Thứ sáu, 2/1/2009, 11h01

Bạo lực học đường gia tăng: Vai trò của gia đình, trách nhiệm xã hội ở đâu?

Các bị cáo liên quan đến bạo lực học đường tại Q.10. Ảnh: Trọng Tri

Tình trạng bạo lực học đường ngày càng gia tăng đến mức báo động. Theo báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM trong năm 2008, riêng tại TP.HCM có tới 18 học sinh (HS) bị khởi tố vì bạo hành; số lượng các vụ có xu hướng ngày càng gia tăng. Nguyên nhân chính vì gia đình và xã hội còn bỏ lỏng vấn đề này, chưa phát huy hết trách nhiệm; mặt khác HS hiện nay còn rất mù mờ kiến thức pháp luật.
Không thể “khoán trắng” cho nhà trường
Một thực tế là phần lớn các vụ bạo lực học đường xảy ra là do có khúc mắc trong gia đình hay cha mẹ chưa quan tâm tới con em mình đúng mức. Bởi thời gian các em ở nhà và ngoài xã hội rất nhiều, mặt khác phần lớn các vụ bạo lực học đường mà nguyên nhân khiến các em bị “lây nhiễm” lại từ gia đình và xã hội. Vì vậy có thể khẳng định rằng nguyên nhân của bạo lực học đường là từ gia đình và xã hội. Ông Võ Phi Châu, Phòng LĐ-TB-XH quận 4, bức xúc: “Hiện nay, nhiều gia đình có tâm lý khoán trắng việc giáo dục HS cho nhà trường. Thậm chí nhiều gia đình không biết con mình học ra sao, chơi với những ai, khi tiêu cực học đường xảy ra thì quay sang đổ trách nhiệm cho nhà trường”. Đồng quan điểm với ông Châu, thầy Trần Đức Thịnh, Trường THPT DL Ngôi Sao: “Thời gian HS ở trường chỉ 4-8 tiếng/ ngày, phần lớn thời gian các em học văn hóa. Vì vậy nhà trường không thể biết các em ngoài giờ học đi đâu, làm gì. Bởi khi ở trường các em tỏ ra rất ngoan, sau những giờ học các em tụ họp chơi bời, thậm chí thanh toán lẫn nhau, làm sao nhà trường quản lý được”. 
Cô Nguyễn Thị Hường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Quới Tây chia sẻ: Nhiều gia đình bố mẹ thường xuyên nói xạo với những người xung quanh, thậm chí không ít cha mẹ bắt con cái nói dối với người ngoài, dần dần tạo thành một thói quen cho các em. Rồi các em quay lại nói dối với cả cha mẹ”. Khi ra xã hội bên ngoài nhiều HS lại bị ảnh hưởng qua những hành động không lành mạnh từ người lớn, dẫn đến các em học theo. Bà Phan Thanh Minh, Trưởng phòng chăm sóc trẻ em Sở LĐ-TB-XH, thì: nguyên nhân bắt nguồn từ nhiều lý do, nhưng phần lớn các em học những thói hư tật xấu từ gia đình và xã hội. Mặt khác các em học theo những hành động tiêu cực từ phim ảnh và các trò chơi game bạo lực. Vì vậy với nhiều em chỉ cần nhìn người khác thấy đáng ghét là “xử” liền. Còn khi đánh thì có tổ chức, đánh có bảo kê, đánh có hung khí, đánh đổ máu, chết người… Anh Đặng Thanh Phong, Ban thiếu nhi Thành đoàn TP.HCM đưa ra bạo lực ở khía cạnh khác: “Bạo lực học đường không dừng lại ở giữa các HS với nhau mà nhiều HS còn chửi bới, đánh thầy cô giáo dạy mình, thậm chí nhiều em cậy cha mẹ mình là người có chức có quyền thách thức cả thầy cô giáo”.
Gia đình, xã hội bỏ lỏng
Nhiều HS khi đứng trước vành móng ngựa mới ân hận, rồi cha mẹ mới nhìn lại trách nhiệm của mình. Phần lớn ân hận vì đã buông lỏng quản lý với con em mình. Phụ huynh Tạ Minh Anh, Trường THPT Tam Phú chia sẻ: “Tôi cứ đinh ninh rằng con mình rất hiền, cháu ở nhà chưa gây lộn với ai trong gia đình, hàng xóm, làm gì có chuyện đánh lộn với bạn ngoài xã hội. Nhưng chỉ khi con mình nằm trong viện tôi mới thấy hối hận vì không giám sát việc bên ngoài của con. Đó là trách nhiệm của mình, mình không thể trách ai được”.
TS. Nguyễn Thị Bích Hồng, ĐH Sư phạm TP.HCM gợi ý: Đã đến lúc gia đình cần nhìn nhận trách nhiệm của con em mình khi để các em có nhiều cơ hội, học hỏi, tiếp xúc những cái xấu. Chúng ta cần ngồi lại với nhau nhằm tháo gỡ những vướng mắc. Phải có sự kết hợp đồng bộ của các cấp các ngành, đặc biệt là sự phối hợp giữa nhà trường - gia đình và xã hội như: gia đình nên quan tâm nhiều hơn đến các sinh hoạt của con em mình ở trường, đặc biệt là những mối quan hệ bạn bè. Hướng dẫn con cái cách giải quyết vướng mắc với người khác theo cách khôn ngoan, nhân ái, tôn trọng và hòa nhã, tuyệt đối không dùng vũ lực; không lấn lướt, khiêu khích, đố kỵ… Với nhà trường nên cương quyết tỏ thái độ dứt khoát với bạo lực học đường. Tránh sỉ nhục HS, thường xuyên dạy kỹ năng sống cho các em, tăng cường truyền thông pháp luật cho HS đặc biệt là thành lập các phòng tư vấn để giải quyết khó khăn cho HS. Còn đối với xã hội thì nâng cao vai trò tổ chức đoàn, hội như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân; tổ chức vận động mọi người trong khu phố thực hiện nếp sống văn minh, dạy dỗ con cái… Tuy vậy ông Châu nhấn mạnh: “Một thực tế là với các tổ chức xã hội vẫn còn bỏ lỏng vấn đề này. Gia đình thì mải miết lo cơm áo gạo tiền bỏ mặc cho con cái, nói khác hơn là phần đông phụ huynh đều “khoán trắng” cho nhà trường. Vì vậy việc bạo lực học đường tăng là điều dễ hiểu”. Đồng thời nhà trường cần phối hợp với phong trào đoàn đội, phát động nếp sống văn minh, tổ chức trực cổng trường, hành lang trường; kết hợp tổ chức ở địa phương như: công an, dân phòng, Hội Phụ nữ, phường đội để cùng tuyên truyền và lên kế hoạch bảo vệ trật tự trong, ngoài sân trường và tại gia đình…
Văn Mạnh
Theo đại diện Viện Kiểm sát TP.HCM thì: “Nguyên nhân chính vấn nạn bạo lực học đường là từ gia đình; vì phần lớn những em phạm tội đều có hoàn cảnh gia đình có vấn đề. Vì vậy để giải quyết tận gốc nạn bạo lực trong HS thì vai trò gia đình là hết sức quan trọng. Và thật bất công khi chúng ta bắt ngành giáo dục hứng chịu hậu quả này”.