Thứ tư, 29/6/2011, 14h06

Phương pháp tự học môn ngữ văn

Tùy vào tình hình thực tế mà GV rèn luyện ý thức tự học cho HS (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: N.Q
Làm thế nào để giúp học sinh (HS) xây dựng được ý thức tự học, phát huy tính chủ động trong giờ học? Đây là một trong những yêu cầu đối với người giáo viên (GV) khi muốn đổi mới phương pháp dạy học.
1. Tự học ở nhà là nhiệm vụ chính của HS. Tuy nhiên, làm thế nào để tự học có hiệu quả? Ít ra các em HS cũng nên có một số “bí quyết” nhất định. Trước hết, HS nên có một số sách tham khảo, vì sách tham khảo là thứ cẩm nang không thể thiếu trong việc mở mang kiến thức. Có các loại sách đó trong tay HS sẽ thuận lợi hơn trong việc tự học, dễ dàng trả lời được những câu hỏi khó mà trong SGK không có đáp án. Nếu em nào không có điều kiện thì nên đến thư viện để tìm và đọc các loại sách tham khảo, tự soạn trước bài mới ở nhà theo sự hướng dẫn cụ thể của GV. Ngoài việc học và làm bài, các em nên dành thời gian rảnh rỗi để luyện tập viết vài đoạn văn hay viết bài hoàn chỉnh, hoặc đọc các sách phê bình, sách văn chương để học tập thêm kỹ năng hành văn…
Khi chuẩn bị bài mới, HS nên chia tập ra hai cột theo tỷ lệ 7-3. Cột bên trái ghi: “Phần tự học ở nhà”, cột bên phải ghi: “Phần bổ sung ở lớp”. Lưu ý, đối với cột tự học thì HS ghi những kiến thức ngắn gọn, cơ bản theo dàn ý, tiêu đề mà GV yêu cầu. Ngoài ra, các em nên có một cuốn sổ tay văn học để ghi chép lời hay ý đẹp, những câu danh ngôn, những đoạn văn - câu thơ nhằm bổ sung thêm vốn kiến thức hoặc những lỗi chính tả thường hay mắc phải để ghi nhớ cách viết đúng. Các em cũng nên mua từ điển chính tả để tra cứu nghĩa khi gặp những từ khó hiểu và làm giàu thêm vốn từ vựng tiếng Việt.
2. Việc tự học ở trường tưởng như không có, nhưng nếu HS tranh thủ thì vẫn có những thời gian xem lại bài học của mình. Ví dụ, trước giờ học các em có thể chia ra từng cặp để trao đổi bài vở, ôn luyện và dò bài trước khi vào tiết 1 hay tiết 3. Trong giờ học thì tích cực thảo luận, trao đổi nhóm. Sau phần thầy cô chốt kiến thức, HS nên đối chiếu bài ghi ở nhà. Nếu có nội dung nào chưa chính xác thì tự điều chỉnh bài ở cột kế bên tương ứng, không đợi GV đọc rồi ghi vào tập. Sau nội dung bài học, HS hội ý nhóm để giải quyết bài tập, các thành viên còn lại hỗ trợ nhau để trình bày bài tập trước lớp. Các cá nhân khác thống nhất ý kiến hoặc phản bác nếu có sai sót và sau đó tự sửa chữa bài tập vào SGK hoặc vở bài tập. Sau giờ học, nếu HS còn có thắc mắc thì chủ động trao đổi với bạn bè hoặc thầy cô để hiểu và nắm vững kiến thức.
3. GV nên cho ghi báo bài của cả tuần sau vào tiết học cuối cùng của tuần trước để HS có thời gian và kế hoạch học trước ở nhà. Sau đó hướng dẫn các em soạn bài bằng các câu hỏi đọc hiểu văn bản ở SGK ngữ văn, các câu hỏi tìm hiểu đơn vị kiến thức trong các bài tiếng Việt hay các bài tập làm văn. Từ đó chỉ ra cho HS những việc làm cụ thể trong việc chuẩn bị bài mới như dàn ý, các đề mục, tiêu đề… Sau khi chốt ý trên lớp, GV cho HS nhắc lại và đối chiếu với cột tự học ở nhà để các em bổ sung. Hướng dẫn HS sử dụng triệt để SGK bằng cách gạch chân những ý quan trọng bằng bút chì vào SGK. Điều này giúp HS tiết kiệm được thời gian trên lớp và có thể ôn lại bài tập một cách dễ dàng khi thi học kỳ hay tốt nghiệp.
4. Việc rèn luyện ý thức tự học và phát huy tính tích cực của HS không thể trong một - sớm - một - chiều mà có thể thực hiện ngay. Mỗi GV trên cơ sở vận dụng linh hoạt chủ trương chung của Bộ GD-ĐT, tùy vào tình hình thực tế HS và đặc điểm của bộ môn mà thực hiện sao cho phù hợp. Tất cả những điều mà chúng tôi trình bày trên đây đều đang ở hướng trải nghiệm và trong quá trình thực hiện, chắc chắn sẽ còn nhiều điều bất cập. Rất mong sự đóng góp của quý thầy cô tìm ra một hướng đi đúng đắn cho trường học của mình trong việc giảng dạy bộ môn ngữ văn.
Nhóm GV ngữ văn khối 8
(Trường THCS Châu Văn Liêm, Q.Phú Nhuận)

Để thảo luận không mang tính hình thức, các thành viên thay phiên nhau phát biểu, dù có em trả lời chưa đúng. Các HS ngồi nghe có quyền đặt câu hỏi chất vấn và tự do tranh luận. Đối với HS khối 6 có thể cho các em đóng phân vai hoặc diễn hoạt cảnh với những tác phẩm văn học dân gian như truyện cổ tích, truyền thuyết…