Thứ sáu, 12/11/2010, 14h11

Phát huy tính tích cực tư duy học sinh

Mức độ hiệu quả của phương pháp dạy ít nhiều phụ thuộc vào nghệ thuật sư phạm của GV (ảnh minh họa). Ảnh: T.L

Các nhà khoa học, nhà sư phạm đều nhận định rằng: tài liệu học tập có sâu sắc về nội dung khoa học và bổ ích về mặt khách quan bao nhiêu thì nó vẫn không có tác dụng phát triển trí tuệ học sinh (HS) nếu các em không tự suy nghĩ, không lĩnh hội được chúng thì không thể biến nó thành của riêng mình.
Việc ghi nhớ máy móc các tài liệu học tập do giáo viên (GV) trình bày là một công việc của trí nhớ nhưng nó lại ít có tác dụng phát triển trí tuệ. Chỉ khi tiến hành thực hành bằng nhiều hình thức dựa trên cơ sở lý thuyết đã được học thì lúc ấy tư duy của HS sẽ hoạt động mạnh mẽ, hoạt động trí tuệ tích cực hơn sẽ giúp các em hiểu sâu hơn bản chất của các hiện tượng và ghi nhớ vững chắc hơn.
Có thể nói phương pháp dạy học giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục trí tuệ của HS. Từ cổ chí kim, ngành giáo dục của chúng ta có cả một hệ thống phương pháp dạy học, mỗi phương pháp có một tác dụng nhất định đến việc tiếp thu bài của các em. GV cần quan tâm đến những phương pháp dạy kích thích tích cực hoạt động trí tuệ như phương pháp đàm thoại gợi mở: đặt ra những câu hỏi để dẫn dắt HS tự mình tìm ra tri thức và vận dụng vào thực tiễn. Mức độ hiệu quả của các phương pháp dạy ít nhiều phụ thuộc vào nghệ thuật sư phạm của GV. Bài giảng có sức thuyết phục có thể kích thích mạnh những ý nghĩa sinh động của HS.
Công tác tổ chức một tiết dạy độc lập có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành các kỹ năng trong hoạt động nhận thức, phát triển năng lực tự học của HS; kích thích tư duy nhằm mục đích củng cố tài liệu do GV trình bày. Tuy nhiên, phương pháp này đạt kết quả cao khi HS đã hiểu rõ mục đích và ý nghĩa thực tế của công việc. Hiểu cách thức làm một bài tập theo mẫu đã cho như độc lập phân tích tài liệu (có thể là số liệu) về một môn học mà chỉ cần sách giáo khoa. Có thế thì HS mới tự mình tìm ra một phương pháp tự học hiệu quả cho mình. HS được “huấn luyện” về cách thức giải quyết (một bài toán) từ GV, sau đó GV có thể cung cấp thêm hướng giải quyết vấn đề từ kinh nghiệm của mình để qua đó các em có thể sáng tạo thêm. Ví dụ: Một bài toán trừu tượng trong môn vật lý như “sự chuyển động của các xe chở hàng”, GV có thể khéo léo đưa nó về dạng “phải chuyên chở nhanh nhất số hàng ấy ra khỏi vùng nguy hiểm”. Hoặc một câu hỏi lý thuyết: “Người ta hơ cái chai đựng nước có nút kín vào lửa. Sẽ có hiện tượng gì xảy ra với cái nút chai. Tại sao?”. Đây là một bài toán nhằm bổ dưỡng năng lực tiên đoán, phát triển tư duy phân tích của HS. Làm được điều này, GV có thể điều chỉnh câu hỏi này như sau: “Người ta hơ một cái chai đựng nước có nút kín vào lửa. Sau một thời gian nút chai bật ra, hãy giải thích vì sao?”. Trong môn tiếng Anh, khi HS học đến các thì trong tương lai thì giáo viên cũng có thể liên tưởng đến một kế hoạch trong một tuần qua mà các em chưa thực hiện được khi các em chưa hiểu phương thức biến đổi những động từ ở thì hiện tại sang những động từ của thì tương lai.
Với các môn khoa học tự nhiên, GV phải có một quá trình chuẩn bị như tổ chức quan sát, tổ chức làm thí nghiệm và đưa ra nhiều tình huống, giả thuyết. HS sẽ căn cứ vào đó mà đưa ra chứng minh cho những giả thuyết ấy. Ngoài ra việc tham gia các cuộc tranh luận sẽ rèn luyện cho HS cách nhận xét có lý lẽ, có chứng cứ rõ ràng, dẫn chứng ấy sẽ làm cho trí óc của các em có “kỷ luật” về việc học của mình và phát biểu một cách mạch lạc (phát triển năng lực nói có kèm dẫn chứng). Nhằm tránh tác dụng ngược, GV phải hết sức khéo léo và tế nhị khi HS có những ý kiến sai lầm.
Tuy nhiên, việc áp dụng bất kỳ một phương pháp học tập nào và hiệu quả ra sao còn tùy thuộc vào việc GV lựa chọn tài liệu, cách thức chuẩn bị thì mới phát huy được tính tích cực tư duy của HS trong quá trình lĩnh hội tri thức.
Trần Tùng

Điều quan trọng là GV cần linh động tổ chức tiết dạy sao cho trong quá trình học, HS được tìm hiểu những phương pháp nghiên cứu cơ bản, những kỹ năng tự mình tìm kiếm tri thức mới vừa sức với mình.