Thứ tư, 9/5/2012, 10h05

Sơ đồ tư duy trong toán học

SĐTD trong dạy và học toán

Là bộ môn của những con số và phép tính, toán học nghiêng về tư duy logic. Tuy nhiên, trong giảng dạy nếu không biết “cải tổ” phương pháp thì giáo viên (GV) sẽ gặp không ít trở ngại về cách truyền thụ và rèn luyện kỹ năng tính toán.
Chính vì thế tại Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.Thủ Đức), cô Vũ Thanh Phượng và thầy Hoàng Xuân Vịnh - hai GV toán - đã chọn cho mình một hướng đi mới, đó là thiết kế sơ đồ tư duy (SĐTD) trong dạy và học bộ môn toán.
Theo cô Vũ Thanh Phượng - Tổ trưởng bộ môn toán - việc sử dụng SĐTD chỉ được thực hiện đến nơi đến chốn khi người học hiểu được lợi ích và tính năng của SĐTD và cao hơn một bước là tự mình thiết lập được SĐTD. Nếu không sẽ giống như ta đưa một vật sử dụng mà người dùng không biết công năng của nó. Từ kinh nghiệm đã thực hành tại lớp, theo cô Phượng và thầy Vịnh, công việc  này được trải qua 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Làm quen và tập đọc hiểu SĐTD. Để đạt được mục đích, trước hết GV phải có trong tay một số SĐTD do mình thiết kế để “ra mắt” với học sinh (HS). SĐTD đó phải “bám” theo nội dung kiến thức đang hoặc đã học. Tất nhiên chúng ta không quên đưa ra một khái niệm đúng về SĐTD. Thực ra đây là một hình thức ghi chép nhằm tìm tòi, đào sâu và mở rộng một ý tưởng; hệ thống hóa một chủ đề hay một mạch kiến thức bằng cách kết hợp đồng thời việc sử dụng hình ảnh, đường nét, màu sắc chữ viết với tư duy tích cực. Cũng cần lưu ý, dù cùng một chủ đề nhưng mỗi người có thể thực hiện SĐTD theo cách riêng của mình. Có như vậy mới phát huy được tối đa năng lực sáng tạo của mỗi cá nhân. Đọc hiểu SĐTD là tập cho HS thuyết trình, diễn giải mạch nội dung kiến thức hàm chứa trong SĐTD đó. Ví dụ, khi GV giới thiệu SĐTD dấu hiệu chia hết, HS nhìn vào “tấm bản đồ câm” của thầy mà biết được các dấu hiệu chia hết cho 2, 5, 3 và 9 (hay mở rộng chia hết cho 10).
Giai đoạn 2: HS tập vẽ SĐTD bằng cách hoàn thiện tiếp các SĐTD do GV thiết kế sẵn nhưng còn chưa đủ nhánh, thiếu nội dung. Cách làm này là một yêu cầu cao hơn đối với HS nhưng lại mở ra một không gian làm việc sáng tạo và tích cực cho người học nhất là với những đầu óc thông minh, thích tìm hiểu và nghiên cứu. Khi đưa ra SĐTD lũy thừa của một số hữu tỷ, GV chỉ vẽ 4 “nhánh cây” lớn, còn 7 “nhánh cây con” được chừa lại để HS tự vẽ và GV theo dõi giám sát cách làm của các em.
Giai đoạn 3: Thực hành vẽ SĐTD là công đoạn cuối nhằm kiểm tra năng lực nhận biết của HS. Tuy nhiên để định hướng đúng cho người thực hành, thầy cô nên hướng dẫn thêm cách ghi nội dung của các nhánh cây bằng cách vận dụng phương pháp ghi chép hiệu quả như: Dùng từ khóa, chỉ viết cụm từ (không viết thành câu), được dùng các từ viết tắt, đánh số các ý, dùng nét đứt hay mũi tên, sử dụng màu sắc tùy ý…
Nếu cần nên hướng dẫn cả lớp đi theo các bước sau: Chọn từ trung tâm (còn gọi là từ khóa), là tên bài hay chủ đề cần khai thác như: Dấu chia hết, hình chữ nhật, tỷ lệ thức hoặc một hình ảnh, hình vẽ cần khai thác để từ đó vẽ các nhánh đi ra ngoài. Vẽ các nhánh cấp 1: Đây là nội dung chính của chủ đề hay là tên các đề mục của bài học như SĐTD cho bài Hình chữ nhật của khối 8 gồm 3 nhánh (định nghĩa, tính chất, dấu hiệu nhận biết). Vẽ các nhánh cấp 2, cấp 3 và hoàn thiện sơ đồ: Các nhánh cấp 2 là nhánh con của các nhánh cấp 1, các nhánh cấp 3 là nhánh con của các nhánh cấp 2. Sau khi các nhóm hoàn thành, GV cho đại diện mỗi nhóm lên báo cáo, thuyết minh về SĐTD của nhóm mình. Đây là cách GV “tiếp thu” kiến thức chiều ngược lại từ phía HS và tạo môi trường để các em nói trước đám đông tự tin, dạn dĩ. Dành một ít thời gian cho các nhóm thảo luận là giúp các em bổ sung chỉnh sửa sản phẩm do mình làm ra để hoàn thiện SĐTD. Thông qua việc trình bày của HS dựa theo SĐTD, GV giúp các em củng cố kiến thức thật sự sinh động và hứng thú.
Như vậy, từ những hình vẽ đơn giản, màu sắc riêng biệt mà SĐTD đã tạo được những ấn tượng mạnh cho người học về góc nhìn sâu sắc từ thị giác. Bài học từ đó được in đậm và có thể hiểu, nhớ ngay tại lớp chứ không cần phải học thuộc lòng hay hiểu một cách máy móc, mơ hồ.
P.N.Q