Thứ năm, 18/8/2016, 21h23

Siết chặt bạo hành trẻ

Ngày 18-8, UBMTTQ Việt Nam TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP tổ chức Hội nghị chuyên đề về công tác chuẩn bị năm học mới 2016-2017. Tại đây, công tác giáo dục mầm non (MN) được nhiều đại biểu quan tâm; nhất là đến việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên MN ở các trường ngoài công lập (NCL)...

Bà Hoàng Thị Khánh, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM phát biểu tại hội nghị

Cho trường NCL vay không lãi suất

Năm học 2016-2017, TP.HCM có gần 747.000 trẻ MN (tăng hơn 11.600 trẻ so với cùng kỳ năm học trước). Để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh, năm học 2016-2017 TP có thêm 747 phòng học mới cho bậc MN.

Mặc dù TP đã quan tâm đầu tư trường lớp cho giáo dục MN nhưng nhiều đại biểu cho rằng vẫn chưa đáp ứng đủ các chuẩn theo quy định của Bộ GD-ĐT, đặc biệt là khối các trường NCL.

“Số trường MN NCL trên địa bàn TP rất đông, thậm chí ở khu vực nội thành số trường NCL nhiều gấp đôi so với công lập. Điều đáng nói là nhiều trường MN NCL không thể xây dựng cơ sở vật chất như ở công lập, khó đáp ứng đủ các chuẩn mà Bộ GD-ĐT đã quy định về mật độ HS, bếp, hình thức trường lớp…”, bà Hoàng Thị Khánh, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM lo lắng.

Về vấn đề này, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Các trường MN NCL bắt buộc phải đảm bảo đủ mọi điều kiện mới được Sở GD-ĐT cấp phép để đi vào hoạt động. Những năm qua TP đã chú trọng các chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất cho các trường MN NCL, đặc biệt là cho vay tiền không lấy lãi để đầu tư cơ sở vật chất”.

Hai quận thí điểm giữ trẻ ngoài giờ

Ngày 17-8, UBND TP.HCM đã phê duyệt kế hoạch “Hỗ trợ giữ trẻ ngoài giờ tại khu chế xuất và công nghiệp trên địa bàn TP.HCM từ năm 2016-2020”. Theo đó, năm học này Trường MN 30/4 thuộc Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (Q.Bình Tân) và Trường MN Khu chế xuất Linh Trung I,  Trường MN Khu chế xuất Linh Trung II (Q.Thủ Đức) sẽ thực hiện thí điểm giữ trẻ đến 17 giờ 30 và cả ngày thứ bảy. Về kinh phí giữ trẻ ngoài giờ do Sở Tài chính tham mưu UBND TP hỗ trợ ngân sách chi trả 100% kinh phí cho con công nhân gửi thêm ngoài giờ. Nếu khó khăn về ngân sách thì Sở Tài chính tham mưu UBND TP đề xuất ngân sách hỗ trợ chi trả 50%, 50% kinh phí còn lại sẽ vận động doanh nghiệp hỗ trợ và thu của phụ huynh.

Được biết, năm học 2017-2018 kế hoạch này sẽ triển khai thực hiện tại Khu chế xuất Tân Thuận, Q.7 và Khu công nghiệp Tây Bắc, huyện Củ Chi. Năm học 2018-2019 thực hiện đại trà tại các trường mầm non khu chế xuất, khu công nghiệp ở các quận, huyện. Năm học 2019-2020 trở đi, các quận, huyện tập trung mở rộng số trường nhận giữ trẻ ngoài giờ cho con công nhân.

N.Trinh

Cùng với cơ sở vật chất, nhiều đại biểu quan tâm đến việc giữ trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi, trong đó lo ngại không đủ trường lớp, giáo viên để giữ nhóm trẻ này. Bà Nguyễn Thị Yến Thu, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TP.HCM bày tỏ: “Việc giữ trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi tại các trường MN đã chú ý thu nhận nhưng còn thấp. Chẳng hạn như huyện Bình Chánh có 6 trường nhận những trẻ này thì mỗi trường chỉ nhận khoảng 15 trẻ. Trong khi đó đây là một trong những địa bàn tập trung công nhân, dân nhập cư đông”. Từ thực tế này, bà Thu đề nghị Sở GD-ĐT TP nên quan tâm, đẩy mạnh việc nuôi dạy trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi ở các trường công lập.

