Thứ bảy, 25/4/2009, 13h04

Kỷ niệm 34 năm ngày giải phóng miền nam thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2009): Trở về từ địa ngục trần gian

Bài 1: Nhà giáo Phạm Bá Lữ - người cộng sản kiên cường
Cũng giống như các chiến sĩ khác khi đi làm cách mạng, ông biết dấn thân vô là chịu cảnh tù đày, không thể tránh khỏi chuyện gươm kề tận cổ súng kề tai. Nhưng cho đến khi trở thành người trong cuộc ông mới “thấm” được nỗi đớn đau của da thịt bởi roi vọt của tù đày và thế nào là nghị lực của người chiến sĩ. Ông là nhà giáo Phạm Bá Lữ - cựu tù Phú Quốc từ năm 1968 đến 1973.
Sa vào tay giặc
Trong ngôi nhà nhỏ trên đường Đinh Tiên Hoàng, Q.1 tôi đã được nghe ông kể những ngày trở về miền Nam chiến đấu: “Tháng 7 năm 1965, tôi được lệnh đi B. Không như các đoàn khác, đến khu Năm chúng tôi được phân công về Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Gia Lai xây dựng cơ sở giáo dục vùng giải phóng và vùng tranh chấp ta và địch. Ngoài việc mở các lớp BTVH, chúng tôi còn xây dựng cơ sở chính trị, vũ trang tại địa phương”. Ông Lữ cho biết đây là vùng đất đa số bà con đồng bào dân tộc Gia Rai, Ba Na, Ê Đê luôn sẵn lòng đi theo cách mạng, trung thành với đường lối của Đảng và Bác Hồ, có lòng căm thù giặc sâu sắc. Biết được điều này, kẻ thù đã bỏ nhiều công sức để chia rẽ nhân dân và cách mạng. Ông vẫn không quên những tháng ngày sống với người dân nơi đây: “Chúng tôi cùng uống rượu cần, ăn thịt thúi, vui lễ đâm trâu hội cúng giàng với bà con trong buôn. Nhờ sống hòa mình như thế nên đồng bào rất tin và ủng hộ cán bộ”.
Nhớ đến câu chuyện sa vào tay giặc, ông Lữ kể tiếp: “Tôi bị bắt đúng vào sáng mồng một tết khi cùng bộ đội địa phương đánh vào Quân đoàn 2 vùng 2 chiến thuật ở TX Pleiku. Lúc đó khoảng 10 giờ sáng, một cánh tay bị thương vì trúng đạn. Khi tỉnh dậy đã thấy mình đang nằm trong trại giam cùng với hơn 100 người khác”. Do được liệt vào tù chiến tranh không có án như tù chính trị nên ông thường xuyên bị địch tra tấn dã man. Ông vẫn không quên những kiểu hành hạ của kẻ thù: “Bọn chúng trói người quặp cánh gà treo lên xà nhà, cho vào thùng nước gõ liên tục bên ngoài, gí điện vào tai, đóng đinh vào 10 đầu ngón tay, chà nước xà bông, bỏ vào thùng bịt kín dùng chày vồ đánh quanh… Khi nào máu trong mồm, trong mũi chảy ra mới thôi”. Sau 4 tháng không khai thác được gì nên bọn chúng đã chuyển ông vào Trung tâm tình báo Việt Mỹ. “Trước khi đưa tôi lên máy bay bọn chúng lấy khăn bịt mắt tôi lại. Khi được cởi khăn ra tôi thấy mình nằm trong một phòng giam nhỏ. Tôi biết mình đã bị biệt giam để chúng nó khai thác thêm tin tức”. Vào đây ngoài việc tra tấn không để lại thương tích, bọn chúng còn dùng cả đòn tâm lý để bắt ông phải hợp tác nhưng trước sau ông chỉ nói một câu: “Tôi đi đánh giặc là do căm thù nhưng nếu được trở thành đảng viên cộng sản để giết Mỹ thì tôi cũng sẵn sàng”, bọn chúng chỉ biết lắc đầu.

