Thứ tư, 29/8/2012, 14h08

Trò chơi “Kim tự tháp” trong môn vật lý: Phương pháp giáo dục tạo nhiều hứng thú

Một tiết học môn vật lý khối 8

Trò chơi Kim tự tháp (KTT) được lấy từ phiên bản của trò chơi truyền hình, nhằm củng cố và hệ thống kiến thức môn vật lý các lớp 6, 7, 8 sau mỗi chương, mỗi học kỳ. Thêm vào đó, trò chơi này giúp học sinh (HS) tiếp thu kiến thức vật lý một cách dễ dàng hơn.
Luật chơi đơn giản, nội dung gần gũi
Trò chơi KTT được thiết kế gồm 12-18 chủ đề, tùy theo số lượng HS tham gia. Tương ứng với mỗi chủ đề sẽ có 6 đáp án được viết dưới những hình thức khác nhau lần lượt là: Cụm từ, kí hiệu, đơn vị, công thức, tên nhà khoa học vật lý, định luật vật lý. Ví dụ như: Gợi ý “Các công thức tính” và các câu trả lời sẽ là: A=F.s; v = s/t … Thời gian cho mỗi chủ đề là 40 giây. Đồng hồ sẽ đếm ngược, từ giây thứ 10 đến 0 và có tín hiệu chuông báo sắp hết thời gian xuất hiện trên giao diện. Với thời gian qui định, hai HS tham gia sẽ hoàn thành 6 câu hỏi trong mỗi chủ đề. Trong đó chỉ có một người chơi được nhìn thấy đáp án và đặt câu hỏi để gợi ý câu trả lời cho người còn lại. Cụ thể là: HS A: Chủ đề 1: Nhà bác học vật lý và những điều có liên quan. Gợi ý: Nhà bác học nào đã nói “Ơ rê ka”? HS B: Acsimet. HS A: Công thức tính lực đẩy Acsimet? HS B: FA = d.V.
Trong trường hợp HS không nhớ hoặc không thể gợi ý được, không trả lời được có thể “bỏ qua”, nếu còn thời gian sẽ quay trở lại. Thang điểm được tính độc lập cho cả hai HS tham gia, nếu gợi ý và trả lời đúng thì cho điểm hai HS, nếu gợi ý đúng mà trả lời sai sẽ có điểm cho người gợi ý, trường hợp cả người chơi và người gợi ý đều trả lời và gợi ý không được sẽ không có điểm.
Trò chơi KTT được xây dựng trên phần mềm Media flash và sự tham khảo các dữ liệu từ SGK, sách bài tập vật lý 6, 7, 8; sách tham khảo về nhà bác học vật lý và những ứng dụng có liên quan, phù hợp với nội dung kiến thức đã học.
Kích thích tính sáng tạo của HS
Qua nhiều năm xây dựng và tổ chức hoạt động ngoại khóa môn vật lý dưới sự quan tâm và hỗ trợ của Phòng GD-ĐT, ban giám hiệu và giáo viên các trường trong quận Tân Phú… trò chơi KTT đã được lồng ghép trong hội thi “Vui học vật lý” vào tháng 3 hàng năm tại quận Tân Phú (bắt đầu từ năm 2006). Trò chơi tạo không khí thoải mái, vui tươi và sự phấn khởi cho các em HS tham gia một cách tích cực các hoạt động ngoại khóa khác như: Sáng tạo mô hình xe chạy không động cơ, tàu chạy bằng lực đàn hồi… bằng những vật liệu như vỏ chai nước ngọt, que kem, ống hút. Ngoài ra, trò chơi này cũng được giáo viên áp dụng trong các tiết ôn tập, tổng kết chương để không những giúp các em củng cố kiến thức mà còn tạo sự yêu thích đối với môn vật lý.
Từ những kết quả trên cho thấy, việc tổ chức hoạt động ngoại khóa môn vật lý, lồng vào trò chơi KTT đã đem lại hiệu quả rất khả quan. Trò chơi đã tạo được sự hứng thú học môn vật lý cho HS trong luyện kỹ năng phối hợp, cộng tác; kỹ năng đặt câu hỏi, tích cực hóa hoạt động nhận thức…
Tuy trò chơi KTT được tổ chức thông qua hội thi “Vui học vật lý” không phải là yếu tố quyết định nâng chất lượng HS giỏi, khá hay làm giảm tỉ lệ HS yếu kém, nhưng đã đem lại động lực, giúp các em hăng say học tập hơn.
Trần Ngọc Quyên
(Chuyên viên Phòng GD-ĐT quận Tân Phú)