Thứ ba, 27/8/2013, 21h08

Sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học: Bài 1: Đóng khung theo truyền thống

Giờ dạy minh họa thường nặng chất phô diễn vì GV sợ bị đánh giá thiếu năng lực (ảnh minh họa). Ảnh: A.Khôi
Từ trước tới nay khi đề cập đến đổi mới phương pháp dạy học (PPDH), giáo  viên (GV) chỉ quan tâm tới tiến trình, nội dung và đối tượng dạy học. Tuy nhiên, có một hoạt động nếu không có sự đổi mới kịp thời thì sẽ làm cho xu thế đổi mới PPDH không đạt kết quả như mong muốn, đó là đổi mới sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học.
Những buổi sinh hoạt tổ, nhóm, khối chuyên môn phải  được thực hiện thường xuyên theo định kỳ. Bởi trong trường phổ thông, nâng cao chất lượng dạy học không chỉ chú ý đến các tiết dạy trên bục giảng mà còn phải tổ chức các hoạt động khác đằng sau những tiết học đó.
Bất cập dễ nhìn thấy
Các buổi sinh hoạt tổ, nhóm, khối chuyên môn được coi là những buổi tập huấn mini trong nội bộ nhằm bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ và đặc biệt là chỉnh đốn lại năng lực sư phạm cho GV theo chuẩn nghề nghiệp. Thực tế cho thấy không phải các trường thiếu hoạt động này mà hơn thế nữa những hoạt động dự giờ, thăm lớp đánh giá luôn diễn ra đều đặn và nghiêm túc. Tuy nhiên, các sinh hoạt chuyên môn vẫn đi theo truyền thống cũ tạo nên một lối mòn khó có thể thay đổi được. Chính điều này đã làm cho việc đổi mới PPDH thiếu đồng bộ theo kiểu “ngôi nhà mới xây trên nền đất cũ”.
Nhìn lại các buổi sinh hoạt chuyên môn theo truyền thống, chúng ta thấy hiện nay các tổ chuyên môn vẫn hướng vào mục đích đánh giá, xếp loại giờ dạy theo các tiêu chí, quy trình đã được “đóng khung” sẵn từ trên xuống dưới, từ cấp lớn xuống cấp nhỏ. Khi dự giờ, đồng nghiệp chỉ biết chăm chăm quan sát mọi hoạt động của người thầy để phân tích, góp ý, rút kinh nghiệm về nội dung kiến thức, PPDH, tư thế tác phong. Sâu hơn nữa thì mổ xẻ cách trình bày bảng, biện pháp sử dụng đồ dùng dạy học, ứng dụng CNTT, phân bố thời gian có hợp lý hay không? Sau một thời gian “bình phẩm” với nhiều ý kiến khen - chê, cuối buổi họp tổ trưởng chuyên môn “gút” lại cách dạy, quy trình dạy các bài của các môn học để tất cả GV trong từng khối lớp đồng thuận cùng thực hiện theo một mẫu số chung.
Trong các “tiết dạy biểu diễn” này, bài dạy minh họa sẽ được phân công cho một GV thiết kế và lập trình theo nội dung chuyên đề đã được định sẵn trong kế hoạch hoặc theo “thực đơn” cố định. Chính vì thế bài dạy minh họa luôn được “đúc sẵn” trong một cái khuôn quy định không ai được tự ý thay đổi. Nghịch lý hơn nội dung bài học phải là “hình chiếu trung thành” nhất của sách giáo khoa và sách GV chứ không quan tâm đến việc nội dung đó có phù hợp với đối tượng HS hay không? GV là người chỉ biết thừa hành và tuân lệnh chứ không được thêm bớt ngữ liệu trong sách giáo khoa. Bởi vậy mới có câu chuyện nhiều bài giảng áp dụng cho cả HS dân tộc thiểu số nên các em ngồi ngơ ngác như “vịt nghe sấm”.
Cô Đoàn Thị Hải Lý - Trưởng bộ môn ngữ văn Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) - cho biết quy trình rập khuôn và máy móc đó đã dẫn đến hệ quả là thiếu sự sáng tạo và năng động trong việc sử dụng kỹ thuật và PPDH. Tiến trình dạy học hầu như theo một bản sao cố định. Ngồi ở phía dưới, người dự giờ và ngay cả HS cũng phỏng đoán được trước các bước thực hiện của GV trên bục giảng như thế nào và thời gian là bao nhiêu. Giờ học cũng vì thế mà tẻ nhạt đơn điệu hơn. Trong giáo án soạn sẵn ở nhà, bên cạnh câu hỏi đưa ra GV đã có dự kiến trước câu trả lời của HS. Bắt buộc phải như vậy, khác đi là không được dù chỉ một từ, một ngữ...
Hệ quả tất yếu
Khi lên bục giảng, GV thường cố gắng truyền tải hết mọi nội dung kiến thức bất kể chính - phụ theo kiểu nhồi nhét mà không biết các em có “tiêu hóa” được hay không? Thiệt thòi vẫn nghiêng về đối tượng HS yếu kém do thiếu được quan tâm trong lúc GV chỉ biết tập trung vào một nhóm HS khá. Tâm lý người dạy sợ các em đứng im không biết trả lời nên “đốt cháy” nhiều thời gian trong tiết dự giờ. Đó là chưa nói đến những sơ hở “chết người” làm lộ “gót chân A-sin” khi xử lý tình huống sư phạm.
Nói chung, giờ dạy minh họa nặng chất phô diễn vì GV sợ bị đánh giá thiếu năng lực, không đủ kiến thức, không đi theo đúng các bước lên lớp như trong giáo án. Vì thế mới có tình trạng GV dạy trước để “chạy chương trình” tìm cách “mớm” câu hỏi trước cho HS nhằm đối phó đồng nghiệp trong tổ. Trong lúc đó người dự giờ thường ngồi ở bàn cuối lớp để “giám sát” thật kỹ lưỡng “diễn viên” mà không hề quan tâm các em học như thế nào, tiếp thu ra sao hoặc có cần thầy cô giúp đỡ hay không.
Bất cập hơn là buổi sinh hoạt rút kinh nghiệm ngay sau đó. Do chỉ chăm chăm vào GV nên mọi ý kiến mổ xẻ đều hướng về người dạy mà bỏ quên người học. GV minh họa lúc nào cũng trở thành “điểm ngắm” duy nhất để người ngồi ở phía dưới săm soi. Ý kiến nhận xét vì thế nặng tính chủ quan, áp đặt dựa vào kinh nghiệm của từng cá nhân theo kiểu: “Theo tôi cách tốt nhất là, nếu tôi dạy tôi sẽ…” mặc dù trong thực tế không có cách dạy nào tốt nhất cho tất cả mọi người vì còn tùy thuộc vào từng đối tượng trong mỗi lớp. Những ý kiến đưa ra góp ý hầu như không tìm được một “nghiệm thỏa mãn” để cải tiến giờ dạy. Chính vì thế kết quả học tập của HS ít được cải thiện, nhất là các đối tượng yếu kém vì luôn bị “bỏ rơi”. HS giỏi xa cách HS yếu kém, còn HS yếu kém lại tự ti sợ học, chán chường và dẫn đến bỏ học…
Phan Ngọc Quang
Do “biểu diễn” tiết dạy một cách ép buộc, thụ động và máy móc nên GV thường lúng túng, khó khăn trong việc làm chủ tiết học. Tâm lý “trả bài cho cấp trên” đã kìm hãm khả năng sáng tạo, những phút xuất thần độc đáo của người thầy.