Thứ hai, 30/11/2009, 15h11

Làm thế nào để đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục? - Hiệu trưởng giỏi phải tập hợp được quần chúng

Người hiệu trưởng giỏi phải biết xây dựng được điển hình, nhân tố mới. Trong ảnh là buổi lễ khen thưởng giáo viên giỏi tại Trường THPT Trần Hưng Đạo (TP.HCM). Ảnh: Mê Tâm

Ngoài các yếu tố dẫn đến người hiệu trưởng giỏi là phải có đạo đức tốt, thực sự là tấm gương sáng, là con chim đầu đàn của nhà trường, rồi đến yếu tố phải có bằng cấp đạt và vượt chuẩn để cho giáo viên, học sinh tin yêu.
1. Người hiệu trưởng giỏi nhất thiết phải là một người biết phương pháp xây dựng và nhân được điển hình tiên tiến, nhân tố mới, người tốt việc tốt, nét đẹp trong cuộc sống hằng ngày của giáo viên, học sinh, các lực lượng xã hội cộng tác với nhà trường để lấy cái đẹp dẹp cái xấu. Trên 40 năm dạy học ở các cấp tiểu học, THCS, THPT tôi thấy có hiệu trưởng lãnh đạo nhà trường đạt nhiều thành tích đặc biệt, bởi có nhiều phương pháp hay. Trong đó có phương pháp trước khi góp ý với một người nào đó có khuyết điểm đã nêu bật được những ưu điểm của người đó, sau đó mới nói đến khuyết điểm với những lời lẽ tràn đầy khoa học sư phạm, khoa học giáo dục làm cho người được phê bình rất cảm động nhận lỗi, sau đó đã sửa chữa dần và tiến bộ. Thuyết phục con người là phải biết lấy ưu điểm của họ để giúp họ khắc phục khuyết điểm. Tôi nghĩ người hiệu trưởng giỏi là người biết làm tốt phương pháp này, để từ đó đoàn kết, tập hợp được lực lượng, xây dựng và nhân điển hình tiên tiến, nhân tố mới, người tốt, việc tốt…
2. Muốn trở thành người hiệu trưởng giỏi, thì nhất thiết phải xây dựng được điển hình, mô hình, kinh nghiệm thật đơn vị mới bền chặt. Vì nếu không thật, thì không khác gì như đám bọt xà phòng, dễ mau chóng tan đi. Người hiệu trưởng giỏi là người phải biết biến mình trở thành một điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt trong nhà trường, để lôi cuốn mọi người cùng làm theo mình, như có hiệu trưởng ngoài việc làm tốt các mặt công tác lãnh đạo nhà trường còn bố trí thời gian dạy phụ đạo môn toán cho học sinh yếu hoặc khá giỏi, nhưng không thu tiền của học sinh và cũng không nhận quà cáp của cha mẹ học sinh để nêu gương thật thà, liêm khiết.
Người hiệu trưởng giỏi là người biết khiêm tốn tiếp thu, không nên lợi dụng chức quyền để trù úm bất kỳ giáo viên nào thẳng thắn xếp loại mình ở mức độ còn yếu kém chẳng hạn! Mà nên dám nhìn thẳng vào khuyết, nhược điểm của mình để rút kinh nghiệm và kiên quyết sửa chữa, để không ngừng tiến bộ. Nếu làm được như vậy thì hiệu trưởng đó sẽ ngày càng được đông đảo giáo viên tin yêu, mến phục. Vì vậy, việc “chọn mặt gửi vàng”, bố trí đúng chức danh hiệu trưởng và sau đó tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ hiệu trưởng giỏi là một trong những khâu quan trọng bậc nhất của công tác tổ chức trong ngành giáo dục. Vì nó là một trong những nhân tố quan trọng góp phần vào thành công của nhà trường.
Nguyễn Cảnh (Hà Nội)