Thứ sáu, 5/2/2010, 11h02

Về bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải

Năm 1980, nhà thơ Thanh Hải tham gia công tác phát động phong trào sáng tác phục vụ chiến đấu ở Tây Nam và biên giới phía Bắc. Tiếp đó, nhà thơ cùng văn nghệ sĩ Bình Trị Thiên xuống đường đọc thơ, ca hát động viên thanh niên nhập ngũ đi chiến đấu thì bất ngờ bệnh cũ của ông tái phát, phải đưa vào bệnh viện. Gần như suốt năm 1980, Thanh Hải phải khóa mình trong chiếc phòng nhỏ ở tầng 4 khoa nội, bệnh viện Huế.
Ngồi bên cửa sổ phòng bệnh, màu biếc của hoa đang nhú bên ngoài và vài tiếng chim bất chợt cứ gợn trong mắt, bên tai nhà thơ. Rồi cùng một lúc như ảo ảnh sóng xanh, hoa tím, tiếng chim… thành giọt long lanh trong bàn tay xám ngắt của nhà thơ, cùng những câu thơ được tượng hình: “Mọc giữa dòng sông xanh/ Một bông hoa tím biếc/ Ơi! Con chim chiền chiện/ Hót chi mà vang trời/ Từng giọt long lanh rơi/ Tôi đưa tay tôi hứng…”. Rồi đời đập nhịp trong trái tim thổn thức của nhà thơ… một khao khát, một nguyện vọng dâng cho đời được lóe lên, rực sáng trong khổ thơ: “Ta làm con chim hót/ Ta làm một cành hoa/ Ta nhập vào hòa ca/ Một nốt trầm xao xuyến…”
Giữa giây phút nhà thơ đang mệt lả, cũng vừa lúc bàn tay nhẹ ấm của chị Thanh Tâm vợ nhà thơ, vừa là người thầy thuốc luôn chăm sóc bên nhà thơ, xoa trán ông. Ôi, bàn tay nhỏ nhắn làm nhà thơ nhớ lại những ngày hạnh phúc. Ông vẫn giữ nguyên trán mình trong bàn tay của người bạn đời, để một ý thơ cháy nóng hình thành: “Một mùa xuân nho nhỏ/ Lặng lẽ dâng cho đời/ Dù là tuổi hai mươi/ Dù là khi tóc bạc…”
Mấy ngày sau, bài thơ hoàn thành với tên “Mùa xuân nho nhỏ” trao vào tay người bạn học cũ, người bạn văn nghệ cùng song hành qua hai cuộc khánh chiến – nhạc sĩ Trần Hoàn. Liền mấy ngày sau đó, nhà thơ Thanh Hải tay run suốt trên trang bản thảo, cả chị Thanh Tâm cũng không biết anh viết gì. Chỉ biết phút giây cuối, trong bàn tay run run, nhà thơ đặt một trang thơ vào tay vợ, thả một hơi thở nhẹ nhàng.
Ngày 15 tháng 12 năm 1980 bầu trời Huế thấp hẳn vì mây mù, họa hoằn mới có chút nắng hoe hoe cùng với gió nhẹ của chớm xuân. Bạn bè, đồng chí lặng lẽ đưa linh cữu nhà thơ Thanh Hải về nơi an nghỉ tại vườn cụ Phan Bội Châu ở dốc Nam Cao. Sau lễ hạ huyệt, nhạc sĩ Trần Hoàn ngồi một mình trong vườn, đọc bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” – một tâm sự để hiểu thêm nhân cách một thi sĩ, một chiến sĩ. Đêm đó, bên tấm ảnh nhà thơ Thanh Hải, chị Thanh Tâm mở trang thơ, mới biết đó là bài “Bài thơ tình cuối cùng” của anh gửi lại chị: “Anh nằm mà ao ước/ Trở lại với cuộc đời/ Dù đi lại được thôi/ Cùng em vui ngày tháng/ Từ khi anh nằm xuống/ Đời có em dịu hiền…”. Cùng một năm tháng, Thanh Hải viết hai bài thơ , “Mùa xuân nho nhỏ” được in trên trang sách giáo khoa đến với học sinh lớp 6, còn “Bài thơ tình cuối cùng” thì thành kỷ niệm yêu quý của vợ nhà thơ.
TRÚC CHI