Chủ nhật, 12/6/2011, 12h06

Nâng cao chất lượng giáo dục ở một trường tiểu học

Tập thể cán bộ, giáo viên Trường TH Đông Ba
Được thành lập từ năm 1972 với năm phòng học tạm; năm 2005, Trường Tiểu học (TH) Đông Ba được xây mới khang trang, có 19 phòng học và 12 phòng chức năng. Trải qua chặng đường 39 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt là những năm đổi mới, Trường TH Đông Ba đã trở thành niềm tự hào của ngành GD-ĐT quận Phú Nhuận (TP.HCM) trong sự nghiệp phát triển giáo dục TH - cấp học bản lề của giáo dục phổ thông.
Năm học vừa qua Trường TH Đông Ba tiếp tục thực hiện và đi vào chiều sâu chủ đề “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục”. Khâu đột phá được Ban giám hiệu nhà trường tập trung chỉ đạo là đổi mới phương pháp dạy học.  
Đổi mới phương pháp dạy học
Đây là công việc được đội ngũ giáo viên của trường xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Do đó, tất cả giáo viên trong trường đều đăng ký đề tài đổi mới phương pháp dạy học và thực hiện đạt kết quả tốt. Nhiều đề tài thực sự hướng đến dạy học theo cá thể hóa, tạo điều kiện cho học sinh tham gia tích cực vào các hoạt động học tập. Nhằm khắc phục tình trạng “dạy chay”, đảm bảo tất cả tiết học đều có giáo cụ trực quan, nhà trường tổ chức hội thi “Đồ dùng dạy học tự làm” trong giáo viên; qua đó nhiều đồ dùng dạy học phục vụ tốt các giờ học theo chủ đề.
Trong bộ môn tiếng Việt ở bậc TH, các kỹ năng nghe, đọc, nói và viết rất quan trọng, trong đó khó nhất là rèn học sinh viết chữ đẹp; đây là bộ môn công cụ để học sinh sử dụng học tốt các bậc học tiếp theo. Trường luôn tổ chức những chuyên đề hỗ trợ tích cực cho nội dung học tập này. Cụ thể, trường thành lập câu lạc bộ “Viết chữ đẹp” cho tất cả các khối lớp, sinh hoạt mỗi tuần một buổi. Tham gia câu lạc bộ các em được rèn luyện từ những nét chữ căn bản đến nâng cao và cả tư thế ngồi viết để không bị cận thị và vẹo xương. Giáo viên phụ trách lớp là những giáo viên có khả năng rèn chữ cho học sinh; khả năng viết chữ đẹp của các cô là tấm gương cho các em noi theo. Trong hội thi “Giáo viên viết chữ đẹp” của quận, trường có ba giáo viên tham dự là các cô Phan Ngọc Hà (chủ nhiệm 3/1), Võ Thị Mỹ Hạnh (chủ nhiệm 4/5), Nguyễn Thị Ngọc Châu (chủ nhiệm 5/3). Kết quả, cô Võ Thị Mỹ Hạnh đoạt giải nhất, cô Phan Ngọc Hà đoạt giải khuyến khích. Trường cũng đã tổ chức triển lãm trưng bày và giới thiệu những hoạt động trong phong trào “Rèn chữ, giữ vở” của giáo viên và học sinh, qua đó có tác động tích cực động viên cả thầy, trò và cha mẹ học sinh.
Tạo điều kiện cho học sinh phát triển toàn diện
Giáo dục TH có vai trò đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện của học sinh. Nhận thức sâu sắc vấn đề này, Ban giám hiệu nhà trường đã tổ chức nhiều chương trình nhằm tạo điều kiện cho học sinh tham gia tích cực. Cụ thể là giáo dục truyền thống rất đáng tự hào của dân tộc và đạo lý uống nước nhớ nguồn. Năm 2011, nhà trường tổ chức Lễ giỗ Quốc Tổ Hùng Vương (10-3 âm lịch) với sự tham dự của đông đảo giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh. Dịp này, trường phát động cuộc thi vẽ tranh chủ đề “Mùa xuân của em”, nhiều tranh vẽ của các “họa sĩ” nhỏ tuổi phản ánh sinh động những suy nghĩ hồn nhiên về mùa xuân với những nét đẹp của thành phố trẻ và những ước mơ ngày mai.
Nhằm giúp học sinh có thói quen đọc sách và tự tìm tòi học hỏi kiến thức qua sách báo, thư viện của trường luôn tổ chức các cuộc thi đọc sách và kể chuyện đạo đức cho học sinh các khối lớp tham gia. Đáng ghi nhận là các hoạt động học mà chơi, chơi mà học phù hợp với lứa tuổi học sinh TH như ngày hội Búp măng xinh với nhiều hoạt động VHVN, thi hóa trang và các trò chơi vận động… Bảo vệ môi trường sống đang là vấn đề nóng trước mắt và lâu dài của nhân loại, và cũng là vấn đề giành sự quan tâm đặc biệt của xã hội. Để có thể giải quyết căn cơ vấn đề này thì một trong những giải pháp tích cực là giáo dục cho mọi người ý thức bảo vệ môi trường ngay từ khi còn là công dân nhỏ tuổi. Trường TH Đông Ba đưa nội dung này vào hoạt động giáo dục. Hàng năm trường tổ chức Ngày môi trường với những buổi nói chuyện, tranh ảnh minh họa… giúp học sinh hiểu được sự cần thiết phải chung tay góp sức bảo vệ Trái đất xanh - ngôi nhà chung của nhân loại. Từ đó các em có thói quen gìn giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh trường lớp, trồng nhiều cây xanh, cây cảnh, xây dựng khung cảnh nhà trường xanh-sạch-đẹp.
Sự phối hợp tích cực giữa nhà trường, gia đình và xã hội
Trong các biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục, nhà trường còn chú trọng phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Ngay từ đầu năm học, trường tổ chức Đại hội cha mẹ học sinh, Ban đại diện cha mẹ học sinh được thành lập gồm các thành viên đại diện của các khối lớp, đề ra phương hướng hoạt động trong suốt năm học. Theo đó, cha mẹ học sinh quan tâm phối hợp với giáo viên chủ nhiệm quản lý chặt chẽ việc học tập và giờ giấc sinh hoạt của con em. Trong mỗi gia đình đều cố gắng dành nơi yên tĩnh, thoáng mát làm góc học tập cho các cháu. Những em có sức học yếu được động viên giúp đỡ kịp thời và tạo điều kiện để rèn luyện vươn lên…
Trường còn tích cực thực hiện các chuyên đề giáo dục gắn với các vấn đề thời sự ngoài xã hội. Chuyên đề “Giảng dạy an toàn giao thông theo phương pháp tích cực cho học sinh TH” được thực hiện với nhiều hình thức sinh động, như tìm hiểu về biển báo giao thông, thi trang trí mũ bảo hiểm, thực hành qua đường an toàn tại sân trường và ngoài đường lộ, biểu diễn các tiểu phẩm, thời trang…
Nhà trường đã được tặng danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc; nhiều giáo viên đoạt giải cao trong các hội thi giáo viên dạy giỏi; học sinh lên lớp và thi cuối cấp đạt tỷ lệ cao; có nhiều học sinh giỏi cấp quận và thành phố… Và điều mà xã hội ghi nhận là học sinh Trường TH Đông Ba có đạo đức chăm ngoan, học giỏi, có kiến thức cơ bản vững vàng để học tập tốt các bậc học trên.
Bài, ảnh: Bùi Quý Toản