Thứ sáu, 5/3/2010, 14h03

Sởi, quai bị, rubella: Tiêm vắc xin để phòng bệnh

Một bệnh nhân mắc bệnh rubella

Sáng mai (6-3), bệnh viện Nhi đồng 2 sẽ tổ chức buổi sinh hoạt truyền thông giáo dục sức khỏe chuyên đề “sởi – rubella… cho các cán bộ y tế trường học”. Tại đây, các cán bộ y tế trường học được cung cấp, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong nhận biết, điều trị và phòng ngừa dịch bệnh…
Sởi, quai bị, rubella là ba loại bệnh gây ra bởi siêu vi trùng và rất dễ lây lan. Trẻ có thể bị mắc bệnh khi tiếp xúc với dịch tiết bắn ra từ người bệnh lúc ho, hắt hơi, nhảy mũi. Với ba loại bệnh này, hầu hết trẻ khi mắc bệnh đều hồi phục hoàn toàn sau một thời gian ngắn. Tuy vậy, ở những trẻ có sức đề kháng kém, bệnh có thể diễn tiến nặng gây ra nhiều biến chứng. Ngày nay, cả ba loại bệnh này hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng một mũi vắc xin kết hợp.
Nhận biết và chăm sóc trẻ bệnh sởi
Triệu chứng: sốt, phát ban lúc đầu ở mặt sau đó lan ra toàn thân. Khi ban sởi biến mất sẽ để lại những vết thâm da. Ngoài ra trẻ còn có một số triệu chứng kèm theo như chảy mũi, ho và đỏ mắt
Biến chứng: những biến chứng có thể gặp phải là viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, tiêu chảy, mờ giác mạc, viêm thanh quản, suy dinh dưỡng nặng.
Chăm sóc trẻ bị sởi: Cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi nhiệt độ 38,5oC, liều lượng thuốc dùng được tính là 10 - 15mg cho mỗi kí lô cân nặng của trẻ. Nếu trẻ ho có thể cho uống thuốc giảm ho. Về chế độ ăn uống, phải đầy đủ chất dinh dưỡng và có thể chia nhỏ khẩu phần ăn làm nhiều lần trong ngày. Ngoài ra, phải giữ vệ sinh tốt cho trẻ để tránh nhiễm thêm vi trùng.
Nhận biết và chăm sóc trẻ bệnh quai bị
Triệu chứng: sốt, nhức đầu, sưng tuyến mang tai một hoặc cả hai bên, đau nhức khi nhai.
Biến chứng: viêm tinh hoàn với xác suất 1/5 nếu bệnh xảy ra ở trẻ lớn và người lớn, tình trạng này có thể dẫn đến vô sinh về sau nhưng với một tỷ lệ rất nhỏ. Ngoài ra, bệnh còn có thể gây viêm màng não, viêm tụy và gây chứng điếc vĩnh viễn.
Chăm sóc trẻ bị quai bị: Nếu trẻ sốt hoặc đau nhiều có thể cho uống thuốc hạ sốt giảm đau. Cho ăn thức ăn lỏng, dễ nuốt. Thường xuyên chăm sóc, vệ sinh răng miệng. Và cho trẻ nằm nghỉ…
Nhận biết và chăm sóc trẻ bệnh rubella
Triệu chứng: sốt nhẹ, phát ban lúc đầu ở mặt sau đó lan xuống dưới, có thể kèm theo sưng hạch, đau khớp.
Biến chứng: Trẻ nhiễm rubella thường có triệu chứng nhẹ và tự khỏi bệnh, ít khi xảy ra biến chứng. Nhưng đối với phụ nữ khi mang thai bị bệnh rubella, đứa trẻ sinh ra sẽ có nhiều nguy cơ mắc các dị tật bẩm sinh như điếc, mù, bệnh tim bẩm sinh hoặc kém phát triển.
Chăm sóc trẻ mắc bệnh rubella: Cho uống thuốc hạ sốt khi trẻ sốt. Nâng sức đề kháng cho trẻ bằng chế độ ăn uống hợp lý, dùng thêm nước trái cây như nước cam, nước chanh. Giữ gìn vệ sinh cho trẻ.
Những biện pháp phòng bệnh
Chúng ta cần vệ sinh nhà cửa và môi trường chung quanh, giữ gìn phòng ốc thông thoáng, sạch sẽ. Đặc biệt cần cách ly trẻ lành với người bệnh, nâng cao sức đề kháng cho trẻ nhỏ bằng chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất và tăng cường các hoạt động thể lực.
Ngoài ra, một phương pháp phòng ngừa vô cùng hiệu quả là sử dụng vắc xin để tiêm ngừa cho trẻ.Hiện nay đã có loại vắc xin ngừa cùng lúc cả 3 bệnh sởi, quai bị và rubella được sử dụng cho trẻ từ 12 – 15 tháng tuổi và nhắc lại khi trẻ được 6 – 12 tuổi.
Bài, ảnh: HƯƠNG GIANG
Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ – Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM cho biết: “Sởi, sốt phát ban, rubella… không có khả năng bùng phát như đầu năm 2009. Tuy vậy, các bệnh này vẫn xảy ra rải rác trong cộng đồng dân cư. Đặc biệt đã xảy ra một ổ dịch tại khu vực trường học, tuy vậy ngành y tế đã khống chế không cho dịch bệnh lây lan. Để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, trong tháng 3 và tháng 4, ngành y tế sẽ tiến hành tiêm ngừa cho tất cả trẻ trong độ tuổi mà chưa tiêm, tiêm cho dân cư ở khu vực có nguy cơ dịch xảy ra nhiều…”.