì vậy, tất cả những điều nói trên tôi làm cho bản thân mình nhưng tôi nhận ra vô hình trung, tôi đã truyền “lửa nghề” cho SV.
Nhiều SV đã tâm sự với tôi những băn khoăn về nghề nghiệp, về tương lai ảm đạm, vất vả của những người theo nghiệp dạy học. Tôi đã kể về công việc thực tế của chính mình và những đồng nghiệp của mình để dẫn chứng cụ thể nhằm củng cố niềm tin vào sự lựa chọn nghề nghiệp của các em. Tôi đồng ý với các em rằng đã chọn nghề giáo thì không thể giàu có được. Các em cần xác định rõ tư tưởng đó khi theo đuổi nghề này. Tuy nhiên, nếu yêu nghề, nỗ lực rèn luyện và cống hiến thì nghề sẽ không phụ các em.
Nỗ lực đầu tiên là kết quả học tập, rèn luyện tốt khi ngồi trên ghế nhà trường sư phạm. Với tấm bằng sáng chói thì các em có rất nhiều cơ hội nghề nghiệp. Bảy năm qua tôi gắn bó với công việc dạy học không chỉ ở trường sư phạm mà cũng trải nghiệm nhiều công việc khác có liên quan đến chuyên môn, tất cả đều do tôi chủ động nộp hồ sơ công khai và được nhận sau khi phỏng vấn, thi tuyển. Tôi đều chia sẻ những kinh nghiệm xin việc cho SV, trong đó có cả cách rèn luyện một số kỹ năng mềm.
Ngoài ra, các em nên thay đổi một số quan điểm như: Không phải giáo viên dạy ngoại ngữ thì không cần thiết phải học ngoại ngữ. Ngoài ra, ở các thành phố lớn, rất nhiều trường THPT công lập, dân lập cũng đẩy mạnh việc giảng dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh mà hiện tại nguồn giáo viên này cực kỳ hạn chế. Hơn nữa, khi sử dụng được ngoại ngữ, cơ hội học hành nâng cao ở nước ngoài hay nghiên cứu cập nhật tài liệu mới nhất trên thế giới tốt hơn, năng lực chuyên môn cũng cải thiện và cơ hội nghề nghiệp gia tăng. Sự chuẩn bị đón đầu nhu cầu của xã hội là một cách đầu tư nghề nghiệp lâu dài.
Những định hướng nghề nghiệp trên của tôi dành cho SV tất cả các khoa đều mang lại tín hiệu tích cực. Để hỗ trợ định hướng trên, tôi thường xuyên cập nhật thông tin, giới thiệu các học bổng hỗ trợ ngoại ngữ cho SV. Theo tôi, việc chỉ cho SV những con đường, những ngã rẽ sau khi tốt nghiệp chính là cách bồi đắp lòng yêu nghề hiệu quả. Các em phải nhìn thấy ánh sáng tương lai mới tự tin để theo đuổi đến cùng nghề dạy học vốn khó khăn và gian khổ.
ThS. Nguyễn Thị Thu Huyền
(Khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)
Việc chỉ cho SV những con đường, những ngã rẽ sau khi tốt nghiệp chính là cách bồi đắp lòng yêu nghề hiệu quả.