Thứ sáu, 25/2/2011, 09h02

Dạy học theo định hướng cá thể hóa: Một quan điểm sư phạm tiên tiến

TS. Huỳnh Công Minh - Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM
Thời gian qua Báo Giáo Dục TP.HCM đã có nhiều bài viết phân tích về một phương pháp dạy học mới, đó là phương pháp dạy học theo hướng cá thể hóa. Tuy nhiên, cách dạy học tiên tiến này vẫn chưa được thực hiện đồng bộ và còn có ý kiến trái chiều. Để có thêm những định hướng rõ ràng hơn về phương pháp dạy này, Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với TS. Huỳnh Công Minh - Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM. 
PV: Năm học 2009-2010 ngành GD-ĐT đã triển khai việc “dạy học theo định hướng cá thể hóa”. Hiểu một cách đơn giản là dạy không chú ý tới số đông mà truyền đạt kiến thức có chất lượng đến từng học sinh (HS). Có đúng như vậy không, thưa ông?
- TS. Huỳnh Công Minh: Dạy học cá thể hóa là phương pháp giảng dạy yêu cầu người giáo viên (GV) phải quan tâm tới từng đối tượng HS, dạy cho từng cá nhân chứ không phải dạy theo số đông. Muốn vậy, GV phải nắm được năng lực tiếp nhận và cả đặc điểm tâm sinh lý của từng em. Bởi vì mỗi con người không ai giống ai mà có những đặc điểm khác nhau. Tôi lấy ví dụ như khi dạy đối tượng HS hiếu động thì chúng ta không thể dạy giống như các em HS thụ động mà phải có một phương pháp riêng. Nói cách khác là phương pháp phải phù hợp với đối tượng. Lớp có nhiều HS khá giỏi thì GV phải ra bài tập như thế nào để các em phát huy được năng lực của mình và có cơ hội thi thố tài năng. Ngược lại, các em chưa giỏi thì thầy cô phải đưa ra các bài học vừa sức để các em có tinh thần nỗ lực và thêm tự tin vào bản thân.
Có GV quan niệm: Dạy học cá thể hóa là GV phải chia nhóm theo trình độ HS để thảo luận trong các tiết học, nếu không chia nhóm thì được góp ý là “chưa thấy rõ việc dạy học theo hướng cá thể hóa”. Ý kiến này đúng hay là sai?

Dạy học theo định hướng cá thể hóa, ngoài vai trò chủ đạo của GV thì HS cũng cần phải có phương pháp học mới. Ảnh: N.Q
- Dạy học cá thể hóa là một quan điểm sư phạm tiến bộ đòi hỏi GV phải có những kỹ năng tiếp cận, nắm bắt được đối tượng để từ đó có phương pháp dạy phù hợp. Như vậy, điều này cho thấy dạy học theo hướng cá thể hóa không có nghĩa là chia nhóm hay không chia nhóm? Đây chỉ là một trong nhiều biện pháp để thực hiện cách dạy cá thể hóa. Chứ không phải chia nhóm là đã dạy học cá thể hay ngược lại dạy học cá thể là phải chia nhóm.
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, thực tế hiện nay vẫn còn những khó khăn và mặt trái khi giảng dạy phương pháp này. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
 - Về phương pháp dạy học cá thể hóa, ngành GD-ĐT TP.HCM đã triển khai đầy đủ đến từng đơn vị trong xu thế đổi mới toàn diện nhà trường. Tuy nhiên kết quả vẫn chưa đồng đều như ý muốn. Lấy ví dụ trong một trường phổ thông, thầy cô nào mạnh dạn dám xung kích đi đầu thì dễ thành công. Với từng cấp học cũng vậy, đơn vị nào có kế hoạch thực hiện tốt đi đúng chủ trương thì hiệu quả sẽ hơn hẳn. Nói tóm lại, hầu hết tùy thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất, cụ thể là nơi nào sĩ số ít, trang thiết bị đủ cho HS tự học thì việc vận dụng phương pháp dạy học cá thể hóa sẽ rất thuận lợi và có hiệu quả tốt hơn.
Có phải khi thực hiện dạy học theo hướng cá thể hóa thì vai trò người thầy quyết định tất cả?
- Ngoài vai trò của GV, các em HS cũng phải có cách học mới. Đòi hỏi trước tiên là các em phải chủ động tích cực trong học tập chứ không ngồi nghe thụ động theo cách từ chương, sáo rỗng như trước. Nói cách khác là phải thật sự năng động, sáng tạo hơn. Bài học trên lớp luôn gắn với thực tiễn, tăng tính thực hành giảm bớt phần lý thuyết không cần thiết cũng là một yêu cầu khi dạy và học. Năng động là biết trao đổi, có thông tin hai chiều với thầy cô và bạn bè về nội dung bài học để tạo mối tương tác giữa trò - trò, giữa trò - thầy. Học trong SGK chưa đủ mà phải học qua thư viện, chăm đọc sách và biết sử dụng mạng internet phục vụ cho nhu cầu học tập.
Còn về phía gia đình, cha mẹ cần tạo điều kiện cho con em mình biết sử dụng kiến thức đã học, thường xuyên trao đổi và diễn đạt tri thức, phụ huynh cũng phải dành thời gian lắng nghe và tiếp nhận ý kiến của con cái. Được như vậy các em mới có kỹ năng sống, sớm trưởng thành và nên người.
Một số GV than rằng, hiện nay nhiều trường lớp cơ sở vật chất còn chật hẹp, đặc biệt là áp lực về sĩ số HS thì làm sao có đủ điều kiện để thầy cô dạy học cho từng HS được. Ngành GD-ĐT giải bài toán này như thế nào?

