Thứ hai, 12/1/2009, 08h01

Đào tạo giáo viên mầm non: Còn xa rời thực tế!

Để đáp ứng nhu cầu của xã hội, các trường sư phạm phải đào tạo ra những giáo viên có kỹ năng

Hôm qua (11-1-2009), Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã tổ chức hội thảo “Nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên mầm non trình độ đại học”. Tại hội thảo nhiều đại biểu cho rằng, phần lớn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc nhưng khi ra đứng lớp thì không biết dạy…
Thiếu kỹ năng nghề nghiệp
Trong những năm gần đây, giáo dục mầm non (GDMN) đã được xã hội quan tâm nhiều hơn. Theo đó, số cơ sở mầm non (MN) ra đời cũng nhiều hơn và nhu cầu giáo viên MN cũng tăng lên. Có thể nói 100% giáo sinh MN ra trường đều có việc làm ngay. Song, cũng từng đó giáo viên phải đào tạo lại…
Bà Trần Thị Hoàng Dung - Hiệu trưởng Trường MN Hoa Hồng, Q.Gò Vấp cho biết: “Ở trường MN, vấn đề đảm bảo an toàn cho trẻ luôn luôn được đặt lên hàng đầu bởi trẻ còn nhỏ nên nguy cơ tai nạn là rất lớn. Chỉ cần bị hóc, sặc nếu không được xử lý đúng cách và kịp thời cũng có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy bắt buộc giáo viên MN phải biết về kỹ thuật sơ cấp cứu. Thế nhưng hầu hết các giáo sinh khi mới vào trường đều không biết, theo đó nhà trường phải đào tạo lại”…
Trường Mẫu giáo Dân lập Việt Úc hiện có 9 giáo viên được đào tạo tại khoa GDMN Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Nhận xét về những giáo viên này, bà Nguyễn Thị Mão – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Những giáo viên này đều có tác phong sư phạm mẫu mực, thương yêu và chăm sóc các bé chu đáo. Tuy nhiên, các cô cũng bộc lộ một số nhược điểm như chưa biết cách tổ chức các hoạt động theo chương trình GDMN mới; khả năng giao tiếp, phối hợp với phụ huynh học sinh còn hạn chế”.
Hiện nay, hầu hết các trường MN trên địa bàn TP.HCM đều thực hiện chương trình GDMN mới. Được biết đến năm 2010, chương trình giáo dục mới này sẽ được triển khai đại trà tại tất cả các trường MN trong cả nước. Với chương trình mới, đòi hỏi người giáo viên phải biết sáng tạo, lấy học sinh làm trung tâm chứ không thể áp đặt từ người dạy sang người học như chương trình cũ.
Theo đó, Ths. Nguyễn Thị Kim Thanh - Trưởng phòng GDMN Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng: “Một sinh viên khoa MN khi ra trường, ngoài việc được trang bị tốt các kiến thức về tâm sinh lý trẻ, các phương pháp nuôi dưỡng chăm sóc trẻ còn cần biết một số vấn đề chuyên ngành sâu hơn để đáp ứng tốt yêu cầu mới về nuôi dạy trẻ trong giai đoạn hiện tại. Đặc biệt phải biết thiết lập môi trường sống thân thiện và an toàn cho trẻ. Biết tổ chức cuộc sống của trẻ một cách tích cực nhất theo xu hướng của chương trình mới là trẻ phải được hoạt động nhiều, trong hoạt động trẻ sẽ phát triển toàn diện”…
Đào tạo theo nhu cầu xã hội
Có thể nói sản phẩm đào tạo của các trường ĐH, CĐ nói chung và các trường sư phạm nói riêng đều không đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Sản phẩm đào tạo của các trường, khoa sư phạm MN hầu như chưa cập nhật được với thực tiễn GDMN ở nước ta và với xu thế phát triển khoa học nuôi dạy trẻ trên thế giới.
TS.Trần Thị Quốc Minh - Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Trung ương TP.HCM cho rằng: “Chương trình chăm sóc trẻ MN đã đổi mới nên các trường, khoa Sư phạm MN cần xem xét lại mục tiêu đào tạo giáo viên. Mục tiêu đào tạo được coi là công cụ để tạo ra sản phẩm với tiêu chuẩn đã định sẵn, là tiêu chí để lựa chọn nội dung, phương pháp đào tạo. Theo đó, mỗi năm Trường ĐHSP TP.HCM nói riêng và các trường đào tạo giáo viên MN trình độ ĐH nói chung cần đi thực tế tìm hiểu nhu cầu của xã hội để đào tạo ra các sản phẩm. Có thể là đào tạo ra những giáo viên MN trực tiếp chăm sóc và giáo dục trẻ. Hoặc đào tạo ra những cán bộ quản lý ngành học MN và cán bộ nghiên cứu GDMN…”.
Muốn đào tạo ra những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của xã hội, nhất thiết phải có sự gắn kết giữa nhà sản xuất (là các trường sư phạm) và người mua sản phẩm (là các sở GD-ĐT, các trường mầm non). TS. Đinh Thị Tứ - Quyền trưởng khoa GDMN Trường ĐHSP TP.HCM mong mỏi: “Hiệu trưởng, giáo viên đang công tác tại các trường MN sẽ là những người thầy dạy về thực hành cho các giáo sinh MN”.
Về vấn đề này, hiệu trưởng các trường MN công lập và dân lập đều nhất trí. Tuy nhiên để quá trình thực tập của giáo sinh MN có hiệu quả, bà Hoàng Dung - Trường MN Hoa Hồng cho rằng: “Các trường sư phạm nên cho giáo sinh về trường MN thực tập ngay từ những ngày đầu của năm học mới, đầu tháng 9 hàng năm. Lúc đó, trường có nhiều học sinh mới, phụ huynh mới, từ đó cũng nảy sinh nhiều vấn đề. Chẳng hạn như cháu khóc vì lạ cô, lạ bạn; thấy con khóc phụ huynh không muốn ra về. Các giáo sinh sẽ học được cách ứng xử với học sinh, cách giao tiếp với phụ huynh trong những tình huống này từ các giáo viên của trường. Đây là một cách học mà ở trường ĐH các em không thể học được…”.
Đối với nội dung chương trình, nhiều đại biểu cho rằng nên tăng thời lượng thực tế tại các trường MN thay vì chỉ học lý thuyết chay.
Bên cạnh đó, Ths. Kim Thanh - Sở GD-ĐT TP.HCM cũng cho rằng: “Môn tâm lý đại cương chỉ học 2 đơn vị học trình là quá ít như vậy sẽ rất khó khăn khi tiếp cận môn tâm lý lứa tuổi. Với chương trình GDMN mới bắt buộc mỗi giáo viên phải hiểu rõ sự phát triển tâm lý lứa tuổi để tổ chức các hoạt động học tập, vui chơi cho các bé. Nên chăng tăng thời gian đối với môn học này…”.
Bài & ảnh: Hòa Triều