Thứ hai, 25/10/2010, 16h10

Tinh hoa gốm Lái Thiêu: Kỳ 2: Bến sông gốm, ngày ấy và bây giờ

Những người thợ đang chuyển gốm lên ghe

Có một bến sông tại Bình Dương vang danh là vựa gốm lớn nhất khu vực, nơi sản sinh ra các sản phẩm gốm Lái Thiêu vừa bền vừa đẹp. Dù không còn tấp nập như xưa nhưng nó là một minh chứng cụ thể cho dòng chảy của gốm Lái Thiêu.
Chợ gốm bên bến sông
Cách chợ Lái Thiêu (thị trấn Lái Thiêu, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương) khoảng 1,5km về hướng bắc có một bến sông. Bến sông hiền hòa ấy trước đây là nơi tập trung các chành, vựa gốm lớn của địa phương. Ngày cũng như đêm, ghe xuồng tấp nập ra vào bến lấy hàng chuyển về các tỉnh miền Tây Nam Bộ và các vùng phụ cận. Mặc dù đã bị giải tỏa, quy hoạch và xây kè bảo vệ nhưng trong ký ức của người dân nơi đây vẫn còn nguyên vẹn hình ảnh chợ gốm ngày nào.
Ông Tư Hào (KP. Bình Đức 1, thị trấn Lái Thiêu) kể: “Từ đời ông tôi, bến sông này đã là nơi neo đậu của hàng trăm ghe xuồng lớn, nhỏ. Các chủ vựa gốm Lái Thiêu ăn nên làm ra nhờ các thương lái đến từ miền Tây. Các bậc cao niên còn gọi đây là chợ nổi gốm”. Ông Tư Hào còn nhớ như in khu vực neo đậu ghe dành cho thương lái Long An, Đồng Tháp, Cần Thơ… Thời ấy, lời ca tiếng hát của những người buôn gốm mỗi sáng ghe cập bến được xem là chiếc “đồng hồ báo thức” đặc biệt của bà con địa phương.
Dường như người dân ở xóm nghề gốm còn nuối tiếc cảnh cũ ở bến sông này. Trong tâm trí của bà Nguyễn Thị Bé, hình ảnh người chồng sớm hôm làm nghề chuyển hàng gốm lên ghe cho thương lái vẫn không phai nhòa. “Ba sắp nhỏ đã đổ biết bao mồ hôi xuống sông để đổi lấy miếng ăn cho 5 cái tàu há mồm. Tôi thì được các chủ vựa thuê ràng dây, vào hàng chén, dĩa. Thời ấy cực mà vui, tối đến, cơm nước xong lại lên các ghe nghe đờn ca tài tử, thích lắm”, bà Bé tỏ lòng.
Mới đây, chính quyền địa phương đã cho phép ghe xuồng neo đậu ở sông Cái, cách bến sông cũ khoảng 1km, nay thuộc đường Châu Văn Tiếp, KP. Bình Đức 1, thị trấn Lái Thiêu. Tuy không còn ồn ào, náo nhiệt như xưa nhưng khu vực này ít nhiều vẫn phảng phất nét văn hóa giao thương gốm đặc trưng của Lái Thiêu ngày trước. Hai bên đường dẫn vào bến sông Cái bài trí cơ man sản phẩm gốm lu, khạp, chén, dĩa, lư hương… Gia đình nào không có thú kinh doanh gốm thì có thể cho thuê mặt bằng để làm vựa. Hàng gốm chất từ trong nhà ra ngoài ngõ, ngay cả bến sông cũng không còn một tấc đất trống.
Nếu trước đây bến sông này chỉ bán sản phẩm gốm Lái Thiêu thì nay đã xuất hiện cửa hàng gốm sứ Bát Tràng. Sự xuất hiện của dòng gốm này khiến không mấy người vui vì theo họ “Nó phá vỡ nét văn hóa độc đáo của xứ sở gốm Lái Thiêu”.
Những người lập nên bến sông
