Thứ ba, 3/5/2011, 15h05

Những lưu ý khi dạy địa lý lớp 4 và lớp 5

Giờ học môn địa lý của lớp 5D Trường TH Đống Đa (Q.4)
Ở tiểu học, các em học sinh (HS) được học môn địa lý lớp 4 và lớp 5. Việc dạy môn học này không hề đơn giản, bởi nó là môn học mới mẻ và các kiến thức đều hết sức lạ lẫm với HS. Vì thế, giáo viên lớp 4 và lớp 5 cần hết sức chú ý đến các kiến thức cơ bản của môn học này.
1. Nói đến địa lý là nói đến bản đồ, lược đồ. Tiếc rằng, cả chương trình học ở lớp 4 và lớp 5 không có tiết học nào dạy HS cách xem và chỉ bản đồ, lược đồ. Khi dạy địa lý, giáo viên thường cung cấp kiến thức theo mục tiêu bài dạy, chỉ cho HS quan sát bản đồ theo yêu cầu bài để kịp thời gian giảng dạy mà thôi. Chính vì thế đã dẫn đến rất nhiều HS khi lên trung học vẫn không xác định được hướng đông, tây, đông bắc, tây nam… trên bản đồ, lược đồ. Do đó, việc trước tiên khi dạy bài 1 của địa lý lớp 4, giáo viên nên dành thời gian hướng dẫn HS xác định phương hướng khi xem bản đồ. Để HS dễ nhớ, có thể cho các em đứng lên, dang thẳng hai tay, bản đồ treo trước mặt và cho HS biết hướng bản đồ: phía trên là hướng bắc, phía dưới là hướng nam, về tay phải là hướng đông, về tay trái là hướng tây. Cho các em lặp lại nhiều lần: “Trên: bắc, dưới: nam, phải: đông, trái: tây” (có thể tổ chức trò chơi ở phần này). Kế tiếp là cho HS đọc tên bản đồ, lược đồ. Trên thực tế, giáo viên thường ít cho HS đọc tên bản đồ, lược đồ mà chỉ tập trung cho các em chú ý quan sát ngay đối tượng cần tìm hiểu. Thực sự, việc cho HS đọc tên bản đồ, lược đồ là việc rất quan trọng; nó chẳng những giúp các em xác định ngay trọng tâm nội dung của bản đồ, lược đồ (Bản đồ hành chính phân rõ tỉnh, thành phố, thị xã, thị trấn… Bản đồ địa hình chỉ rõ đồi núi, cao nguyên, sông ngòi… Lược đồ khoáng sản cho biết các loại khoáng sản có ở nơi nào, vùng nào...), mà quan trọng hơn là còn giúp các em tự tìm đúng bản đồ, lược đồ để tra cứu trong thực tế khi cần thiết hay khi lên trung học. Sau đó, giáo viên phải cho HS đọc chú giải để biết về các kí hiệu đỉnh núi, dãy núi, biên giới quốc gia… Cần phải chú trọng việc nắm các kí hiệu này, vì qua mỗi bài, các kí hiệu tăng dần nhất là ở lớp 5 như kí hiệu về thành phố, sông ngòi, mỏ sắt, mỏ vàng... Đặc biệt là chú giải về màu sắc; cùng màu nhưng độ đậm nhạt cũng có ý nghĩa khác nhau như cho biết độ cao của vùng đất, độ sâu của biển… ở từng nơi. Cứ mỗi một bài học địa lý, thầy cô nhắc lại và hướng dẫn các em thêm cách xem bản đồ, lược đồ. Chỉ bản đồ, lược đồ cho đúng cách cũng là kĩ năng địa lý cần phải tập luyện cho HS như chỉ một vùng đất, một tỉnh, một thành phố, một quốc gia, châu lục phải làm thành một đường khép kín theo chiều kim đồng hồ quay; chỉ một con sông phải chỉ từ thượng nguồn đến hạ lưu… Cách chỉ bản đồ, lược đồ cũng là kiến thức, kĩ năng địa lý. Nó rất cần cho HS khi trình bày một vấn đề phải sử dụng lược đồ trong tương lai.
2. Ở lớp 5, khi học sang địa lý thế giới có sử dụng quả địa cầu, rất nhiều giáo viên theo thói quen, đã quay quả địa cầu sai (như vậy là sai kiến thức địa lý). Thầy cô phải quay quả địa cầu theo ngược chiều kim đồng hồ vì quả đất tự quay từ tây sang đông. Giáo viên nhất thiết phải hướng dẫn HS điều này và tập các em quay quả địa cầu cho chính xác. Ngoài việc xem lược đồ, bản đồ thì việc hướng dẫn HS tìm hiểu các bảng số liệu, biểu đồ trong SGK cũng không kém phần quan trọng. Đa số giáo viên thường chỉ cho HS đọc và trả lời các câu hỏi theo yêu cầu của SGK mà chưa khai thác hết bảng số liệu và biểu đồ. Chẳng hạn, nếu khai thác bảng số liệu về dân sốbảng số liệu về diện tích của một nước hay một châu lục, giáo viên nên hướng dẫn HS biết cách tính mật độ dân số và khi biết mật độ dân cao sẽ ảnh hưởng thế nào đến kinh tế, môi trường… Hay khi xem biểu đồ khối lượng hàng hóa vận chuyển phân theo loại hình vận tải, giáo viên có thể khai thác thêm đường ô tô được sử dụng quá nhiều dẫn đến những tác hại gì về môi trường, giao thông… và theo các em, loại đường nào cần phát triển nhiều hơn, nó có những ích lợi gì cho đời sống, cho môi trường… Như vậy, chắc chắn tiết học sẽ rất sinh động và HS sẽ có thêm rất nhiều kiến thức bổ ích cũng như tập cho các em cách suy luận từ những biểu đồ, bảng số liệu trong thực tế.
3. Các bài học trong sách Địa lý 4 và lớp 5 không có chú giải các từ ngữ khó hiểu nhưng thực tế, có rất nhiều từ ngữ mà giáo viên cần phải giải thích cặn kẽ thì HS mới có thể nắm vững được bài học như xích đạo, chí tuyến, ôn đới, nhiệt đới, hàn đới, mật độ dân số, bồn địa, xa-van, rừng tai-ga… Rất nhiều thầy cô khi dạy thường hay quên giải thích vì cứ nghĩ rằng các em đã biết, làm HS hiểu bài một cách mơ hồ và khi lên các lớp trên lại càng “mù mờ” khi thầy cô ở trung học nhắc đến các từ này.
Với HS, tất cả những môn học mới đều khó. Vì thế, giáo viên lớp 4 và lớp 5 cần chú ý các điểm trên thì bài dạy mới có hiệu quả, HS mới học tốt hơn. Học tốt địa lý 4 và lớp 5 sẽ là nền tảng vững chắc để các em học tốt địa lý trong suốt chương trình trung học, cũng như trang bị cho các em vốn kiến thức về địa lý cần có trong cuộc sống tương lai các em sau này.
Bài, ảnh: Lê Phương Trí