Thứ tư, 24/3/2010, 08h03

Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh THCS: Các trường đang bỏ quên

Học sinh THCS nếu được giáo dục kỹ năng sống tốt sẽ giảm được tình trạng bạo lực học đường. Hình: T.H

82% học sinh của 2 trường THCS ở Hà Nội cho rằng chưa bao giờ được học kỹ năng sống. Đây là con số được ThS. Đỗ Thị Hải, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu môi trường và các vấn đề xã hội đưa ra tại hội thảo giáo dục văn hóa giao tiếp ứng xử cho học sinh THCS ở Hà Nội được tổ chức vừa qua.
Quan hệ trò – trò: khoảng trống quá lớn
Sau sự cố video nữ sinh bị đánh của Trường THPT Trần Nhân Tông, vấn đề giáo dục lối sống cũng như văn hoá ứng xử cho học sinh nói chung và học sinh nữ nói riêng đang bị bỏ trống trong trường học.
Ông Nguyễn Hoài Long, Phó trưởng phòng giáo dục quận Tây Hồ cho rằng hiện nay văn hoá giao tiếp trong nhà trường mới chỉ được quan tâm một chiều (mối quan hệ trò - thầy), mối quan hệ giữa thầy - thầy, trò – trò cũng cần phải được quan tâm đúng mức.
Trong hai trường THCS của Hà Nội được tham gia khảo sát về thực trạng và nhu cầu được đào tạo kỹ năng sống của nhóm trẻ vị thành niên tại các trường trên địa bàn thành phố chỉ có 5.8% học sinh cho biết được học kỹ năng sống nhiều lần, 12.2% học sinh cho biết được học 1 lần và có tới 82% cho biết chưa bao giờ được học. Có trên 70% các em cho biết rất cần trang bị kỹ năng sống. Chính vì chưa được học nên khi gặp khó khăn, có tới trên 42% các em tự giải quyết, 52,4% tìm sự giúp đỡ của người khác và 4.7% mặc kệ.
Theo ThS. Đỗ Thị Hải, vì thiếu kỹ năng sống nên học sinh giải quyết mâu thuẫn bằng “tay”.
Ngoài ra, có rất nhiều yếu tố làm “rạn nứt” mối quan hệ bạn bè trong học sinh hiện nay. Theo ông Nguyễn Hoài Long, những rạn nứt đó bắt nguồn từ những biểu hiện không đẹp trong giao tiếp học đường như sử dụng từ ngữ cục cằn, tiếng lóng… những phân biệt đối xử với các học sinh trong lớp đến những quy định “có lợi cho người lớn và bắt chẹt trẻ con”. Cụ thể nhất đó là các giáo viên thường quy định học sinh cấm sử dụng điện thoại trong giờ học. Nhưng trong giờ, điện thoại của thầy cô lại đổ chuông. Thầy nói lý do người lớn có nhiều việc quan trọng!?
“Quy định đặt ra chỉ áp dụng với học sinh, còn với các thầy thì sao? Thật đáng tiếc vẫn còn những người thầy chưa gương mẫu và “quên” cảm nhận, xúc cảm của học sinh, luôn cho mình là người có quyền muốn làm gì thì làm” – ông Long chia sẻ.
Vai trò giáo viên chủ nhiệm mờ nhạt
Không thể thiếu vai trò của nhà trường trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, đặc biệt là vai trò của giáo viên chủ nhiệm.
Nhưng hình ảnh của người giáo viên chủ nhiệm “như mẹ hiền” đang dần bị mai một. Cô Nguyễn Thị Hải Yến, tổng phụ trách đội Trường THCS Ngọc Mỹ, Thanh Oai, Hà Nội cho hay hiện nay nhiều giáo viên làm chủ nhiệm trong tình trạng… phải làm. Chính vì vậy, giáo viên chủ nhiệm chỉ thu thập thông tin từ học sinh là chuyện không có gì lạ.
Không những thế, nhiều giáo viên chủ nhiệm không được học sinh tin tưởng bằng giáo viên bộ môn. Nhiều vấn đề học sinh không thể tâm sự được với giáo viên chủ nhiệm. Khoảng cách giữa học sinh và giáo viên chủ nhiệm ngày càng lớn.
Giáo viên không “mặn mà” với vai trò chủ nhiệm, trò không “giải toả” được bức xúc với ai nên hành xử với nhau kiểu xã hội đen nhưng giáo viên chủ nhiệm vẫn không hay biết là điều tất yếu xảy ra.
Theo cô Yến, sở dĩ giáo viên không muốn làm chủ nhiệm là do: “Làm chủ nhiệm là “làm dâu trăm họ”. Vất vả, trách nhiệm cao nhưng lại không có chế độ. Ở trường tôi, chế độ cho giáo viên chủ nhiệm là được giảm 4 tiết/tháng”. Ông Nguyễn Hoài Long cũng khẳng định hiện nay chế độ chính sách cho giáo viên chủ nhiệm đã có nhưng thực hiện chưa thống nhất. Mỗi nơi làm một kiểu.
Cô Yến mong muốn về phía nhà trường cần phải có chính sách thiết thực đối với giáo viên chủ nhiệm. Tuy nhiên, cô cũng cho hay, giáo viên chủ nhiệm phải là người tâm lý và có tâm. Nhà trường chọn giáo viên chủ nhiệm cũng là “chọn mặt gửi vàng”.
Còn đứng về phía người học, nhiều em cho rằng, ngoài việc “cải thiện” mối quan hệ thầy trò, trò – trò thì việc giảm bớt chương trình học là cần thiết. Một học sinh cho biết, các thầy cô giáo chỉ biết đưa ra các hình phạt đối với học sinh mà chưa tìm hiểu sâu xa của vấn đề. “Tại trường chúng em, hình phạt có thể là cảnh cáo trước toàn trường, hạ hạnh kiểm và hình phạt nặng nhẹ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của sự việc. Nhưng thầy cô lại không giải thích tại sao lại phạt như thế để học sinh hiểu. Trong khi học sinh lại không nghĩ mình sai mà thường đổ lỗi do khách quan, do người khác” - học sinh này tâm sự.
Giáo dục văn hoá ứng xử, kỹ năng sống cho học sinh là cần thiết. Suốt một thời gian dài, Việt Nam dạy học theo đúng nghĩa chỉ dạy chữ. Điều này cho đến giờ đã và đang để lại những hậu quả nặng nề và rất nghiêm trọng. Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh sẽ khó hơn khi chính thầy cô không phải là một tấm gương.
Nghiêm Huê