Thứ sáu, 2/12/2011, 15h12

Sử dụng đồ dùng dạy học thế nào đạt hiệu quả?: Bài cuối: Tận dụng thiết bị sẵn có

Dựa vào nội dung từng bài học, thầy Nguyễn Tuấn Anh (GV Trường THCS Bạch Đằng, Q.3) thiết kế tranh ảnh phù hợp. Ảnh: Trọng Tri

Trong điều kiện khó khăn, nếu biết chủ động sáng tạo ra các loại đồ dùng dạy học để phục vụ cho việc truyền thụ tri thức thì giáo viên (GV) sẽ có những tiết dạy thành công mang lại nhiều hứng thú cho người học.
Tận dụng sách giáo khoa
Nếu như các bộ môn khác cần hình vẽ, tranh ảnh để minh họa bài dạy thì ở bộ môn lịch sử, bản đồ là phương tiện trực quan quan trọng nhất. Nó không chỉ góp phần tái hiện lại các sự kiện mà còn khắc phục tình trạng “nhầm lẫn” kiến thức lịch sử của người học. Trên bản đồ lịch sử, các sự kiện luôn được thể hiện trong một không gian, địa điểm, thời gian cùng với một số yếu tố nhất định khác. Vì thế bản đồ sẽ mang đến cho người học những “thông điệp” quan trọng nhất của các sự kiện lịch sử trong quá khứ. Cô Nguyễn Thị Lệ Giang - GV Trường THCS Độc Lập - cho biết khi sử dụng bản đồ, sau khi tường thuật chi tiết, GV nên kết hợp với những câu hỏi phát vấn để nâng cao năng lực học sinh (HS). Những câu hỏi đúng trọng tâm sẽ khơi gợi được rất nhiều kiến thức từ suy nghĩ của các em. Lấy ví dụ khi dạy bài “Khởi nghĩa Yên Thế” (Lịch sử lớp 8), cô Giang đã nêu ra câu hỏi: “Với địa hình hiểm trở như trên bản đồ, nghĩa quân Yên Thế đã đưa ra cách đánh giá như thế nào giữa ta và địch?”,  hay câu hỏi: “Tại sao thực dân Pháp lại chịu hòa hoãn với nghĩa quân Yên Thế?”. Những câu hỏi đó sẽ giúp cho HS thấy rõ hơn mối quan hệ giữa nội dung bài giảng với đồ dùng trực quan, từ đó kiến thức bài học ghi nhớ sâu hơn. Ngoài bản đồ và biểu đồ, các hình vẽ, tranh ảnh trong sách giáo khoa - theo cô Giang - cũng là một phần đồ dùng trực quan có sẵn trong quá trình dạy học. Chính vì thế GV phải biết tận dụng để làm cho giờ học thêm sinh động, chứ không phải lúc nào cũng lệ thuộc vào danh mục đồ dùng dạy học của phòng thiết bị - thư viện nhà trường. Thực tế cho thấy khi được quan sát những hình ảnh trực quan, các em HS sẽ phải suy nghĩ, động não, khai sáng hệ thống tư duy trừu tượng. Cô Phan Thị Thu Hường - GV Trường THPT Nguyễn Trãi - thừa nhận, thông qua quan sát và miêu tả tranh ảnh, HS còn rèn luyện được kỹ năng diễn đạt, lựa chọn ngôn ngữ, trau dồi vốn từ… Từ việc quan sát thường xuyên các loại tranh vẽ, hình ảnh thông qua kính hiển vi các em sẽ có thêm thói quen quan sát các vật thể, hiện tượng thiên nhiên bằng con mắt và tư duy khoa học.
Không chỉ dừng lại ở đó, một số GV còn tự tìm tòi và thiết kế các loại đồ dùng dạy học khác để phục vụ HS và cho cả chính bản thân mình. Mặc dù bộ môn ngữ văn không cần nhiều đến thiết bị dạy học nhưng cô Nguyễn Thị Hồng Lan - GV Trường THPT Thanh Đa - luôn tìm tòi các hiện vật, tranh ảnh để “gây ấn tượng” cho HS trong các tiết giảng văn trên lớp. Đó là một tập thơ “Gió Lào cát trắng” của nhà thơ Xuân Quỳnh, một đoạn phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”… đã giúp cho HS hiểu thêm sự nghiệp sáng tác của tác giả, cảm thông sâu sắc hơn số phận của nhân vật Chí Phèo và Thị Nở của nhà văn Nam Cao.
Chủ động thiết kế đồ dùng
Đối với thầy Nguyễn Văn Liêm - GV Trường THPT Phan Đăng Lưu - đồ dùng dạy học không phải là những thiết bị, vật dụng cồng kềnh lấy ra từ trong phòng thực hành mà là những dữ liệu cài đặt trong máy tính và những ổ đĩa có sẵn. Đó là những “tài sản” mà thầy Liêm “thu gom” được từ nhiều nguồn như sách báo, mạng internet để đem vào từng bài giảng của môn giáo dục công dân. Nhờ những file hình sinh động đó mà tất cả kiến thức lý luận tưởng như khô khan đã trở thành những bài học đơn giản, dễ hiểu. Đây cũng là giải pháp của một số thầy cô tại các trường phổ thông luôn đứng trước khó khăn nhưng không bao giờ thiếu lòng đam mê và óc sáng tạo. Những đồ dùng tự làm tuy ít nhiều còn có mặt hạn chế nhưng không phải vì thế mà vai trò và tác dụng của nó lại bị phủ nhận nhất là những nơi còn thiếu thốn về đồ dùng và thiết bị dạy học. Khắc phục được tình trạng dạy chay, các thiết bị tự chế còn đem lại lợi nhuận về mặt kinh tế vì giá thành rẻ, chi phí thấp. Đó cũng là phương châm của thầy Hoàng Đức Huy - GV Trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến - khi tự tìm tòi một con đường dạy học riêng của mình thông qua hệ thống bản đồ tư duy cho bộ môn ngữ văn. Không chỉ tiếp cận tác phẩm văn học qua chất liệu ngôn ngữ mà các em HS còn được hệ thống hóa kiến thức về một giai đoạn văn học, sự nghiệp sáng tác của tác giả và cả giá trị nội dung và nghệ thuật tác phẩm bằng sự liên kết từ những cấu trúc kiến thức đã được “nạp hóa” trên những tấm bìa lớn giúp HS có cái nhìn trực quan sinh động hơn. Các loại sản phẩm đầy tính sáng tạo này sẽ góp phần “nói không với những tiết dạy chay” theo phương pháp thầy đọc - trò chép, đẩy lùi từng bài giảng nặng tính đơn điệu.
Phan Ngọc Quang
Từ việc quan sát các loại tranh vẽ, hình ảnh thông qua kính hiển vi các em sẽ có thêm thói quen quan sát các vật thể, hiện tượng thiên nhiên bằng con mắt và tư duy khoa học.