Thứ sáu, 24/12/2010, 14h12

Người thầy vẽ hình trong bóng tối

Thầy giáo Nguyễn Quyết Thắng dạt dào niềm vui bên trang giáo án
Cứ vào dịp lễ khai giảng, hơn 150 học sinh (HS) Trường PT đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM lại náo nức chào đón thêm các thầy cô giáo mới về công tác. Năm học 2010-2011, niềm vui đó lại được nhân đôi khi lần đầu tiên trong ngôi trường gần trăm tuổi này đón nhận một thầy giáo trẻ về dạy bộ môn toán có cùng cảnh đời như những HS nơi đây. Đó là thầy giáo khiếm thị Nguyễn Quyết Thắng.
Duyên nợ với toán học
Thành lập từ năm 1926, có thể nói Trường PT đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu của TP.HCM là ngôi trường có tuổi đời nhiều nhất so với các ngôi trường tại nơi khác cùng mang tên nhà thơ mù yêu nước. Cũng chừng ấy thời gian đi qua, trường đón nhận không biết bao nhiêu giáo viên (GV) tình nguyện về đây hướng trẻ khiếm thị thành người có đạo đức, có kiến thức để các em có khả năng tự lập và dễ dàng hòa nhập vào xã hội. Thắng là thầy giáo đặc biệt vì em là một GV khiếm thị. Điều đặc biệt hơn, cho đến bây giờ, Nguyễn Quyết Thắng là GV khiếm thị đầu tiên của Trường Nguyễn Đình Chiểu đi theo chuyên ngành toán học.
Khi nghe hỏi: “Duyên nợ nào đã đưa Thắng đến với bộ môn toán học?”, anh đã kể: “Hồi vào Trường THCS Bình Hưng Hòa, huyện Bình Chánh học lớp hòa nhập, trong lúc các bạn khác thích các môn xã hội, tôi lại rất mê môn toán”. Vì theo Thắng, tuy là những con số khô khan nhưng các phép tính trong toán học như có phép mầu biến hóa khôn lường. Mê học toán nên ngồi trong lớp cô giảng đến đâu là cậu trò nhỏ hiểu đến đó. “Mỗi lần giải xong một bài toán tôi cảm thấy như vừa vượt qua một thử thách. Thử thách đó càng gay cấn và hấp dẫn hơn khi đối đầu với một bài toán khó”, Thắng trải lòng. Sau này khi được làm quen với hình học không gian, Thắng như bị ma lực của môn toán lôi kéo vào thế giới hình khối đầy hấp dẫn để mặc sức tưởng tượng. Mỗi khi nghe thầy cô đọc giả thiết trong đề bài, trong đầu cậu học trò khiếm thị hiện rõ những hình tròn, đường thẳng, hình chóp, khối vuông…
Trong ký ức của Thắng không bao giờ thiếu vắng hình ảnh thầy giáo Lê Trung Đạo - người đã nhiều năm nâng đỡ và đưa em đến gần hơn với chân trời toán học. Dù chỉ là một GV đến Trường Nguyễn Đình Chiểu làm công tác xã hội nhưng thầy Đạo lại rất gắn bó với lớp học toán của các em nhỏ khiếm thị. Một bài toán phức tạp đến mấy nhưng qua cách giải dễ hiểu của thầy Đạo, lời giải sẽ hiện ra từng bước một.
Đường tương lai đang vẽ tiếp
Đang học lớp 8 trường làng, đôi mắt của cậu học trò Trường THCS Hà Nam (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) bỗng nhiên cứ mờ dần. Mỗi lần cầm sách đọc, Thắng cảm thấy như những con chữ đang nhảy múa quay cuồng trước mắt rồi sau đó không nhìn thấy gì hết. Bố mẹ Thắng buồn bã và thất vọng khi đến bệnh viện nào cũng nhìn các bác sĩ lắc đầu trước căn bệnh teo dây thần kinh thị giác của đứa con trai đầu lòng tuổi đang đẹp như hoa. Chỉ vài tháng sau, bóng tối len dần trong đôi mắt. Và từ đây, con đường đến trường của Thắng đã bị số phận nghiệt ngã chặn lối. Phải một năm sau, hạnh phúc của cuộc đời mới được “phục sinh” khi bố mẹ đưa em về Mái ấm Huynh đệ nhân nghĩa thuộc huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ở đây, sống trong bóng tối nhưng em được đón nhận rất nhiều ánh sáng tri thức từ lớp học chữ nổi dành cho người khiếm thị. Thắng coi đây là ngôi nhà đầu tiên khi em bắt đầu bước vào thế giới của màn đêm. Dù sau này được về học Trường Nguyễn Đình Chiểu có đủ điều kiện hơn nhưng trong tận đáy lòng, Thắng vẫn không quên tổ ấm đầu tiên của mình.
