Thứ tư, 28/9/2011, 09h09

Sở GD-ĐT Thanh Hóa: Thất thoát hàng tỉ đồng vì tổ chức đấu thầu không hợp lý

Cô trò Trường Mầm non Minh Thọ (Thanh Hóa) trong buổi học kể chuyện (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: I.T

Tạo rào cản để hạn chế các nhà thầu là những sai phạm của Sở GD-ĐT Thanh Hóa trong việc tổ chức đấu thầu đưa thiết bị giáo dục vào các trường học trên địa bàn tỉnh…

“Chặn” nhà thầu
Vừa qua, chúng tôi nhận được đơn phản ánh của ba công ty là Công ty cổ phần Kỹ thuật cơ điện Quang Vinh (Hà Nội); Công ty cổ phần Giấy Ánh Mai (Thanh Hóa); Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) IVI (Thanh Hóa), về những sai phạm trong việc tổ chức đấu thầu. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tháng 7-2011 Sở GD-ĐT Thanh Hóa tổ chức chọn đấu thầu rộng rãi bốn gói thầu, gồm: gói thầu thứ nhất, mua sắm sách giáo khoa, tài liệu mầm non và giấy vở học sinh cấp cho các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên. Giá gói thầu là 14.562.463.190 đồng (trên 14 tỷ đồng). Gói thầu thứ hai: Mua sắm thiết bị đồ chơi trong nhà cấp cho các trường mầm non tỉnh Thanh Hóa; giá gói thầu: 9.214.888.000 đồng (trên 9 tỷ đồng). Gói thứ 3: Mua sắm trang thiết bị dạy học theo Thông tư số 30/TT-LB ngày 26-7-1990 của Liên Bộ Tài chính - GD-ĐT thuộc nguồn vốn ngân sách tỉnh cấp năm 2011. Gói thầu về thiết bị ngoại ngữ, giá gói thầu: 4 tỉ đồng.
Trong quá trình nghiên cứu làm hồ sơ dự thầu, các nhà thầu đã phát hiện ra nhiều sai phạm của Sở GD-ĐT Thanh Hóa về Luật Đấu thầu. Ngày 12-7-2011, Công ty cổ phần Kỹ thuật cơ điện Quang Vinh (Hà Nội); Công ty cổ phần Giấy Ánh Mai (Thanh Hóa); Công ty TNHH IVI (Thanh Hóa) đã có đơn kiến nghị gửi Cục Quản lí đấu thầu và Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) một số điểm bất hợp lý của hồ sơ mời thầu. Cụ thể: Gói thầu 1: Sở GD-ĐT yêu cầu các nhà thầu phải có giấy phép bán hàng của nhà sản xuất đối với hàng hóa chào thầu. Sở GD-ĐT Thanh Hóa coi yêu cầu trên là điều kiện tiên quyết để tham gia thầu. Tuy nhiên, theo phản ánh của các nhà thầu, các thiết bị của ba gói thầu trên đều là thiết bị dùng cho cấp học mầm non, tiểu học, THCS, THPT, là loại thiết bị hàng hóa thông thường, không có gì phức tạp và được bán rộng rãi trên thị trường Việt Nam. Như vậy, theo quy định tại điểm b khoản 2 điều 23 của Nghị định số 85/2009/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư 05/2011/TT-BKH ngày 10-2-2010 thì yêu cầu của Sở GD-ĐT Thanh Hóa là hết sức vô lí và bất hợp lệ. Với nội dung yêu cầu trên vô hình trung bên mời thầu đã làm giảm tính cạnh tranh và hạn chế sự tham gia của các nhà thầu có nhu cầu và nguyện vọng chính đáng muốn tham gia các gói thầu.
Không những thế, trong gói thầu số 1, Sở GD-ĐT Thanh Hóa yêu cầu phải có giấy phép của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) cho sách giáo khoa (SGK) nếu nhà thầu không phải là nhà sản xuất. Yêu cầu này được các công ty cho là không hợp lý vì NXBGDVN là NXB được phép xuất bản SGK duy nhất tại VN nhưng việc bán sách (phát hành) lại chủ yếu do các công ty phát hành sách thực hiện. Vì vậy, nhà thầu muốn dự thầu có thể hợp đồng mua SGK tại các công ty phát hành sách là có thể đảm bảo yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Vậy có cần thiết phải có giấy phép bán hàng của NXBGDVN không? Hơn nữa, yêu cầu như vậy thì chỉ có nhà thầu được NXBGDVN cấp giấy phép bán hàng mới đủ điều kiện trúng thầu.
Một vấn đề nữa khiến các công ty bức xúc đó là trong nội dung gói thầu thứ 2 và thứ 3, Sở GD-ĐT Thanh Hóa yêu cầu nhà thầu nộp một bộ thiết bị mẫu để chào thầu. Trong khi đó, chủng loại thiết bị gói thầu khá lớn (gần 400 loại thiết bị giảng dạy, 116 loại thiết bị mầm non). Nếu không trúng thầu sẽ gây lãng phí lớn cho nhà thầu.
