Thứ năm, 19/10/2017, 21h58

Sinh động game show học sử

Biến những bài học khô khan trở thành một game show hấp dẫn, sinh động là cách mà thầy Vũ Hoàng Sơn (giáo viên môn lịch sử Trường Tiểu học Bình Hòa, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đã áp dụng vào môn lịch sử thông qua phần mềm học sử lớp 4 trực tuyến trong gần 2 năm qua.

Thầy Vũ Hoàng Sơn cùng sản phẩm của mình tại vòng chung kết cuộc thi Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin năm 2016

Phần mềm học sử bằng game show của thầy Sơn đã lọt vào vòng chung kết cuộc thi cấp quốc gia “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin năm 2016”. Đồng thời, được nhân rộng ra nhiều trường tiểu học trong thành phố.

“Nhỏ nhưng có võ”

Gần 20 năm gắn bó với môn học, thầy Sơn hiểu rằng, lịch sử nếu chỉ dạy và học truyền thống đơn thuần qua sách giáo khoa với những con số, ngày tháng cứng nhắc thì sẽ không thể tạo được hứng thú cho học sinh, đặc biệt là học sinh tiểu học. Vì vậy, nhiều năm về trước, thầy đã cho học sinh tiếp cận với môn lịch sử qua những sa bàn mô phỏng về chiến thắng Điện Biên Phủ, về trận Chi Lăng, trận Bạch Đằng Giang… Khi công nghệ lên ngôi, chính thầy cũng đã “hô biến” môn lịch sử bằng một phần mềm mà theo thầy là “nhỏ nhưng có võ”.

“28 bài học của chương trình lịch sử lớp 4 được gói gọn trong đó. Mỗi bài học được lồng ghép những thước phim 3D, phim tư liệu, hình ảnh, nền nhạc. Đặc biệt là phần kiểm tra kiến thức thì như một game show với những tiếng vỗ tay, hình mặt cười, trái bóng đi vào khung thành khi trả lời đúng và mặt buồn hiu kèm dòng chữ Bạn sai rồi, bóng chệch khung thành khi trả lời sai”, thầy Sơn chia sẻ.

Trong phần âm nhạc của phần mềm học lịch sử, thầy Sơn dùng những bài nhạc lịch sử quen thuộc như Dòng Máu Lạc Hồng, Bạch Đằng Giang… để các em học sinh vừa cảm thấy sinh động lại vừa hứng khởi. Theo thầy, chính những khác biệt đó giúp học sinh cảm thấy dễ thở hơn, dễ nhớ hơn, khả năng tư duy cao hơn và tăng hứng thú với môn học. Với thiết kế bằng phần mềm ứng dụng trên máy tính đơn giản, gần gũi với giáo viên và học sinh nên dù bản thân các em học sinh không có kiến thức về công nghệ cũng có thể dễ dàng sử dụng được game show học lịch sử này.

Kết hợp với phần mềm sinh động, mỗi giờ lên lớp, thầy Sơn đều lồng ghép những câu chuyện lịch sử về những tấm gương anh hùng, về hậu quả chiến tranh để học sinh cảm nhận được phần nào về hành trình dân tộc. “Các em sống trong thời bình, quá đầy đủ lại còn quá nhỏ để có thể hình dung ra những đau thương, mất mát mà dân tộc phải đánh đổi trong suốt chiều dài dựng nước, giữ nước. Tôi chỉ mong qua mỗi tiết học, các em phần nào hiểu và thêm yêu môn lịch sử”, thầy Sơn chia sẻ.

Phụ huynh học cùng con

Theo thầy Sơn, điểm đặc biệt của phần mềm học lịch sử trực tuyến này chính là tăng sự học cùng con của phụ huynh. Thầy nói, ban đầu khi hoàn thành phần mềm lịch sử, nhiều phụ huynh thắc mắc rằng liệu phần mềm có khiến con em họ bị ảnh hưởng về mắt không và liệu có khiến các em bị sa vào những trò chơi không... “Và đó cũng chính là lý do phụ huynh nên học cùng các em trong phần mềm này”, thầy Sơn nhấn mạnh.

Học sinh giới thiệu sản phẩm của thầy Sơn (ảnh nhân vật cung cấp)

“Vì được ứng dụng trên máy tính nên phần lớn thời gian các em học phần mềm lịch sử là ở nhà. Với tính chất như một trò chơi điện tử nên các thành viên trong gia đình từ bố mẹ, anh chị em có thể dễ dàng tương tác, học cùng với các em để vừa tăng tình cảm, vừa hiểu hơn về môn học mà con em mình đang học”, thầy Sơn giải thích thêm.

Bắt tay vào thực hiện từ năm 2013, phải mất một năm rưỡi phần mềm học lịch sử trực tuyến mới được xây dựng. Với thầy Sơn, đó là những ngày tháng “bù đầu” với băng đĩa, với video trên mạng. Làm sao để chọn lọc ra những thông tin phù hợp, chính xác với bài học lại vừa phải sinh động, gần gũi với lứa tuổi học sinh tiểu học. “Mua góp nhặt cả bao đĩa về lịch sử của đài truyền hình, những băng cat-xet cũ kỹ cũng không được bỏ qua. Nhiều khi nguyên một đĩa chỉ lấy ra được một đoạn nhỏ. Rồi la liệt những video lịch sử trên mạng cũng phải cắt gọt cho khớp chương trình”, thầy Sơn nhớ lại.

Đổi lại, sự đón nhận nồng nhiệt của học sinh chính là niềm động viên lớn nhất đối với thầy. Khi các em kêu “Thầy ơi, học sử thích quá, thầy làm tiếp môn địa lý nữa đi”, thầy cho biết như thế là phần mềm đã thành công, tăng cho các em niềm hứng thú và say mê với môn học.

Thời gian tới, theo “đơn đặt hàng” của Phòng GD-ĐT Q.Bình Thạnh, thầy Sơn sẽ ứng dụng tiếp công nghệ vào phần mềm học lịch sử lớp 5 trực tuyến.

Yến Hoa