Giờ thực hành môn lý của học sinh lớp 12 Trường THPT Bùi Thị Xuân. Ảnh: N.Hùng
- Theo tôi được biết, đây là quan điểm sư phạm được nhiều nước trên thế giới áp dụng và là định hướng của ngành GD-ĐT đã đề ra. Tuy nhiên, khi vận dụng vào thực tế thì rõ ràng là một việc khó, không hề dễ chút nào. Muốn có kết quả phải có quá trình lâu dài không thể một sớm một chiều, như yêu cầu về giảm sĩ số không phải cứ đưa ra là thực hiện được ngay. Để chủ trương sớm biến thành hiện thực, ngành GD-ĐT đã cho triển khai thực hiện ở một số địa phương và những đơn vị trường học nào thuận lợi thì làm trước sau đó mới thực hiện đại trà theo phương châm “làm từ ít tới nhiều”. Nói như vậy không có nghĩa là cứ chờ đợi giảm sĩ số đến mức cho phép mới chịu thực hiện chủ trương này.
Các cấp trong ngành, đặc biệt là phòng GD-ĐT quận huyện và ban giám hiệu các trường có vai trò gì trong việc thực hiện “luồng gió đổi mới” này, thưa ông?
- Về công tác quản lý, các trường và địa phương cần tạo điều kiện để đội ngũ GV từng bậc học thực hiện tốt chủ trương này. Ngoài việc mua sắm các trang thiết bị cần thiết, các đơn vị cần lên kế hoạch và thời gian để triển khai thực hiện một cách khoa học và có hiệu quả. Thay đổi cả chuẩn mực đánh giá cho phù hợp, có trách nhiệm bồi dưỡng đội ngũ GV, trong đó định hướng giảm sĩ số là một yêu cầu trước hết cần phải làm.
Xin cảm ơn ông.
Ngọc Quang (thực hiện)
“Người thầy trước hết phải phát huy hết tinh thần trách nhiệm, có lòng yêu thương các em và biết sáng tạo. Tất nhiên dạy một lớp có sĩ số ít thì GV có nhiều thuận lợi và chắc chắn kết quả sẽ trọn vẹn hơn. Nếu thấy khó khăn mà không làm thì cũng không được, bởi vì có làm còn hơn là không làm. Thông qua dạy chữ để dạy các em nên người. Muốn vậy người thầy phải hiểu tâm sinh lý học trò và gần gũi với các em. Không chỉ nắm vững và trau dồi chuyên môn thường xuyên mà còn biết vận dụng một cách sát hợp với từng đối tượng để động viên khuyến khích các em học tốt hơn - TS. Huỳnh Công Minh chia sẻ.