Thứ tư, 3/10/2012, 14h10

Giảng văn trong nhà trường: Hướng khai thác bài thơ Bảo kính cảnh giới số 43

 (Tiếp theo và hết)

 Một tác phẩm hay không bao giờ là một tác phẩm dễ hiểu, đơn nghĩa. Vẻ đẹp tinh tế của nó luôn tiềm ẩn, mở ngỏ cho mọi sự tìm tòi, khám phá.

Có một thực tế là cho đến nay, trong nhiều cuốn sách, văn bản bài thơ vẫn chưa được thống nhất. Đối chiếu một số văn bản trong các sách Ngữ văn 10 và một số sách tham khảo từ năm 2000 đến nay, chúng tôi nhận thấy có sự không thống nhất về chữ mở đầu bài thơ.
Các tài liệu như Nguyễn Trãi toàn tập1, sách giáo khoa Văn 10 do NXB Giáo dục xuất bản hằng năm và các tài liệu đã dẫn ở trên đều ghi là “Rồi hóng mát, thuở ngày trường”. Trong khi đó, ở một số tài liệu khác như Quốc âm thi tập2, Mấy vấn đề về phương pháp dạy thơ văn cổ Việt Nam3, Văn học 10 (Hội Nghiên cứu giảng dạy TP.HCM) lại ghi là “Rỗi hóng mát thuở ngày trường”.
1. Từ “rồi” là một từ cổ. “Rồi” cũng có nghĩa giống “rỗi” đều được hiểu là thời gian rỗi rãi. Tuy nhiên, chữ “rỗi” có vẻ hiện đại hơn so với chữ “rồi”. Nhưng đó chưa phải là điều quan trọng. Vấn đề là ở chỗ, sự thay đổi về thanh điệu sẽ làm mất đi cái sắc màu cổ điển của câu thơ, phá vỡ cái giọng điệu rất riêng, chứa đầy thông điệp của bài thơ, một yếu tố quan trọng mà sự cộng hưởng, tương hợp của nó với những yếu tố khác trong câu thơ sẽ gợi mở nhiều điều thú vị về bài thơ. Từ cách hiểu đó, theo chúng tôi, từ rồi trong văn bản sách giáo khoa hiện nay là hợp lý. Cũng rơi vào trường hợp thiếu thống nhất về văn bản bài thơ là trường hợp chữ “tiễn” ở câu 4. Sách giáo khoa những năm trước đây được ghi là “tịn”, còn sách giáo khoa hiện nay lại ghi là “tiễn”. Nội dung chú giải về hai từ này hoàn toàn trái ngược nhau. “Tịn mùi hương” được chúlà “hết mùi hương”. Trong khi đó, “tiễn mùi hương” được chúlà “ngát mùi hương”. Từ đó, hai câu “Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ/ Hồng liên trì đã tiễn mùi hương” được hiểu là: “Trong khi thạch lựu ở hiên còn đang tiếp tục phun màu đỏ, thì sen hồng trong ao đã ngát mùi hương”. Sự thiếu nhất quán về văn bản, về chú thích trong các sách giáo khoa và tài liệu tham khảo đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiếp nhận ý nghĩa bài thơ của giáo viên và học sinh…
2. Bài Bảo kính cảnh giới số 43 của Nguyễn Trãi là một bài thơ có tính chất răn dạy, giáo huấn nhưng cũng là bài thơ trong chùm thơ nói về tâm trạng của ông trong cuộc sống nhàn dật. Đó là những bài thơ được sáng tác trong thời kỳ ông không còn được nhà vua tin dùng. Tâm trạng ông luôn chứa đầy mâu thuẫn. Một bên là lạc thú nhàn tản, một bên là nợ quân thần cần báo đáp. Vì vậy, dù sống trong cảnh ẩn dật, nhưng lòng nhà thơ vẫn không yên. Để hiểu đúng bài thơ, không thể không lưu ý đến điều này.