Phân tích vấn đề này, ông Nam cho rằng, nguyên nhân không nằm ở những khó khăn trường lớp, cơ sở vật chất hay giáo viên, bảo mẫu mà là ở phụ huynh. “Nhiều trường MN vẫn chưa đạt hết hiệu suất giữ trẻ 6 đến 18 tháng, có trường nhận giữ 10 cháu nhưng chỉ có khoảng 5 phụ huynh đến đăng ký. Phần lớn phụ huynh vẫn giữ truyền thống là để cho ông bà giữ hoặc thuê người giúp việc”.

Chi 36 tỷ đồng bồi dưỡng giáo viên NCL

Thực trạng bạo hành trẻ ở một số trường MN NCL trong những năm qua khiến các đại biểu băn khoăn, lo lắng.

Bà Khánh đặt vấn đề: “Giáo viên, bảo mẫu ở nhiều trường MN NCL chưa được đào tạo bài bản nên thiếu kinh nghiệm. Vì vậy đã xảy ra một số tình trạng đánh trẻ, bạo hành trẻ. Trong khi đó, nhu cầu giữ trẻ ở các trường MN NCL là có thật. Vậy Sở GD-ĐT có những kế hoạch gì để nâng cao chất lượng đội ngũ này?”.

“Những năm qua ngành GD-ĐT luôn quan tâm đến đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên, bảo mẫu các trường MN, đặc biệt là các trường NCL. Riêng năm học này, ngành GD-ĐT TP sẽ chi 36 tỷ đồng để đào tạo, bồi dưỡng giáo viên MN cho các trường NCL nâng cao chất lượng, đáp ứng đủ chuẩn”, ông Nam cho biết.

Thông tin thêm về việc đào tạo giáo viên MN khi thực trạng hiện nay TP vẫn còn thiếu đội ngũ này, ông Nam cho hay: “Sở GD-ĐT TP đã làm việc với các trường có đào tạo khoa MN trên địa bàn TP; đưa nhu cầu giáo viên MN để các trường này đào tạo. Ngoài ra, ngành GD-ĐT TP đã thực hiện các chính sách ưu đãi cho giáo viên MN như lương tăng thêm 60%”.

Dương Bình 

Cấm DTHT: Đừng quá máy móc

Tại hội nghị, các đại biểu tiếp tục đề cập về chuyện cấm dạy thêm học thêm (DTHT) trong nhà trường, trong đó nhiều ý kiến cho rằng cần phải xem xét tình hình thực tế, đừng quá máy móc trong vấn đề này.

Bà Nguyễn Thị Yến Thu, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TP.HCM nói: “Nhìn ở góc độ nhà giáo, việc DTHT có mặt  tiêu cực là giáo viên dạy không hết trách nhiệm, không đảm bảo chương trình nên kéo HS về nhà bồi dưỡng thêm. Thậm chí những HS không đi học thêm dù làm bài rất tốt giáo viên vẫn không cho điểm cao”. Tuy nhiên, bà Thu cho rằng, việc DTHT trong trường nếu hiệu trưởng, công đoàn có thể điều hành, biết HS yếu môn gì, mất cơ bản như thế nào để chọn giáo viên bồi dưỡng cho HS nắm được kiến thức thì đây là mặt tích cực. Vì vậy, bà Thu đề nghị Sở GD-ĐT nên chỉ đạo việc DTHT trong nhà trường như thế nào cho phù hợp, không nên cấm quá máy móc. “Cấm ở ngoài nhà trường nhưng lại cho phép ở bên ngoài trong khi các trung tâm bên ngoài chủ yếu quan tâm đến lợi nhuận, kinh tế thì làm sao họ có thể làm tốt được?”, bà Thu tỏ ra lo lắng.

Cùng đồng tình với ý kiến này, bà Hoàng Thị Khánh (Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi  TP.HCM) đề xuất việc dạy thêm nên tổ chức trong nhà trường nhưng để giáo viên nào dạy thì nhà trường phải tính toán, phải tìm những giáo viên có tâm huyết cao. Bà Khánh nhấn mạnh: “Quan trọng là sở, ngành phải quản lý được chất lượng trong giờ hành chính chứ không để HS tiếp thu một cách “lơ mơ” trên lớp. Nếu một trường có quá nhiều HS đi học thêm thì chứng tỏ việc học chính khóa ở trường đó không chất lượng”. Đối với những HS giỏi không cần học thêm mà nên khuyến khích tham gia các hoạt động ngoại khóa, thể dục thể thao cho phù hợp”.

M.Châu