Chủ nhật, 18/10/2009, 21h10

Làm thế nào để đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục? - Kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông

Chất lượng là yếu tố hàng đầu của giáo dục. Từ đó mới đào tạo ra những trí thức tài năng cho đất nước (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: T.Tr

Vài năm trở lại đây, trong ngành giáo dục nước ta đã xuất hiện một khái niệm khá mới mẻ: kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD). Đây là một giải pháp quản lí chất lượng và hiệu quả nhằm mục đích đánh giá hiện trạng, xác định chính xác các điểm mạnh, điểm yếu của các cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn đề ra, từ đó xây dựng kế hoạch phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu để đảm bảo chất lượng và không ngừng phát triển.
1. Công tác KĐCLGD đã được Bộ GD-ĐT lựa chọn như một biện pháp chính thức để nâng cao chất lượng giáo dục, từng bước triển khai công tác KĐCLGD ở các cấp học phổ thông…  
Có thể khẳng định KĐCLGD phổ thông là một công cụ nhằm mục đích xác định mức độ đáp ứng mục tiêu giáo dục trong từng giai đoạn của cơ sở giáo dục, thông qua sự đánh giá tổng thể về tất cả các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng. Kết quả kiểm định là thước đo cơ sở giáo dục trong chuẩn chất lượng, đạt được những gì, còn thiếu những gì để điều chỉnh, bổ sung các điều kiện và tổ chức giáo dục nhằm đạt chuẩn chất lượng. Kết quả kiểm định sẽ được công khai trước cơ quan chức năng quản lí và cả xã hội. Đây cũng là một cách làm thúc đẩy tích cực các cơ sở giáo dục phổ thông phải tìm nhiều giải pháp, giải bài toán bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục.
Khác với KĐCLGD đại học, KĐCLGD phổ thông có đặc thù riêng gắn với đặc điểm ngành học, bậc học với hai yếu tố: chương trình giáo dục và tổ chức dạy học. Ở ngành học phổ thông, yếu tố đánh giá chương trình qua kiểm định không thể hiện rõ, vì chương trình là do Bộ ban hành thống nhất, và việc đánh giá chương trình lại thuộc chức năng của cơ quan có thẩm quyền khác... Như vậy, hoạt động KĐCLGD phổ thông tập trung ở quá trình tổ chức dạy học và ở đầu ra. Quá trình tổ chức dạy học bao giờ cũng là khâu phản ánh rõ tính chủ động, năng lực giáo dục của các trường. Ở KĐCLGD phổ thông, do có những trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số khó khăn, có những trường ở thành phố, đô thị lớn, điều kiện giáo dục thuận lợi hơn rất nhiều nên độ “lệch” trong nhiều trường hợp có thể là rất đáng kể.
2. Để khắc phục thực trạng này, hiện mới chỉ có bậc tiểu học có quy định mức chuẩn cho các trường tiểu học vùng khó khăn (thuộc Dự án Trẻ tiểu học vùng khó khăn); còn bậc trung học chưa đặt ra những chuẩn mang tính đặc thù vùng miền... Trong những bước đi ban đầu, Bộ chủ trương việc tổ chức kiểm định như sau:
- Trường phổ thông tự đánh giá theo các tiêu chuẩn, tiêu chí đã ban hành.
- Sau bước tự đánh giá, các trường lập báo cáo gửi lên Sở GD-ĐT (nếu là trường THPT), hoặc gửi lên Phòng GD-ĐT (nếu là trường THCS, tiểu học). Sở và các phòng GD-ĐT tổ chức thẩm định báo cáo tự đánh giá đó, nếu kết quả thẩm định cho thấy bảo đảm các yêu cầu, tiêu chuẩn quy định, sẽ chuyển sang đánh giá ngoài.
- Căn cứ vào chất lượng báo cáo tự đánh giá của từng cơ sở giáo dục, Sở GD-ĐT sẽ lập kế hoạch đánh giá ngoài.
Theo sơ đồ trên, tự đánh giá là khâu đầu tiên, và cũng là khâu quan trọng nhất, trong quy trình kiểm định. Đó là quá trình cơ sở giáo dục tự xem xét, nghiên cứu trên cơ sở các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng do Bộ ban hành để báo cáo về tình trạng chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học, nhân lực, cơ sở vật chất cũng như các vấn đề liên quan khác, từ đó tiến hành điều chỉnh các nguồn lực và quá trình thực hiện nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng. Tự đánh giá thể hiện tính tự chủ và tính tự chịu trách nhiệm của nhà trường trong toàn bộ hoạt động giáo dục theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Tự đánh giá là một quá trình liên tục được thực hiện theo kế hoạch, được dành nhiều công sức, thời gian, có sự tham gia của tất cả các bộ phận và cá nhân trong nhà trường. Tự đánh giá đòi hỏi tính khách quan, trung thực và công khai. Các giải thích, nhận định, kết luận đưa ra trong quá trình tự đánh giá phải dựa trên các thông tin, minh chứng cụ thể, rõ ràng, đảm bảo độ tin cậy. Báo cáo tự đánh giá phải bao quát đầy đủ các tiêu chí trong tiêu chuẩn đánh giá chất lượng nhà trường.
3. Do công tác KĐCLGD nói chung và KĐCLGD phổ thông nói riêng ở nước ta còn quá mới mẻ, việc triển khai vẫn đang ở giai đoạn bước đầu nên thực tế triển khai còn gặp phải nhiều khó khăn, thách thức và tồn tại những yếu kém, bất cập; trong đó khó khăn về đội ngũ những người tham gia công tác kiểm định là một khó khăn nổi bật. Tuy nhiên, từ nhận thức và ý thức về mục đích, ý nghĩa của công tác kiểm định, từ việc triển khai một cách khách quan, trung thực, toàn bộ hệ thống giáo dục Việt Nam nói chung và các cơ sở giáo dục nói riêng dần dần sẽ tạo ra được những chuyển biến mới, hình thành “văn hóa chất lượng” trong mỗi trường học, mỗi cán bộ quản lí giáo dục, giáo viên, học sinh để từ đó, chất lượng giáo dục được đảm bảo và không ngừng được cải tiến, nâng cao.
 
TS. Trần Thanh Bình
(Trường CB Quản lý Giáo dục TP.HCM)
 
Các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục
Nâng cao năng lực các phòng khảo thí và quản lý chất lượng ở các sở GD-ĐT. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các hướng dẫn về công tác đánh giá và KĐCLGD.
Triển khai công tác đánh giá chất lượng giáo dục các trường phổ thông, trong đó có các trường ngoài công lập, các trường do nước ngoài đầu tư hoặc đào tạo theo chương trình nước ngoài; xây dựng chuẩn và chuẩn bị các điều kiện để đánh giá các trường. Triển khai các bước chuẩn bị cho Việt Nam tham gia Chương trình Đánh giá kết quả học tập của học sinh quốc tế (PISA). Mỗi giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục thực hiện một đổi mới trong phương pháp dạy học và quản lý. Mỗi trường có một kế hoạch cụ thể về đổi mới phương pháp dạy học. Mỗi tỉnh có một chương trình đổi mới phương pháp dạy học.
P.V (nguồn Bộ GD-ĐT)