Thứ hai, 9/8/2010, 08h08

Lớp học dưới bóng cây bồ đề

 

Cô Trần Thị Bích Thủy chuẩn bị đến lớp

Hơn 10 năm nay, có không biết bao nhiêu đứa trẻ đã biết đọc, biết viết từ những lớp học tình thương trong ngôi chùa Sùng Đức tại P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức. Dù cuộc sống còn chồng chất khó khăn nhưng những thầy cô nơi đây vẫn ngày đêm miệt mài gieo chữ để mang lại ánh sáng văn hóa cho những mảnh đời nghèo khó.
Líu lo i tờ
Nép mình bên những vòm cây bồ đề cổ thụ rợp bóng mát, Sùng Đức Cổ Tự là một ngôi chùa lớn nhất nhì trong địa bàn Q.Thủ Đức. Bước chân vào đây, có thể nhiều người sẽ ngạc nhiên khi thấy phía cổng sau của ngôi chùa có một “ngôi trường nhỏ”. Nói là “ngôi trường nhỏ” nhưng đó chỉ là một dãy phòng xây tạm dành cho những lớp học tình thương. Mỗi lần có dịp đi qua ngôi chùa là tôi lại tìm cách ghé vào thăm lớp học tình thương để được nhìn thấy niềm vui của các em HS khi nô đùa dưới sân trường hay lúc chăm chú cầm cuốn sách tập đọc. Nhưng người có nhiều niềm vui nhất trong những lớp học đặc biệt này, không ai khác chính là các cô giáo đã tình nguyện đến đây dạy chữ cho đàn em. Năm 1995, ngay khi mới ra đời, ngôi chùa này chỉ có một lớp học cưu mang hơn mười đứa trẻ mồ côi, cơ nhỡ. Lúc đầu, giáo viên đứng lớp chỉ là những ni cô, phật tử trụ trì trong chùa. Họ muốn các em không còn thiếu thốn tình cảm giữa cuộc đời này và quan trọng hơn là có thêm cái chữ ở trong đầu. Thế rồi HS ngày một đông, dù được thầy cô dạy biết đọc biết viết nhưng các em vẫn chỉ là những đứa trẻ vừa thoát nạn mù chữ, con đường học hành chỉ mới là những bước đi ban đầu. May thay, có một số thầy cô giáo sau khi nghỉ hưu đã tìm đến đây để đăng ký dạy văn hóa cho các em. Vì thế, dù có mở thêm vài lớp nhưng năm nào cũng đủ giáo viên phụ trách. Tôi đã từng gặp các cô giáo ở đây như cô Trần Thị Cúc, Nguyễn Thị Bách, Trần Thị Bích Thủy, Nguyễn Thị Bạch… Dù bất cứ trong hoàn cảnh nào, họ vẫn ngày ngày gắn bó với lớp học. Trò chuyện với một ni cô trong chùa tôi được biết người có thời gian cống hiến lâu nhất trong “ngôi trường nhỏ” này là cô Nguyễn Thị Bách. Sau khi biết chùa mở lớp học tình thương, cô Bách đã “xung phong” vào đây dạy học cho các em. Như một người chèo đò cần mẫn từ năm này sang năm khác, cô đã chở không biết bao nhiêu đứa trẻ thất học sang bên kia bến bờ tri thức. Hình ảnh bà giáo già sáng nào cũng đạp xe xách cặp vào lớp đã in đậm vào ký ức của những người dân sống xung quanh ngôi chùa này từ nhiều năm nay. Và họ cũng thấy mỗi năm hình như mái tóc của cô giáo Bách có thêm vài sợi bạc. Nhưng những nếp nhăn trên trán của cô đã được đổi lại bằng sự trưởng thành của những đứa trẻ nghèo trong phường Trường Thọ và một số nơi gần đó. Nhiều đồng nghiệp của cô sau khi nghỉ hưu cũng tìm đến đây để thắp lửa cho các em mà điển hình là cô Nguyễn Thị Bạch. Vào nghề từ năm 1969, từng dạy tại các trường như Trường Tiểu học Tạ Uyên, Linh Đông, Linh Tây, cô Bạch nghỉ hưu đúng tuổi vào năm 2003. Sau khi sắp xếp xong chuyện nhà, cô Bạch đã bị các em trong lớp học tình thương của chùa “rủ rê”. Tưởng là giã từ chuyện bút nghiên giáo án, cô trở về vui thú điền viên tuổi già ai ngờ cô giáo dạy Trường Tiểu học Linh Tây ngày nào lại đi tiếp trên con đường mà mình đã bước gần cả một cuộc đời. Cô Nguyễn Thị Bạch tâm sự: “Vào đây tôi lại tiếp tục dạy lớp 1 như hồi đang công tác ở trường tiểu học. Giáo án đã có sẵn nên rất thuận tiện cho việc đứng lớp”. Tuy nhiên theo cô, dạy khối đầu cấp rất khó vì các em còn nhỏ chưa thật sự tập trung cho chuyện học, mau nhớ nhưng cũng chóng quên. Một vài em lớn tuổi đi học trễ tiếp thu nhanh lại ít được cha mẹ quan tâm.
