Thứ sáu, 17/2/2012, 17h02

Giải pháp đánh giá kết quả học tập chính xác cho học sinh

Khâu KTĐG kết quả học tập của HS THPT vẫn còn một số hạn chế. Ảnh: D.Bình

Nhận thấy những hạn chế trong khâu kiểm tra đánh giá (KTĐG) kết quả học tập học sinh (HS), TS. Nguyễn Kim Dung - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) - đã đưa ra các giải pháp nhằm hoàn thiện quy trình KTĐG qua đề tài “Xây dựng các tiêu chí đánh giá chất lượng học tập HS THPT”. Trao đổi với Giáo Dục TP.HCM, TS. Nguyễn Kim Dung cho biết:
Hiện nay, các đề thi, kiểm tra được biên soạn rất truyền thống, chưa dựa vào mục tiêu chương trình và môn học. Giáo viên (GV) biết thiết kế mục tiêu của môn học nhưng để đánh giá được là HS có đạt được mục tiêu của môn học hay không thì khó đo lường được và giải thích thiếu cơ sở khoa học. Mặc dù Bộ GD-ĐT đã biên soạn và ban hành chuẩn kiến thức các môn học nhưng nhiều GV vẫn chưa nắm vững cách thực hiện bộ chuẩn này và nảy sinh ra nhiều vấn đề như nên dạy theo chuẩn hay dạy theo sách. Ngoài ra, nền giáo dục nước ta còn tồn tại một thực tế là HS khá ở trường này nhưng sang trường khác lại chỉ đạt mức độ trung bình. Rõ ràng cách tính điểm, thang điểm của các trường còn có sự khác nhau. Trong khi đó, ở các nước có nền giáo dục phát triển, thường xây dựng những thang điểm như xuất sắc, giỏi, khá, trung bình, yếu và giải thích rõ tại sao lại đạt các loại này. Vì vậy, khi nhìn vào bảng điểm, HS có thể biết được cần thêm các kiến thức gì để đạt kết quả tốt nhất và GV khác cũng nhận biết được năng lực HS ở mức độ nào.
Với những lý do này, chúng tôi đã thực hiện đề tài “Xây dựng các tiêu chí đánh giá chất lượng học tập HS THPT”. Đề tài vẫn nằm trọn ở góc độ chuẩn quốc gia, dựa vào thang kiến thức và kỹ năng của Bộ GD-ĐT, từ đó các trường sẽ lấy làm chuẩn để đánh giá chính xác hơn chất lượng học tập của HS trường mình.
PV: Để nâng cao chất lượng học tập cho HS, đề tài đã đưa ra những tiêu chí đánh giá như thế nào? Trong đó, theo bà tiêu chí nào quan trọng nhất?
- Mỗi lĩnh vực, mỗi môn học, mỗi nội dung môn học có những tiêu chí đánh giá riêng, vì thế có hàng trăm tiêu chí. Điều quan trọng là các tiêu chí có thể đo lường đánh giá được khả năng tiếp thu nội dung kiến thức mới ở cấp độ nào theo thang đánh giá Bloom (có 6 mức độ là biết, hiểu, vận dụng, phân tích, tổng hợp và đánh giá) và có đạt được chuẩn kiến thức theo quy định của Bộ GD-ĐT hay không. Chẳng hạn như môn văn, lớp 10: Chủ đề 1 là Phong cách ngôn ngữ và biện pháp tu từ với nội dung 1 là ngôn ngữ dạng nói và ngôn ngữ dạng viết. Mục tiêu của nội dung này, HS phải hiểu đặc điểm của ngôn ngữ nói và ngôn ngữ dạng viết, trình bày được đặc điểm về tình huống, các phương tiện ngôn ngữ, các phương tiện hỗ trợ của ngôn ngữ dạng nói và dạng viết. Vì thế, theo các tiêu chí đánh giá của chúng tôi, nếu HS mới chỉ trình bày được một số ý chính hay đầy đủ các ý chính về đặc điểm của ngôn ngữ dạng nói và ngôn ngữ dạng viết được đánh giá loại trung bình hay khá. Còn nếu HS trình bày đầy đủ các ý chính, phân tích và cho ví dụ minh họa về đặc điểm của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt thì sẽ được đánh giá loại giỏi hoặc xuất sắc…
Với những tiêu chí đánh giá mà đề tài đưa ra, người dạy và người học sẽ có những lợi ích nào, thưa bà?
- Điều quan trọng nhất với những tiêu chí này là giúp hoàn thiện quy trình GD-ĐT bậc THPT trong khâu đánh giá kết quả học tập của HS và đánh giá đúng được khả năng học tập của người học. Qua đó, GV và HS nhận biết được chính xác các em đạt trình độ tiếp thu kiến thức ở cấp độ nào, có đạt được yêu cầu tối thiểu theo chuẩn kiến thức của bộ hay chưa để từ đó có cả người dạy và người học nhận ra những điểm mạnh, và điểm hạn chế của mình để phát huy và khắc phục. Các nhà quản lý giáo dục cũng sẽ biết được mình cần làm gì để cải tiến và phát triển chất lượng giáo dục tại trường.
Trong quá trình thực hiện những tiêu chí đánh giá này, liệu GV có gặp khó khăn nào không? Nếu có, xin bà cho biết thêm về một số biện pháp để khắc phục những khó khăn này?
- Trong quá trình thực hiện, các GV đều nhất trí tiêu chí đánh giá rất cần thiết cho việc đánh giá chất lượng học tập của HS. Tuy nhiên, GV chưa hiểu rõ cách xây dựng và sử dụng các tiêu chí đánh giá này để xây dựng đề thi, đề kiểm tra cho HS. GV cũng không biết chính xác trường của họ sẽ dạy cho HS theo mặt bằng chất lượng nào, đúng chuẩn kiến thức của bộ hay cao hơn và cao hơn là ở mức độ nào? Bên cạnh đó, xây dựng được một đề thi hay đề kiểm tra cần rất nhiều thời gian và công sức để thực hiện và cũng cần có chuyên gia hướng dẫn, hỗ trợ để có thể xây dựng được một đề thi đúng chuẩn. Đây là một trong những khó khăn khi chúng tôi áp dụng đề tài vào thực tế.
Để khắc phục những vấn đề này, tôi nghĩ trước tiên cần tập huấn cho các GV để họ có thể sử dụng và tìm thấy được giá trị của những tiêu chí trong đánh giá năng lực học tập của HS. Các trường phổ thông cần xác định chuẩn GD-ĐT riêng cho trường mình thông qua xác định sứ mệnh, mục tiêu GD-ĐT cụ thể theo chương trình học, môn học để GV biết mà giảng dạy HS thích hợp. GV cũng cần được tạo điều kiện về thời gian và thù lao giảng dạy hợp lý để có thể yên tâm thực hiện nhiệm vụ tại trường. Đồng thời, cần có chuyên gia về KTĐG để cùng hỗ trợ các GV hoàn thiện tiêu chí và các câu hỏi thi và cùng xây dựng đề thi đủ khả năng đánh giá được năng lực học tập của người học.
Xin cảm ơn bà!
Dương Bình (thực hiện)
Đề tài “Xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng học tập của HS phổ thông” được thực hiện từ năm 2009 đến 2011, khảo sát 2.832 người, trong đó có 45 cán bộ quản lý, 445 giáo viên, 1.119 HS, 313 phụ huynh các trường THPT trên địa bàn TP.HCM và 110 nhà nghiên cứu giáo dục.