Tôi thật bất ngờ khi biết Thắng vẫn phải đi xe buýt gần cả chục cây số để đến trường dạy học. Thì ra Thắng ở trọ tận quận Bình Tân chỉ vì mục đích duy nhất là để có thêm cơ hội và thời gian giúp các em trong cơ sở Huynh đệ nhân nghĩa theo đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Cầm tinh con cọp nhưng Thắng thường nói không muốn là con hổ trong bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ chịu nằm trong vườn bách thú mà phải được “tháo cũi sổ lồng” để làm thật nhiều việc có ích cho đời.
Yêu thích đến say mê nên sau ba năm học phổ thông, Thắng quyết định đi theo môn học tự nhiên này. Và ước mơ đã chắp cánh khi Thắng được Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tuyển thẳng vào học Khoa Toán - Tin. Đối với Khoa Toán - Tin, Nguyễn Quyết Thắng là SV khiếm thị đầu tiên theo học bởi trước đó chưa có một ai dám bước chân vào. Bao nhiêu khó khăn cứ thế bủa vây cậu tân SV khiếm thị. SGK chữ nổi không có, tài liệu tham khảo cũng không. Thắng phải sắm một chiếc máy ghi âm để tiện cho việc học hành. Nhờ thường xuyên nghe lại băng ghi âm các bài giảng trên lớp của thầy mà Thắng đã hiểu kỹ hơn các định lý, khái niệm và cách giải bài tập… Lên năm 2, Thắng quyết định gia nhập vào nhóm học tập có rất đông thành viên. Thắng tỏ ra vui vẻ khi nói về chuyện này: “Lúc đầu trong nhóm chỉ có hai người vì tôi phải nhờ một bạn trong lớp giúp đỡ về tài liệu và chương trình học. Giờ ra chơi hay lúc rảnh rỗi, hai người lại trao đổi ý kiến và thảo luận về bài học rất sôi nổi. Không ngờ cách học đó dần dần lại rất hiệu quả nên có thêm 5, 6 bạn khác xin gia nhập”. Thắng cho biết, bộ 3 Trần Minh Đức - Võ Ngọc Thiện - Nguyễn Quyết Thắng luôn gắn bó nhau như hình với bóng. Đồng hành với Thắng trong suốt bốn năm học còn có Quỹ học bổng khuyến tài của Hội khuyến học TP.HCM mà người giúp đỡ chính là Hội phu nhân Tổng lãnh sự quán TP.HCM. “Những chỗ dựa về tinh thần làm cho tôi thấy không còn cô độc khi bước đi giữa cuộc đời này. Bên cạnh tôi không bao giờ thiếu những tấm lòng cùng chung tay chia sẻ”, Thắng cảm động nói.
Tuy đến nay, nguyện vọng được dạy toán cho trẻ khiếm thị đã thành sự thật nhưng thầy giáo Nguyễn Quyết Thắng vẫn “tự đốt cháy mình” bằng những hoài bão lớn lao như: tiếp tục học lên nữa không chỉ để tự khẳng định bản thân mà còn giúp cha mẹ nuôi tiếp hai đứa em mù lòa đi học. Thắng đang vẽ tương lai của mình bằng hình ảnh đầy tính nhân bản: một thầy giáo sáng đi dạy chữ, chiều bắt tay làm công tác xã hội không ngoài mục đích hỗ trợ trẻ em khuyết tật.
Bài, ảnh: Phan Ngọc Quang
 
Những tiết dạy không hề có bảng đen phấn trắng mà chỉ vọng lại những âm thanh từ giọng nói truyền cảm của thầy giáo Thắng và từ mỗi trang giáo án được phát ra trong máy vi tính dành cho người khiếm thị. Nhưng từ những con số và hình vẽ ẩn khuất trong bóng tối vẫn rạng ngời một thứ ánh sáng diệu kỳ vô cùng quý giá của tri thức được tỏa ra từ trái tim và nghị lực của những học sinh đặc biệt và một thầy giáo có nghị lực phi thường.