Không chỉ dạy chữ
Trong thời gian giảng dạy ở Trường Tiểu học Bình Quới, cô Trần Thị Bích Thủy đã biết danh “ngôi trường nhỏ” trong chùa Sùng Đức. Có lúc biết lớp khối 2 thiếu giáo viên nhưng cô không thể vào “cứu trợ” được vì ban ngày bận dạy trong trường công còn ban đêm cũng không rứt ra được vì đang làm “tình nguyện viên” trong lớp phổ cập của phường hơn mười mấy năm nay. Chờ đến ngày về hưu, năm 2008, cô mới rảnh tay một chút và nhận ngay lời hứa năm nào với cô Nguyễn Thị Bách. Đầu năm học, sĩ số lúc nào cũng đông không dưới 50 HS nên GV rất vất vả khi đứng ra quản một lớp học. HS đa số là con em dân lao động nhập cư nên việc học hành thường bị đứt đoạn do cha mẹ nghèo bắt con vào đời sớm. Có em học giỏi nhưng phải nghỉ học giữa chừng vì cha mẹ bất hòa, sống ly thân đưa các em bỏ đi chỗ khác sinh sống. Có em sau vài tháng trở lại thì chương trình học đã đi quá xa nên ngoài việc dạy theo chương trình, các cô phải phụ đạo thêm để các em “đuổi kịp” bạn bè. Cô Thủy cho biết, hầu như lớp nào cũng có HS chênh lệch nhau về tuổi tác, cách nhau có khi đến 3-4 tuổi. Nhưng được cái các em không mặc cảm, chỉ lo tập trung vào học. Theo các cô, dạy ở đây mới biết rõ hơn cảnh đời của tuổi thơ sống trong những gia đình thiếu may mắn. Có em buổi sáng đến lớp bằng một chén cơm nguội nhưng có em lại không được no đủ như thế, phải nhịn đói vào lớp học đến tiết cuối là bắt đầu uể oải. Nhìn những em nào có gương mặt xanh xao và có lúc gần như mệt xỉu là các cô biết HS mình đã bắt đầu đuối sức. Nhiều khi, các cô bỏ tiền túi ra mua cho bánh mì hay sữa đậu nành để các em có thêm sức ngồi nghe giảng bài. Tôi thật sự tâm đắc với ai đó khi gọi những lớp học này là lớp học tình thương bởi vì các em không chỉ được đón nhận tình thương từ người mở lớp mà có rất nhiều tình thương từ người đứng lớp. Trong cuộc đời mỗi con người tình cảm cha mẹ là bao la nhưng trong từng lớp học này tình thương của bạn bè, cô thầy cũng mênh mông không kém. Ngay từ đầu năm học, tất cả HS của 5 khối đều được chùa phát đồng phục, tập vở miễn phí. Hàng tháng các em còn được nhận quà từ các nhà hảo tâm. Một số em gia đình nghèo khó còn được chùa tặng gạo, mì gói để an tâm đến trường. Nhờ có bàn tay rộng mở từ những tấm lòng nhân ái mà các em đã vững bước vào đời. Các em như cây non trước cuộc đời đầy giông bão cứ lớn lên rồi lại tỏa bóng mát xuống hạnh phúc các cô giáo của mình. Có rất nhiều câu chuyện mà cô Bách, cô Thủy, cô Bạch vẫn giữ mãi trong lòng về nghĩa tình thầy trò mà các em đã gửi lại sau khi ra trường. Cô Bạch tâm sự: “Có nhiều em lúc học chưa ngoan, còn quậy phá thường bị cô giáo la thế mà 5, 7 năm sau ra trường lại tìm đến cô để hàn huyên tâm sự như muốn nói lời ăn năn hối cải. Một vài em có gia đình lại đem con mình vào gửi tiếp cho các cô”. Cô Bích Thủy nhớ mãi hình ảnh cậu HS cũ Tạ Hữu Huy, bây giờ là bác sĩ ở Mỹ. Mỗi lần về nước, dù bận rộn vẫn tìm cách đến nhà cô tặng hoa và xin được quay phim chụp hình gia đình cô để sang bên đó cho mọi người xem. Đó cũng chính niềm hạnh phúc và nguồn động viên vô giá để các cô hàng ngày bám trụ với lớp học tình thương dưới bóng cây bồ đề dù tuổi cao sức yếu.
Hương Thủy