Nhà giáo Phạm Bá Lữ

Lưu đày ra Phú Quốc
Sau một tháng biệt giam chúng lại đưa ông về Pleiku vì biết không thể thuyết phục được tù binh Nguyễn Xà Đàng (tên ông khai trong hồ sơ bắt giam). Tháng 8-1968 ông lại bị đưa ra lưu đày ngoài đảo Phú Quốc. Ông nhớ nhất là những trận đánh đấm của tụi lính trước khi lên máy bay và khi bước vào phòng giam trên đảo: “Chúng tôi vừa đến trại thì hàng chục tên lính chạy ào tới dùng chân, tay đấm đá vào mặt vào người. Bọn chúng coi con người không bằng con vật, nhiều người không chịu được đã ngã quỵ xuống”. Từ đó trở đi ngày nào những người tù cũng được bọn lính “phục vụ” hết lòng, hình như ngày nào không đánh người là chúng ăn không ngon ngủ không yên.
 Ngưng câu chuyện, ông Lữ vén áo lên chỉ cho tôi thấy những thương tích trên hai cánh tay. Vài ngón tay ông bị co quắp lại vì những đòn tra tấn năm nào. Thời gian đã làm nguôi ngoai nỗi đau nhưng những vết sẹo chằng chịt trên cơ thể ông thì không bao giờ mất đi được. Thế nhưng - như ông nói - càng bị tra tấn tinh thần chiến đấu của anh em tù nhân càng lên cao. Với chủ trương “biến nhà tù thành trường học” anh em tìm cách dạy chữ, vẽ tranh, mở các lớp sơ cứu vết thương… Người biết nhiều dạy cho người biết ít. Dần dần các chi bộ Đảng, Đoàn thanh niên, hội đồng hương được thành lập nên tinh thần đoàn kết trong trại càng thắt chặt. Với vai trò là bí thư chi bộ phòng giam số 8 và bí thư liên chi bộ, ông luôn động viên anh em giữ vững khí tiết, đòi quyền dân sinh, không được đánh đập vô cớ và tìm mọi cách tổ chức cho anh em vượt ngục khi có cơ hội. Nhờ lên kế hoạch cẩn thận nên nhiều đợt vượt ngục thành công bằng cách ngồi vào trong thùng rác, chui dưới gầm xe bồn, trốn chạy khi vào rừng chặt củi… Trong ngục, anh em ở lại vẫn tiếp tục chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Rồi may mắn cũng đã mỉm cười với các tù nhân khi Hiệp định Paris được ký kết toàn bộ anh em được trao trả cho cách mạng. Ông Lữ hào hứng “Khi có lệnh của bọn cai ngục, ban đầu mọi người không chịu đi vì sợ chúng nó thủ tiêu nhưng sau đó thì niềm vui tràn ngập khắp mọi khu nhà giam khi tự do đang đến gần trước mặt”. Có một chi tiết mà ông còn nhớ là do căm thù đến tận xương tủy nên anh em chẳng thà mặc một chiếc quần cụt chứ nhất quyết không nhận quần áo ban ơn của kẻ thù. Ông Lữ vẫn không quên cảm xúc lúc lội ra giữa dòng sông Thạch Hãn (Quảng Trị) để sang bờ bên kia với đồng đội: “Chỉ đến khi đó chúng tôi mới dám chắc mình vẫn còn sống và sẽ được sống, chứ trước đó không bao giờ dám nghĩ như vậy. Quê hương, Tổ quốc lúc đó thật đáng yêu, đáng quý vô cùng”. Sau thời gian điều trị tại Khu an dưỡng Sầm Sơn (Thanh Hóa), năm 1973 ông được Bộ GD đưa về Trường Đào tạo bồi dưỡng giáo viên đi B sau đó là Phó ban Đào tạo bồi dưỡng của Trường Cán bộ giáo dục TW. Năm 1981, ông vào TP.HCM phụ trách văn phòng 2 của Bộ cho đến năm 2002 mới nghỉ hưu. Hơn 5 năm sống trong địa ngục trần gian, nhưng nhà giáo Phạm Bá Lữ vẫn giữ vững được chí khí của người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Những thế hệ đi sau sẽ không bao giờ quên ơn những chiến sĩ cách mạng như nhà giáo Phạm Bá Lữ đã cống hiến máu xương của mình để có được cuộc sống tự do độc lập cho ngày hôm nay.
Hương Thủy