Thứ sáu, 19/3/2010, 08h03

Giáo viên dạy phổ cập: Tiền đứng lớp trả theo khung của 20 năm trước!

HV lớp phổ cập phường 2, Q. Bình Thạnh

Nhiều năm nay TP.HCM là đơn vị dẫn đầu trong cả nước về công tác chống mù chữ (CMC) và phổ cập bậc trung học. Ngoài đóng góp của các ban ngành thì không thể không kể đến đội ngũ giáo viên (GV) đêm đêm vẫn miệt mài cống hiến sức mình trên bục giảng. Tuy nhiên có một thực tế đáng buồn là hiện nay chế độ đãi ngộ và nhất là tiền đứng lớp của các giáo viên thấp đến mức không thể tưởng tượng được. 
Những câu chuyện buồn
Theo kế hoạch của Phòng GD-ĐT quận Bình Thạnh, các lớp phổ cập tại các điểm như phường 2, 3, 26… được chính thức nghỉ Tết âm lịch từ ngày 8 đến 21-2-2010, theo đó GV cũng được nghỉ dạy 2 tuần. Do lực lượng đứng lớp phổ cập là đội ngũ thầy cô dạy hợp đồng nên trong 2 tuần này họ sẽ bị mất nửa tháng lương với lý do năm nay thời gian nghỉ Tết dài hơn 1 tuần so với năm ngoái. Ngay sau đó, Phòng tài chính UBND quận Bình Thạnh đã làm việc lại với Phòng GD-ĐT trên tinh thần hỗ trợ cho những người đã có nhiều cống hiến trong công tác CMC của địa phương nên gần 30 GV vẫn được hưởng tiền lương của nửa tháng 2. Tuy nhiên không phải địa phương nào cũng có sự quan tâm và linh động như thế. Thầy Lâm Kế Chí – Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên (TT GDTX) quận 1 cho biết, không chỉ năm nay mà các năm trước GV dạy phổ cập trong quận đều bị trừ đi tiền đứng lớp trong thời gian nghỉ lễ Tết. Nhiều GV cho rằng đây là điều thiệt thòi cho các thầy cô đang dạy phổ cập theo chế độ hợp đồng. Theo các thầy cô, trong những tháng hè do nghỉ nhiều nên không có tiền đứng lớp là điều tất nhiên, thế nhưng nghỉ Tết Nguyên đán thời gian ngắn thường chỉ 1 tuần, số tiền tính ra chẳng đáng bao nhiêu nhưng đã bị Phòng GD-ĐT và cả phòng tài chính các quận huyện “cắt đầu cắt đuôi”. Họ càng tủi thân hơn khi nhìn sang các trường phổ thông vào dịp Tết Nguyên đán chẳng những không bị trừ tiền dạy mà còn được sở GD-ĐT thưởng 500 đến 600 ngàn đồng, đó là chưa nói đến “quà” của bên UBND quận huyện cho (thường từ 100 đến 200 ngàn đồng/người) để GV thêm niềm vui đón Tết. Cô Lê Thị Hồng N., GV dạy sử ở quận 1 than vãn: “Số tiền bị trừ không nhiều, tính ra chỉ khoảng 200 ngàn đồng nhưng nó thể hiện sự quan tâm của các cấp đối với thầy cô dạy phổ cập”. Cô N. so sánh: “Những người giúp việc khi về quê nghỉ Tết còn được gia chủ cho thêm lương tháng 13 hoặc quà thăm gia đình cha mẹ. Trong lúc đó anh em GV chúng tôi thì… chẳng có ai quan tâm cả”. Cũng tại quận 1, tiền đứng lớp của GV phổ cập chỉ có 25 ngàn đồng/tiết. Do đó, nếu một bộ môn có 4 tiết dạy trong 1 tuần thì mỗi tháng lương của họ chỉ có 400 ngàn đồng. Phải chăng vì lý do đó mà nhiều năm nay ở đây thường thiếu GV phổ cập, nhất là các môn thuộc khoa học tự nhiên như toán, lý, hóa, sinh…
Áp dụng qui định từ 20 năm trước
Thầy Nguyễn Huy Minh – Giám đốc TT GDTX quận 2 cho biết, hiện nay mỗi tiết dạy của các lớp phổ cập được phòng GD-ĐT trả 17 ngàn đồng, số tiền như vậy là quá thấp đối với công sức mà GV đã bỏ ra. Tuy không có các lớp phổ cập bậc THPT nhưng việc “chiêu hiền đãi sĩ” cho công tác phổ cập của địa phương ngay đầu năm học thường rất khó khăn. Cô Trần Thị Sáu – Giám đốc TT GDTX quận Thủ Đức khẳng định: “Nhờ cân đối ngân sách và được sự đồng ý của phòng GD-ĐT và UBND nên năm nay mỗi tiết dạy chúng tôi trả 25 ngàn đồng cho GV cấp 2 và 28 ngàn đồng cho GV cấp 3. Tuy số tiền chưa cao nhưng cũng nhỉnh hơn so với mấy năm về trước”. Thầy Phan Minh Khoa – Giám đốc TT GDTX quận Tân Bình giải thích kỹ hơn: “Tại trung tâm Tân Bình, GV dạy các lớp 6, 7, 8 được trả 23 ngàn đồng, riêng lớp 9 được trả 25 ngàn đồng/tiết. GV dạy cấp 3 được trả từ 28 đến 31 ngàn đồng/tiết”. Điều này cũng dễ hiểu vì đây là TT GDTX duy nhất của TP.HCM quản lý theo cơ chế tự chủ tài chính. Cũng do mỗi nơi có một chế độ khác nhau nên GV dạy phổ cập thường “đứng núi này trông núi nọ” và cảm thấy bị thiệt thòi khi tiền bồi dưỡng đứng lớp nằm ở ngưỡng thấp nhất. Thầy Lê Văn D. – GV dạy môn văn lớp 9 tại lớp phổ cập phường 3, Q. Bình Thạnh than thở: “Trong lúc các nơi khác trả một tiết dạy trên 20 ngàn đồng thì chúng tôi chỉ được trả 15 ngàn đồng/tiết, số tiền chưa đủ để mua 1 lít xăng. Lương hàng tháng của tôi chỉ có… 272 ngàn đồng. Nói ra nhiều lúc không ai tin nhưng đó là sự thật”. Nhiều năm nay GV ở đây thường đề đạt lên ban lãnh đạo phòng GD-ĐT quận nhưng tất cả đều… rơi vào im lặng. Cô Trần Thị Sáu khẳng định: “Tất cả các quận huyện đều thống nhất theo một văn bản về chế độ chi trả tiền đứng lớp cho GV dạy phổ cập mặc cho quy định đó đã quá lỗi thời vì ra đời cách đây gần 20 năm. Một số quận huyện như Thủ Đức, Tân Bình trả ở mức cao hơn là do cân đối ngân sách để có một khoản tiền khác bù vào để khỏi bị lạc hậu với giá cả thị trường”. Cũng theo ý kiến nhiều giám đốc và trưởng phòng GD-ĐT thì nếu nơi nào biết điều tiết và thật sự quan tâm tới công tác chăm lo đời sống GV và nhất là các đội ngũ GV phổ cập, dạy bổ túc văn hóa thì chế độ đãi ngộ mới được nâng cao để họ an tâm với công việc và có nhiều đóng góp cho ngành GD và phong trào xây dựng xã hội học tập mà TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung đang ra sức phấn đấu.
Bài, ảnh: Hương Thủy