Thứ sáu, 23/3/2012, 15h03

Đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá: Giáo viên linh hoạt - học sinh tích cực

Việc đổi mới KTĐG giúp giáo viên biết rõ trình độ học tập của HS. Ảnh: N.Anh 

Những năm gần đây, việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học (PPDH) và đổi mới kiểm tra đánh giá (KTĐG) theo chủ trương của Bộ GD-ĐT đã trở thành một đòn bẩy mạnh mẽ làm thay đổi đáng kể chất lượng học tập của học sinh (HS) - HS tích cực, chủ động hơn trong việc học.
Theo đánh giá chung, sau ba năm thực hiện việc đổi mới PPDH tại các trường THCS trên địa bàn quận Phú Nhuận, bước đầu đem lại những khởi sắc trong việc xây dựng đội ngũ giáo viên có khả năng làm chủ phương pháp mới một cách thành thạo, tạo bước đột phá trong giảng dạy và học tập.
1. So với các năm trước, ngày càng có nhiều HS chứng tỏ được bản lĩnh tự tổ chức và làm chủ quản lý các hoạt động học tập. Khả năng tự học, làm việc độc lập và tư duy sáng tạo đang bộc lộ rõ thiên hướng tốt. Điều này chứng tỏ việc chỉ đạo và thực hiện đổi mới mục tiêu, nội dung, chương trình và PPDH thực sự là nhu cầu cần thiết. Tuy nhiên, trong khi PPDH đã và đang được thay đổi trong quá trình cải cách thì việc KTĐG kết quả học tập vẫn đứng ngoài vòng quỹ đạo, nếu có thì cũng chưa tiến hành song song. Một vài thay đổi đang được thử nghiệm còn nghiêng về phần kỹ thuật của KTĐG, nhìn chung cách đánh giá hiện nay vẫn nặng về kiến thức sách vở, mang tính hàn lâm chủ yếu đang dừng ở mức nhớ và tái hiện kiến thức. Chu kỳ đánh giá chỉ chú trọng điểm cuối của quá trình dạy - học, mục đích của KTĐG vẫn để phục vụ quản lý như xếp loại HS, xét lên lớp, cấp chứng chỉ… Trong khi đó, chức năng cung cấp thông tin phản hồi cho HS và giáo viên về quá trình dạy - học của KTĐG vẫn bị coi nhẹ chưa được chú trọng ở mọi môn học, mọi trình độ và các cấp quản lý. Có thể đơn cử, việc HS đăng ký thuyết trình về bài học mới kết hợp với sử dụng CNTT đã xuất hiện ngày càng nhiều chứ không còn đơn lẻ như trước đây. Các em chịu khó và siêng năng hơn trong việc sưu tầm tư liệu, tìm kiếm hình ảnh trên mạng để phục vụ cho bài học. Ở trên lớp HS tích cực, năng động trong giờ học, mạnh dạn phát biểu, biết bày tỏ suy nghĩ, cảm thụ của bản thân. Mật độ thảo luận nhóm, vẽ sơ đồ tư duy sau mỗi bài học, đến nhà nhau để học nhóm chuẩn bị cho bài mới hay để ôn tập cuối kỳ đã được HS thực hiện dày đặc hơn. Điều đó đã trở thành không khí học tập sôi nổi, giúp HS nâng cao chất lượng học tập và nghiên cứu.
2. Nếu như trước đây, người thầy khi dạy học phần nhiều sử dụng phấn trắng bảng đen cùng với lời giảng bài, thậm chí chỉ đọc chép, thì nay việc đổi mới PPDH và KTĐG đã giúp hỗ trợ thêm cho người dạy các trang thiết bị dạy học hiện đại, cũng như việc ra đề kiểm tra một cách khoa học, đã giúp tiết học trở nên sinh động.
Cụ thể, đối với bộ môn ngữ văn, giờ học trên lớp không còn thuần túy là tiết học chỉ có một mình giáo viên làm việc, người dạy học không chỉ “diễn kịch một mình” nói thao thao bất tuyệt để giảng bài cho HS mà là người hướng dẫn HS phương pháp, cách thức phát hiện, tìm hiểu để nắm bắt kiến thức của bài học mới. Người thầy trở thành người đối thoại với HS, cùng với HS như một người bạn đồng hành từ đầu đến cuối buổi học. Kết hợp với việc sử dụng đồ dùng dạy học, đưa CNTT vào tiết học và sử dụng ở mức độ ít, nhiều hoặc thay thế hoàn toàn bảng đen phấn trắng phụ thuộc vào nội dung của từng bài học và do sự vận dụng linh hoạt của giáo viên.
3. Việc đổi mới KTĐG giúp người giáo viên nhận biết rõ trình độ học tập của HS để điều chỉnh phương pháp dạy học và cách thức KTĐG. Ở từng phân môn văn - tiếng Việt - tập làm văn, giáo viên có thể linh động kết hợp với các biện pháp giảng - phát vấn, thảo luận, vẽ sơ đồ tư duy. Những bài kiểm tra chung toàn khối được nhóm thống nhất, bàn bạc kỹ trước khi ra đề.
Tuy nhiên, ngoài những ưu điểm vận dụng sơ đồ tư duy, tạo không khí để giờ học thoải mái, HS làm việc tích cực thì vẫn còn những hạn chế mà chúng tôi nhìn thấy được như: Một số tiết dạy giáo viên còn lúng túng trong việc xây dựng ma trận đề kiểm tra sau tiết dạy. Giáo viên còn làm việc nhiều, chưa mạnh dạn giao việc để phát huy hết vai trò chủ động của HS. Vẫn còn một số ít HS lúng túng trong việc vẽ bản đồ tư duy.
Tôi xin đưa ra bảng so sánh trước và sau khi KTĐG của Trường THCS Châu Văn Liêm:
Nguyễn Công Quốc Cường
(Hiệu trưởng Trường THCS Châu Văn Liêm, Q.Phú Nhuận)