Văn bản đá nhau
Ngoài việc đưa ra những yêu cầu bất hợp lí trong hồ sơ thầu, Sở GD-ĐT còn sai phạm trong việc tổ chức chọn nhà thầu.
Tại gói thầu số 3, mua sắm SGK, tài liệu mầm non và giấy vở học sinh các cấp cho các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, TTGDTX, giá thầu là 14 tỉ đồng, nhưng nhà thầu Nhà in Báo Thanh Hóa bỏ 12 tỷ đồng. Như vậy, so với giá trần giảm được 2 tỷ đồng, nhưng vẫn không trúng thầu. Một gói thầu nữa (gói thầu thứ 4 về thiết bị học ngoại ngữ) giá trần là 4,1 tỷ đồng, nhà thầu H-PEC Việt Nam và Công ty Techcologi bỏ 3,2 tỷ đồng vẫn không trúng. Tương tự các gói thầu khác cũng như vậy. Không còn cách nào khác, các công ty này có đơn kiến nghị lên Sở KH-ĐT tỉnh Thanh Hóa.
Sau khi nhận được đơn kiến nghị, lãnh đạo Cục Quản lí đấu thầu đã có văn bản số 370/QLĐT-ĐT đề nghị Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa xem xét giải quyết. Nhưng chủ đầu tư vẫn lờ đi. Ngày 9-8-2011, Sở KH-ĐT Thanh Hóa có văn bản số 1607/SKHĐT-ĐT về việc giải quyết kiến nghị trong đấu thầu ba gói thầu do Sở GD-ĐT làm chủ đầu tư với nội dung: Sở KH-ĐT xem xét thấy hồ sơ mời thầu của ba gói thầu nêu trên chưa thực sự tuân thủ các quy định của pháp luật về đấu thầu và đề xuất với Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu đã có kết quả đấu thầu; đình chỉ việc tổ chức đấu thầu đối với các gói thầu đang tiến hành tổ chức lựa chọn nhà thầu của ba gói thầu trên và yêu cầu chủ đầu tư tổ chức lập thẩm định và phê duyệt lại hồ sơ mời thầu của các gói thầu nêu trên đảm bảo quy định để tiến hành tổ chức lựa chọn nhà thầu.
Tuy nhiên, ngày 17-7-2011, UBND tỉnh Thanh Hóa lại có công văn số 5373/UBND-VX về việc giải quyết kiến nghị trong đấu thầu ba gói thầu do Sở GD-ĐT làm chủ đầu tư với nội dung đồng ý cho Sở GD-ĐT tiếp tục triển khai thực hiện việc mua sắm trang thiết bị theo kế hoạch đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt. Như vậy, ý kiến của UBND tỉnh đưa ra là khác với ý kiến của Sở KH-ĐT, nhưng không có câu giải thích “tại sao”.
Ngày 1-9, Cục Quản lý đấu thầu, Bộ KH-ĐT cũng có văn bản số 447 gửi UBND tỉnh Thanh Hóa về việc giải quyết kiến nghị trong đấu thầu. Cục Quản lý đấu thầu đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa và Sở GD-ĐT làm rõ vấn đề và giải quyết dứt điểm theo đúng quy định của pháp luật.
Những sai phạm của chủ đầu tư gây bức xúc dư luận xã hội. Trong đơn kiến nghị gửi ông Trịnh Văn Chiến, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, các công ty khẳng định bốn gói thầu nêu trên có tổng giá trị đầu tư khoảng 52 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Nếu tính chênh lệch giữa giá trần được phê duyệt và giá thực tế trên thị trường thì số tiền bị thất thoát vào khoảng 15 tỷ đồng.
Trao đổi qua điện thoại, ông Vương Văn Việt, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết thực tế, hồ sơ thầu của Sở GD-ĐT Thanh Hóa nêu ra một số chi tiết làm cho nhà thầu không rõ ràng, chứ không vi phạm Luật Đấu thầu. Sau đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở KH-ĐT, Sở GD-ĐT kí vào văn bản yêu cầu Sở GD-ĐT rút kinh nghiệm và vẫn cho tiếp tục đấu thầu. “Quan điểm của tôi là nếu hồ sơ mời thầu có vấn đề thì phải hủy. Tuy nhiên, mức sai phạm chưa đến mức phải hủy thì phải cho nó tiếp tục làm. Trước pháp luật chúng ta phải công minh. Hiện tại, UBND tỉnh đang chỉ đạo làm như vậy. Trong tuần này sẽ có kết quả, lúc đó chúng tôi sẽ công khai trên các thông tin đại chúng về vấn đề này” - ông Việt khẳng định.
Nghiêm Huê