Ít nhiều đã đổi thay nhưng cảnh cũ vẫn còn đấy, có điều người xưa nay không còn nữa. Có chăng cũng chỉ là con, cháu hay những câu chuyện kể của người già mà may mắn lắm tôi mới gặp và nghe được. Đó là những thước phim dù đã cũ, có đoạn bị xóa nhòa theo dòng chảy của thời gian nhưng vẫn lột tả được thời hoàng kim của làng gốm Lái Thiêu. Anh Nguyễn Văn Còn (quê huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) nối nghiệp cha ông chở hàng gốm về bỏ mối cho các chợ trong tỉnh. Với anh, sự đổi thay của gốm Lái Thiêu quá chóng vánh, mọi chuyện cứ ngỡ vừa hôm qua. Anh Còn tâm sự: “Năm lên 8 tôi đã theo cha lên đây lấy gốm. Còn nhớ lúc đó ghe xuồng nhiều lắm, người mua kẻ bán đông vui hơn cả chợ nổi ở Ngã Bảy, Cần Thơ ngày nay. Nhà tôi được vợ chồng A Tiều thương, cứ hễ ghe cập bến là nấu cơm cho ăn và trước khi đi là khệ nệ trái cây mang theo. Nghe mẹ tôi kể lại, trước đây A Tiều trực tiếp chở hàng về Đồng Tháp bỏ mối. Ông nội tôi có cái nghề cũng nhờ ông ấy chỉ dẫn. Bây giờ không biết họ chuyển đi đâu, dò hỏi mãi mà chẳng có tin tức”.
Theo bà con sinh sống lâu đời ở đây, vào những năm 1970, ông A Tiều là chủ vựa gốm lớn nhất ở Lái Thiêu. Không chỉ thu mua gốm, ông còn dạy cho bà con làm nhiều mẫu gốm truyền thống của người Hoa. Cha của ông A Tiều, ông A Lũ là một trong số những người đầu tiên chở gốm bằng đường sông về Cần Thơ, Đồng Tháp bán lẻ. Ngày nay, một số gia đình ở Lái Thiêu còn lưu giữ nhiều sản phẩm gốm gia dụng thuộc trường phái Triều Châu như chén, tô và bình cắm hoa do ông A Tiều vẽ hoa văn. Đó là những sản phẩm công bút, tuyệt tác được các nhà nghiên cứu xếp vào loại “xưa nay hiếm”. 
Một số lò gốm do người Hoa làm chủ nổi tiếng xưa nay chuyên sản xuất các loại chậu, siêu nấu nước, hũ… thường được các thương lái, chủ ghe nhắc đến bao gồm Kiến Xuân, Liên Hiệp Thành, Anh Ký. Theo người dân ngụ lâu đời ở Lái Thiêu, lò gốm ra đời sớm nhất ở làng nghề gốm Chánh Nghĩa (làng gốm Bà Lụa, nay thuộc P. Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một), là lò của ông Vương Lương. Nghệ nhân gốm Quách Anh Kiệt (thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương) cho biết, lò gốm của ông Vương Lương (trước thường gọi là lò Ông Tía) đặt ở gần cảng Bà Lụa. Tuy nhiên, ông lại mở rộng buôn bán ở Lái Thiêu. Lò Vương Lương nay không còn nữa nhưng nhiều người vẫn còn nhớ lò của ông được xây dựng trên một dải đồi bên cạnh con rạch rất thuận tiện cho việc chuyên chở gốm. Rạch “Vàm Ông Tía” ngày nay chính là một tên gọi khác của chủ lò gạch đầu tiên ở xứ này.
Bài, ảnh: Trần Tuy An

Hiện nay trên thị trường xuất hiện rất nhiều sản phẩm đồ gia dụng hiện đại nhưng những mặt hàng gốm dân dã vẫn còn sức hút mãnh liệt đối với người dân. Bởi ở lò gốm Lái Thiêu, mỗi ngày có hơn chục chiếc ghe mã lực lớn tải hàng ngàn sản phẩm gốm về tiêu thụ tại các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long.