Thứ hai, 19/4/2010, 15h04

Giúp học sinh học tốt môn hình học

Một giờ học môn toán tại TTGDTX Q.5. Ảnh: Ngọc Quang

Đối với học sinh (HS) THCS, hình học thật sự là môn học khó đòi hỏi óc tư duy rất cao của các em. Vì vậy, có khá nhiều em tuy học rất giỏi môn đại số nhưng lại chỉ đạt điểm trung bình khi làm bài kiểm tra môn hình học.
Muốn giải một bài tập hình học, các em cần tổng hợp được kiến thức của những năm học trước. Thí dụ: khi giải một bài tập chứng minh tứ giác của chương trình toán lớp 8, bắt buộc các em phải nhớ lại những kiến thức đã học ở lớp 6 và lớp 7 như: trường hợp bằng nhau của tam giác thường hay tam giác vuông, tính chất của tam giác cân, dấu hiệu nhận biết hai đường thẳng song song, các cặp góc so le trong, đồng vị… Nhiều em khi giải bài tập hình học không biết phải bắt đầu từ đâu?
Để giúp cho các em HS học tốt môn hình học, giáo viên (GV) cần lưu ý những điểm sau:
1. Trước khi dạy bài mới, GV cần ôn lại những kiến thức cũ của năm học trước: Khi dạy hình học lớp 7, GV phải ôn lại kiến thức hình học lớp 6, bao gồm những khái niệm cơ bản như: điểm, đoạn thẳng, đường thẳng… Điều kiện bắt buộc để giải được bài tập hình học là HS phải nhớ các tính chất hay định lí, vì vậy, sau khi dạy xong mỗi bài hay mỗi chương, GV cần nhấn mạnh những kiến thức trọng tâm. Thí dụ, sau khi học xong chương tứ giác của môn hình học lớp 8, GV cần yêu cầu các em phải thuộc tất cả các dấu hiệu nhận biết từng hình như hình bình hành, hình chữ nhật… GV cho bài tập vận dụng với mỗi loại hình. Làm nhiều bài tập sẽ giúp cho HS nhớ các dấu hiệu này lâu hơn.
2. GV cần cho HS lập sổ tay ghi lại những tính chất hình học hoặc chép ra giấy những điểm cần nhớ rồi dán ở góc học tập trong gia đình. Việc tiếp xúc với các tính chất hình học mỗi ngày theo cách học trực quan sẽ giúp các em mau chóng thuộc bài. Trước khi giải bài tập, GV cần phân tích đề, sau đó vạch ra các bước giải cụ thể. GV phải yêu cầu HS vẽ hình lớn, rõ ràng, chính xác và tóm tắt đề bài toán. Một hình vẽ rõ ràng, chính xác sẽ giúp các em tìm ra cách giải dễ dàng hơn. Thỉnh thoảng, GV nên cho HS làm bài chính tả hình học, nghĩa là đọc đề bài và yêu cầu các em vẽ hình cho đúng. Cách làm này sẽ rèn luyện cho HS kĩ năng vẽ hình. Đây là điều kiện cần, vì nếu không vẽ hình được làm sao các em có thể giải được bài tập hình học?
3. GV cũng nên soạn ra những bài toán vui, toán khó và cho HS về nhà giải, em nào giải được sẽ có phần thưởng. Có thể phần thưởng là tập, viết, tuy không giá trị bao nhiêu nhưng nó sẽ giúp cho các em ngày càng yêu thích môn hình học. Những bài tập đòi hỏi mức độ tư duy cao như thế sẽ nâng cao trình độ của mỗi HS.
Nói chung, nếu có sự đầu tư và cố gắng của GV thì các em HS sẽ không còn xem hình học là môn “khó nuốt” nữa mà trái lại sẽ ngày càng yêu thích nó.
NGUYỄN THANH DŨNG
(GV Trường THCS Phước Lý, huyện Cần Giuộc, Long An)
GV cho HS lập các nhóm học tập gồm những em nhà gần nhau, em học giỏi sẽ giúp đỡ bạn học yếu. Các em học giỏi chỉ giảng cho bạn học yếu hiểu bài rồi hướng dẫn bạn tự giải bài tập, chứ không giải giùm để bạn chép vào tập lên lớp đối phó khi thầy cô kiểm tra.