Chủ nhật, 1/7/2012, 21h07

Phương pháp dạy giúp học sinh hứng thú

Nhiều hội thảo, chuyên đề được ngành GD-ĐT thực hiện thường xuyên nhằm giúp giáo viên (GV) nâng cao tay nghề trong quá trình giảng dạy. Và, hơn thế nữa là giúp cho học sinh (HS) nắm kiến thức một cách chủ động, sáng tạo, hứng thú. Vậy người GV phải thực hiện việc đổi mới phương pháp dạy như thế nào?
Dạy kiến thức bằng phương pháp trạm
Từ trạm cũng đã phản ánh phần nào về cách thức học của HS với sự gợi dẫn của GV để các em có thể nắm được kiến thức từ đơn giản đến nâng cao theo sự phân luồng kiến thức qua từng trạm. Phương pháp trạm nhằm giúp cho người học cảm thấy không bị “nhồi nhét” mà là “vượt chướng ngại vật” qua từng trạm. Mỗi trạm là một dạng kiến thức đòi hỏi người học xem xét kĩ lưỡng và thực hiện nhanh chóng để có thể được cấp “giấy thông hành” đến trạm tiếp theo. Phương pháp này phát huy tối đa sự tư duy của mỗi cá nhân, các em tập trung cao độ để việc vượt trạm càng nhanh càng tốt. Từ đó, GV sẽ có thời gian dành cho những HS chậm hơn, đồng thời cả lớp làm việc liên tục không còn thời gian trống để làm việc riêng. Đó là ưu điểm của phương pháp này.
Tuy nhiên, để thực hiện tốt việc truyền đạt kiến thức bằng phương pháp trạm thì đòi hỏi người GV phải chịu khó hơn, phải nỗ lực hơn trong việc soạn giảng bằng đồ dùng dạy học. Đơn cử, GV cần chuẩn bị sẵn các bảng biểu của từng trạm, các hộp để đựng các gói câu hỏi, các bảng đáp án và các “phiếu thông hành” để khi HS đã hoàn thành được từng trạm thì nhanh chóng tiến đến các trạm tiếp theo. Phương pháp học theo trạm phù hợp cho các dạng bài ôn tập, luyện tập kiến thức đã học chứ không thích hợp cho dạng truyền đạt kiến thức mới. Mô hình của phương pháp học theo trạm môn toán được tóm tắt như sau: (Hình 1)
Dạy kiến thức qua phương pháp những “mảnh ghép”
Khác với phương pháp trạm vừa nêu ở trên chỉ thích hợp cho việc ôn tập, luyện tập các kiến thức mà HS đã học, phương pháp dạy học bằng những  “mảnh ghép” lại thích hợp cho việc truyền giảng kiến thức mới của tất cả các phân môn khác nhau trong chương trình. Với phương pháp mảnh ghép này, HS được hoạt động theo nhóm để mỗi cá nhân có một nhiệm vụ khác nhau và thực hiện ghép các nhóm, ghép mỗi nội dung khác nhau thành những mảnh ghép trong quá trình tìm hiểu kiến thức mới. Phương pháp này giúp cho mỗi cá nhân trong nhóm đều có thể trao đổi nội dung của mình và cả nhóm, sau khi đã ghép thì tạo thành một bức tranh tổng thể với những mạch kiến thức mà GV muốn truyền đến HS của mình. Mỗi HS được lắng nghe bạn trong nhóm trình bày một cách thẳng thắn, thoải mái. Qua đó, các em sẽ nắm được kiến thức của bài học theo sự gợi dẫn của GV một cách chủ động, sáng tạo và nhanh hơn vì không chỉ ngồi nghe GV giảng mà ngược lại, được nghe bạn nói và chính mình được nói cho các bạn nghe. Bên cạnh đó còn giúp HS rèn thêm tính tự tin, mạnh dạn trình bày trước nhóm.
Việc ứng dụng phương pháp này theo mô hình sau: (Hình 2)
Dạy kiến thức qua phương pháp “phủ khăn”
Phương pháp này giúp cho HS tích cực hơn trong tư duy và suy nghĩ của mình. Với phương pháp này, cùng một câu hỏi, mỗi HS trong nhóm sẽ tìm ra những đáp án khác nhau theo sự suy nghĩ của riêng mình để “góp chung” vào hoạt động của nhóm được phong phú. Phương pháp “phủ khăn” rất thực tế cho việc giảng dạy bộ môn tập làm văn ở tiết tìm ý, bộ môn luyện từ và câu để tìm từ theo chủ điểm cụ thể của phân phối chương trình hay cho các phân môn khoa học, lịch sử, địa lí về việc tìm hiểu các địa danh, các di tích lịch sử… GV phải chuẩn bị thật kĩ những tình huống mà HS có thể tìm được trong quá trình tiếp thu để xử lý và giải thích thấu đáo tại sao trường hợp này không dùng được, không thích hợp cho việc HS tìm được ý, hay từ ngữ chưa sát với chủ điểm. Nếu GV không chuẩn bị kĩ, tiết học sẽ có nguy cơ không thành công vì có nhiều dữ kiện HS đã chọn làm đáp án (theo tư duy của các em) mà GV không kịp chuẩn bị để xử lý thỏa đáng cho các em tâm phục, khẩu phục!
Có thể nói việc đổi mới và ứng dụng các phương pháp học tích cực, giúp cho HS chủ động tiếp thu kiến thức đòi hỏi mỗi GV phải suy nghĩ để tìm tòi, học tập và trao đổi kinh nghiệm để cùng giúp nhau nâng cao tay nghề. Qua đó thay đổi cách truyền giảng cho HS, giúp các em có hứng thú hơn khi học tập. Có như vậy, tiết học sẽ trở nên nhẹ nhàng nhưng vẫn đảm bảo tốt việc truyền thụ của thầy và việc tiếp nhận của trò trong thời đại hiện nay.
Trần Minh Duy
(Trường Quốc tế Việt Úc)