Thứ sáu, 2/7/2010, 16h07

Sĩ tử cầu cứu thầy... bói

Sách bói toán được nhiều HS, SV mua về xem (hình chụp chiều 28-6 tại đường Nguyễn Văn Trỗi)

Đến sát các kỳ thi quan trọng, không chỉ các bạn học sinh (HS), sinh viên (SV) mà cả các bậc phụ huynh cũng chạy đôn chạy đáo đi tìm “thầy” để gieo quẻ xem con mình có thi đậu hay không? Và hậu quả là chính họ tự chuốc lấy phiền toái cho mình, tiền mất tật mang.
Trong khi bạn bè ngày đêm đèn sách, dốc toàn bộ sức lực cho kỳ thi cuối cùng trong cuộc đời SV, mong ra trường có được tấm bằng khá thì Trần Thị H. (SV CĐ Tài chính hải quan) lại thoải mái nghỉ ngơi mặc cho sức học của cô chỉ ở mức trung bình. H. tự tin kể: “Em vừa đi gieo quẻ ở Phước Bình, “thầy” bảo con đường học hành của em rất tốt, kỳ thi tốt nghiệp này em sẽ vượt qua dễ dàng với tấm bằng giỏi. Nghe vậy, em nghĩ không cần học nhiều cho mệt thân bởi đường nào cũng thi đậu”.
Tin vào bói toán
Một buổi chiều cuối tháng 6, tại ngã ba Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, sau khi “dụ” được một nhóm SV, “thầy” lấy ra một bộ bài đã cũ mèm, bạc hết màu, rồi hỏi: “Tụi con muốn coi gì?”. Một cô gái nhanh nhảu: “Con muốn coi về đường học hành”. Bà “thầy” gật gù, xỉa bài thoăn thoắt hỏi cô gái bao nhiêu tuổi rồi đưa bài cho cô kêu xóc bấy nhiêu cái. Sau đó, “thầy” sắp bài và bắt đầu phán: “Con 7 bích báo rằng con có điềm gở trong thi cử”. Vừa nghe nói, cô gái đã tái mặt. Tỏ vẻ đăm chiêu, “thầy” lấy từ túi xách sờn rách của mình ra một tờ giấy cũ, ghi rồng rắn những chữ gì không đọc được rồi dặn dò cô gái: “Con hãy mang theo bên mình để giải hạn”. Cô gái nghe lời “thầy” bỏ lá bùa ấy vào túi. Để sở hữu lá bùa chưa biết có linh nghiệm hay không, cô gái phải “cúng thêm” cho “thầy” 30 ngàn đồng.
Bạn Hồ Lê T. (HS lớp 12 Trường THPT Tam Bình) cho biết: “Tụi bạn trong lớp em không chỉ tìm đến “thầy” để gieo quẻ mà còn đi lùng các quyển bói toán mỏng dính về chia nhau đọc”.
Điều đáng nói là không chỉ giới HS, SV mà khá nhiều phụ huynh có con thi đại học cũng tin vào bói toán. Thay vì thúc giục con ôn bài, họ lại đi tìm “thầy” thiêng để bói xem con có đậu trong kỳ thi ĐH sắp tới hay không? Thời gian gần đây, hễ nghe ai nói ở đâu có “thầy” thiêng là chị Lan (Q. Tân Phú) vội tìm đến xem cho con mình. Và theo chị: “Nếu xem chỗ này thầy phán trượt thì tìm chỗ khác nữa. Tốt nhất nên xem 2, 3 thầy cho chính xác”.
Cười ra nước mắt
Công nghệ coi bói của các “thầy” ngày càng đa dạng để phục vụ được nhiều đối tượng. “Hiện nay, có khá nhiều kiểu bói: bói chữ, bói chỉ tay, bói bài… “Phí” coi bói cũng theo đó mà dao động ít nhiều. Tiền lễ có nơi chỉ từ 20, 30 ngàn đồng, nhưng những “thầy VIP” phải lấy từ 50-100 ngàn đồng, thậm chí còn nhiều hơn…”, bạn Nguyễn Thanh L. (Trường Phước Long ) bật mí.
Khi được hỏi nếu được “thầy phán” thi “đậu” thì có tin hay không, nhiều bạn HS-SV hồn nhiên gật đầu. Đó là tư tưởng chung của rất nhiều bạn sau khi đi “gieo quẻ”. Nhưng thực tế đã chứng minh, nhiều bạn dù được thầy phán “đậu” nhưng vẫn rớt như thường.
Hoàng L., cựu HS Trường Nguyễn Huệ vừa thi rớt ĐH năm 2009 kể: “Năm ngoái, gần đến ngày thi, cũng nghe theo bạn bè, tôi đến nhà “thầy” ở quận 4 để cầu “may”. Thầy phán “đậu”, lúc đó tôi cảm thấy rất yên tâm nhưng rốt cuộc lại bị “rớt” nên đành phải ôn bài để năm nay thi lại”.
Khi vừa mới tốt nghiệp Trường ĐH Khoa học tự nhiên, bạn T.N gửi hồ sơ xin việc đến vài nơi nhưng đợi mãi vẫn chưa thấy ai gọi đi làm. Nghe chị gái rủ rê, N. tìm đến “thầy” ở cầu Xóm Chiếu, Q.4, TP.HCM cầu cứu. “Thầy” phán, N. nặng vía nên trắc trở trong đường công danh. Nếu muốn cuộc sống suôn sẻ, N. phải làm lễ cúng. “Thầy” liệt kê cho cô SV này một danh sách đồ lễ cúng có giá gần 400 ngàn đồng. Mặc dù không có tiền nhưng vì tin lời thầy bói nên N. đã phải vay bạn bè để mua đồ giải hạn. Cúng xong gần tháng, đến hết năm 2009 sang đầu năm 2010 vẫn chưa có công ty nào gọi đi làm. N. “tìm về chốn xưa” và nghe phán rằng: “Con quá nặng vía nên phải cúng thêm lần nữa mới giải hạn được”. Đến lúc này N. chỉ còn biết lắc đầu ngao ngán: “Dẹp! Chưa kiếm được tiền lại còn mất tiền cho ba cái vụ bói toán, cúng bái này nữa”.
Bài, ảnh: Nguyên Hải
Trong thời điểm hiện nay, vẫn còn khá nhiều HS mải mê xem bói, nhờ “thầy” phán giùm... mà không chú tâm đến việc ôn thi. Thực trạng này thật đáng báo động khi kỳ thi ĐH, CĐ đang cận kề.