Thứ hai, 16/1/2012, 15h01

Coi chừng mắc bệnh vì tập thể dục buổi tối

TheoTS. Phyllis Zee, thời gian lý tưởng nhất cho việc tập thể dục là buổi chiều muộn, khoảng từ 16-18h (ảnh chỉ mang tính minh họa). Anh: T.L

Tập thể dục giúp cho chúng ta rèn luyện sức khỏe, nuôi dưỡng tinh thần, hoàn thiện vóc dáng… Nhưng nếu không có sự hiểu biết và đi ngược lại nhịp sinh học của cơ thể thì sẽ là nguy cơ của bệnh tật.
Buổi tối rảnh là tập, không nên!
Tập thể dục buổi tối (chạy bộ, chơi tennis, tập thể dục theo nhạc, lắc vòng, nhảy dây…) là thói quen của nhiều người thành phố bởi đây là thời gian rảnh rỗi nhất trong ngày để tập luyện nhưng ít ai biết rằng, việc vận động mạnh vào thời điểm này có hại cho sức khỏe.
Anh Hoàng Văn Long ( Q.3 - TP.HCM) vốn là một doanh nhân thành đạt. Gần đây, thấy bụng mình “to vượt chỉ tiêu” nên anh quyết định thuê sân cùng bạn bè chơi tennis. Sau giờ làm việc thì sân đã kín, vả lại giờ này anh cũng phải thường tiếp đối tác nên khoảng 20h30-22h là thích hợp nhất. Vậy là ngày nào cũng ăn no, say ngà ngà anh mới đi tập. Anh Long cho biết: “Nhưng càng chơi, các biểu hiện đau cơ mệt mỏi, mất ngủ của tôi càng trầm trọng. Khi đến khám bác sĩ, tôi mới biết mình mắc bệnh mệt mỏi mạn tính do thể dục không đúng nhịp sinh học cơ thể, tức tập luyện vào buổi tối quá muộn khi cơ thể rất cần nghỉ ngơi”. Chị Hoàng Lan (Q.6 - TP.HCM) cũng mắc bệnh vì tập không đúng cách. Thấy phong trào thể dục buổi tối tại khu phố mình phát triển mạnh nên sau khi ăn xong, chị thường cùng bạn bè chạy vài vòng quanh công viên, sau đó tập thêm các động tác thể dục. Nhờ tập luyện, chị thấy mình có “eo” hẳn nên càng cố gắng hơn. “Được khoảng hai tháng, tôi thấy đau tức bụng, càng tập luyện lại càng đau nhiều hơn. Đi khám, bác sĩ kết luận tôi bị viêm và sa dạ dày do tập thể dục ngay sau khi ăn no”.
Buổi tập thể dục chỉ nên được bắt đầu sau khi ăn ít nhất khoảng hai giờ và bữa ăn đó cũng nên nhẹ nhàng, gồm một chút tinh bột và rau quả. Khi vừa ăn xong, máu tập trung ở dạ dày và ưu tiên cho cơ quan tiêu hóa để xử lý thức ăn. Việc tập luyện lúc đó khiến máu phải phân tán tới các cơ quan ngoại biên và cơ, làm cản trở quá trình tiêu hóa và hấp thu thức ăn, dẫn tới tiêu hóa chậm.
Buổi tối không tốt cho tập luyện
Có thể nói, thời điểm khởi động cơ thể tốt nhất là sau khi ngủ dậy. Một vài động tác thể dục hoặc đi bộ sẽ giúp đánh thức cơ thể, tạo sự lưu thông khí huyết, giúp tinh thần sảng khoái, sẵn sàng cho một ngày làm việc mới. Thời gian tập luyện giúp đạt tới đỉnh cao là 9-10h sáng và 15-18h chiều. Đây là thời gian nhịp độ sinh học lên cao, cơ bắp thoát khỏi sự ì, hệ thống tuần hoàn, hô hấp hoạt động tốt nên sự tập luyện dễ đạt hiệu quả hơn. Tuy nhiên, theo TS. Phyllis Zee, chuyên khoa thần kinh học, thuộc Đại học Tây Bắc (Hoa Kỳ) đưa ra một ý kiến hoàn toàn trái ngược với quan niệm truyền thống. Theo ông, thời gian lý tưởng nhất cho việc luyện tập thể dục là buổi chiều muộn, khoảng từ 16-18h. Lý do là vì đây là thời gian sức mạnh cơ bắp đạt đỉnh cao nhất nên sẽ ít có nguy cơ bị tổn thương. Hơn nữa đây cũng là thời gian mà con người tỉnh táo và linh lợi nhất. Nhiều chuyên gia nghiên cứu về nhịp sinh học của cơ thể cùng chung ý kiến với TS. Phyllis Zee. Họ cho rằng khả năng vận động của con người thay đổi trong một chu kỳ sinh học 24 giờ. Nhịp sinh học điều hòa nhiệt độ cơ thể - một yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả vận động tốt nhất. Theo đó, vào buổi chiều nhiệt độ cơ thể tăng hơn so với buổi sáng một hoặc hai độ, làm cho các cơ đàn hồi, mềm dẻo hơn, giảm nguy cơ chấn thương.
BS. NGUYỄN VĂN TIẾN
(BV 175 - TP.HCM)