Bài thơ được mở đầu bằng một câu thơ với những tín hiệu đặc biệt: “Rồi hóng mát thuở ngày trường”. Chữ “rồi” đứngđầu câu thơ tạo nên ý nghĩa nhấn mạnh thời gian rỗi rãi. Ý nghĩa đó lại được bổ sung, khắc đậm bởi ba chữ “thuở ngày trường” (Thuở - ngày - trường đều là những từ ngữ chỉ thời gian dài). Thêm vào đó, nhịp ngắt 1/5 khiến cho câu thơ có một giọng điệu riêng. Toàn bộ câu thơ gợi lên một ý nghĩa: Thời gian trôi đi quá chậm! Xét về nghĩa tường minh, câu thơ diễn tả một trạng thái ung dung, thảnh thơi của Nguyễn Trãi trong ngày hè như nhiều người đã cảm nhận. Nhưng xét về nghĩa hàm ẩn, câu thơ không đưa đến một cảm giác thú vị nào trong việc ngồi “hóng mát”. Cũng như cách Nguyễn Trãi ca ngợi thú nhàn trong bài Côn Sơn ca:  Côn Sơn suối chảy rì rầm/ Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai/ Côn Sơn có đá rêu phơi/ Ta ngồi trên đá như ngồi đệm êm/ Trong ghềnh thông mọc như nêm/ Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm/ Trong rừng có bóng trúc râm/ Dưới màu xanh ngát ta ngâm thơ nhàn.  (Bản dịch thơ chữ Hán Nguyễn Trãi).
Chữ “nhàn” (rỗi) vẫn thường đi về trong thơ Nguyễn Trãi, nhưng đó chỉ là cách nói. Ở Nguyễn Trãi, thân có thể nhàn, nhưng tâm không bao giờ nhàn. Câu thơ “Rồi hóng mát thuở ngày trường” hé mở một nỗi buồn, bức xúc trong tâm trạng thi nhân. Và nữa, trong cái nhìn của Nguyễn Trãi, hoa sen cuối hạ vẫn mang một vẻ đẹp riêng, một sức sống tiềm tàng. Ở một tầng nghĩa khác, ý niệm về thời gian cuối hè, và sự xuất hiện trong tri giác mùi hương của hoa sen lại ẩn chứa một nỗi niềm bâng khuâng thao thức của nhà thơ trước sự chuyển biến, tàn phai dần của cái đẹp. Qua cách nhìn thiên nhiên đó, ta nhận rõ sự nhạy cảm, tinh tế đến mức tuyệt vời trước vẻ đẹp thiên nhiên của Nguyễn Trãi. Mặt khác, phẩm chất tinh thần mạnh mẽ trong tâm hồn nhà thơ phần nào được hé lộ. Đó là nỗi khao khát đến cháy bỏng được bộc lộ mình như những cây hòe, cây lựu, cây sen… Đây cũng là một phương thức trữ tình quen thuộc trong thơ Nguyễn Trãi mà ta đã từng bắt gặp ở bài Tùng. Ở đó, nhà thơ đã mượn hình ảnh cây tùng để gửi gắm nỗi khát khao của mình: Thu đến cây nào chẳng lạ lùng/ Một mình lạt thuở ba đông…
Nếu như trung tâm chú ý của nhà thơ ở những câu đầu là màu sắc, hương thơm của cảnh vật thì ở những câu sau, nhà thơ lại hướng tới âm thanh - những âm thanh của niềm vui: Tiếng lao xao chợ cá nơi đông người vàtiếng ngân vang của những “nhạc sĩ mùa hè”. Những âm thanh đó hòa trộn vào nhau gợi hình ảnh một cuộc sống trù phú, thanh bình, yên ả của làng quê trong cảnh đất nước được giải phóng. Thế nhưng, lắng sâu trong những âm thanh đó, trong tiếng lao xao chợ cá từ xa vọng lại, tiếng cầm ve trong buổi chiều tà, dường như ẩn chứa một nỗi bâng khuâng thầm kín trong tâm hồn nhạy cảm của nhà thơ. Và nỗi niềm của Nguyễn Trãi được bộc lộ trực tiếp trong hai câu kết:  Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng/ Dân giàu đủ, khắp đòi phương. Nguyễn Trãi khát khao có được cây đàn của vua Thuấn ngày trước để ca ngợi cuộc sống hôm nay. Câu thơ 6 chữ kết đọng điều tác giả hằng mong mỏi, tâm niệm suốt đời. Thì ra, trong cảnh nhàn nhã, Nguyễn Trãi trước sau vẫn là “Bui một tấc lòng ưu ái cũ/ Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông”. Thêm một lần nữa, ta hiểu cái “rồi hóng mát” ở câu mở đầu bài thơ chỉ là một cách nói. Tâm hồn ông không bao giờ ngơi nghỉ. Thân có nhàn nhưng tâm chẳng bao giờ nhàn. Khát vọng thường trực của ông là được đem tài năng, sức lực của mình cống hiến cho dân, cho nước.
3. Trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, Bảo kính cảnh giới số 43 (gương báu răn mình) thuộc loại thơ mang tính giáo huấn. Ý nghĩa giáo huấn của bài thơ thể hiện một cách gián tiếp, xuyên thấm qua hình ảnh, giọng điệu bài thơ. Đọc bài thơ, ta không tìm thấy một lời răn dạy trực tiếp nào, chỉ thấy một tiếng lòng thiết tha, một khát vọng lớn muốn khẳng định mình, muốn cho người dân đất Việt khắp nơi được sống hạnh phúc, ấm no. Vẻ đẹp tâm hồn, khát vọng sống của nhà thơ luôn ám ảnh trong tâm hồn mỗi chúng ta. Đó chính là lời giáo huấn sâu sắc nhất, có “hiệu quả” nhất mà bài thơ mang lại. Từ cách hiểu đó, thiết nghĩ các tác giả sách giáo khoa không nên đặt lại nhan đề cho bài thơ là Cảnh ngày hè mà nên giữ nguyên nhan đề Bảo kính cảnh giới số 43 (Nguyễn Trãi chưa bao giờ đặt tên cho tác phẩm của mình là “Cảnh ngày hè”).
Chúng tôi luôn ý thức một cách sâu sắc rằng, thấu cảm và truyền thụ được cho học sinh cái hay, cái đẹp của một bài thơ trữ tình tinh tế, sâu sắc như bài Bảo kính cảnh giới số 43 của Nguyễn Trãi là một công việc hết sức khó khăn. Một tác phẩm hay không bao giờ là một tác phẩm dễ hiểu, đơn nghĩa. Vẻ đẹp tinh tế của nó luôn tiềm ẩn, mở ngỏ cho mọi sự tìm tòi, khám phá. Vì vậy, những ý kiến trên đây của chúng tôi chỉ là một trong những cách hiểu, một hướng tìm tòi. Với cách hiểu về bài Bảo kính cảnh giới số 43 của Nguyễn Trãi trên đây, qua thực tế nhiều năm giảng dạy bài thơ cho đối tượng học sinh lớp 10, chúng tôi nhận thấy về cơ bản, các em có hứng thú học tập và tỏ ra tiếp nhận được những giá trị cơ bản của bài thơ. Chính điều đó đã giúp chúng tôi tự tin hơn về cách hiểu và hướng khai thác trên đây của mình.
Phan Thị Thanh Vân
(Giáo viên Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, TP.Vinh, Nghệ An)
Nguyễn Trãi toàn tập, NXB Khoa học xã hội, H.1976, tr.453
2 Nguyễn Trãi, Quốc âm thi tập, NXB Văn - Sử - Địa, H.1956, tr.43
3 Nguyễn Sĩ Cẩn, Mấy vấn đề về phương pháp dạy thơ văn cổ Việt Nam, NXB Giáo dục, H.1984, tr.131