Thứ năm, 5/10/2017, 21h39

Siết điều kiện mở ngành ĐH

Những điểm mới trong Thông tư 22 về điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo và đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ ĐH vừa được Bộ GD-ĐT công bố chính thức ngày 4-10. Trong đó, quy định các điều kiện mở ngành đào tạo trình độ ĐH chặt chẽ hơn và yêu cầu cao hơn so với Thông tư 08 ngày 17-2-2011. Cụ thể, ngành đăng ký đào tạo phải phù hợp với nhu cầu của xã hội và người học; phù hợp với yêu cầu nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng, miền và cả nước; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ sở đào tạo. Đội ngũ giảng viên cơ hữu bảo đảm về số lượng, chất lượng, trình độ và cơ cấu để tổ chức đào tạo. Giảng viên cơ hữu giảng dạy ít nhất 70% khối lượng chương trình đào tạo; khối lượng kiến thức còn lại do giảng viên thỉnh giảng đã được ký kết hợp đồng thỉnh giảng với cơ sở đào tạo thực hiện... Cơ sở đào tạo ngoài công lập phải có tối thiểu 40% giảng viên cơ hữu giảng dạy ngành đăng ký đào tạo trong độ tuổi lao động. Cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện, giáo trình đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập theo yêu cầu của ngành đăng ký đào tạo trình độ ĐH.

Chương trình đào tạo của ngành đăng ký phải bảo đảm chuẩn kiến thức và kỹ năng của người học sau khi tốt nghiệp và đáp ứng yêu cầu liên thông giữa các trình độ và với các chương trình đào tạo khác. Chương trình đào tạo và đề cương chi tiết các học phần của ngành đăng ký đào tạo được xây dựng đảm bảo chuẩn đầu ra, phù hợp với khung trình độ quốc gia Việt Nam hiện hành… Cơ sở đào tạo bị đình chỉ tuyển sinh ngành đào tạo khi xảy ra một trong những trường hợp: Tổ chức tuyển sinh và đào tạo ngoài địa điểm được phép tổ chức hoạt động đào tạo; vi phạm quy định của pháp luật về giáo dục bị xử phạt ở mức độ phải đình chỉ tuyển sinh; không đáp ứng các điều kiện về mở ngành đào tạo theo Thông tư này đối với những ngành đã được mở theo Thông tư 08; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật… Cơ sở đào tạo bị thu hồi quyết định mở ngành khi để xảy ra một trong các trường hợp: Có hành vi gian lận để được mở ngành; vi phạm nghiêm trọng quy định về tuyển sinh, quản lý, tổ chức đào tạo; hết thời hạn đình chỉ tuyển sinh mà không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ tuyển sinh; vi phạm quy định của pháp luật về giáo dục bị xử phạt ở mức độ phải thu hồi quyết định mở ngành; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật. Đối với những ngành đào tạo đang triển khai thực hiện, trong thời hạn 2  năm kể từ khi Thông tư này có hiệu lực, cơ sở đào tạo phải rà soát, bổ sung các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo theo quy định.

Các ngành mới, sau 2 khoá tốt nghiệp, cơ sở đào tạo phải tổ chức đánh giá chương trình, chất lượng và hiệu quả, việc làm của người học, ý kiến của người sử dụng lao động về chương trình đào tạo và nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực để làm cơ sở đề nghị Bộ GD-ĐT cho phép tiếp tục đào tạo và bổ sung tên ngành mới vào danh mục đào tạo.

Thc Trân