Thứ tư, 10/1/2018, 10h32

Sinh viên chế tạo robot phục vụ gia đình

Nhóm sinh viên (từ trái qua: Đạt, Đức, Hướng) bên con robot do nhóm chế tạo /// Ảnh: Lê Thanh

Nhóm sinh viên (từ trái qua: Đạt, Đức, Hướng) bên con robot do nhóm chế tạo ẢNH: LÊ THANH

Nhóm sinh viên trên của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM gồm: Lê Tấn Đức, Nguyễn Trung Hướng, Lương Thành Đạt.
Sản phẩm đoạt giải nhì cuộc thi Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học - Euréka năm 2017, do Thành đoàn TP.HCM phối hợp với ĐH Quốc gia TP.HCM vừa tổ chức.
Nói về ý tưởng để thiết kế robot này, Lê Tấn Đức (trưởng nhóm) chia sẻ: “Đời sống con người ngày càng được nâng cao, vì vậy, tụi mình muốn nghiên cứu ra sản phẩm này để làm thay con người một số công việc trong gia đình, giúp cuộc sống của con người ngày càng tốt đẹp, thoải mái hơn”.
Theo Tấn Đức, cấu tạo của robot có 3 phần chính gồm đầu, thân và đế. Phần thân được thiết kế nhỏ gọn bên trong là các module (bluetooth, wifi), mạch điều khiển động cơ, board mạch điện tử. Đế gồm 2 bánh xe điều hướng và một bánh tự lượn giúp di chuyển linh hoạt hơn từ vị trí hiện tại đến điểm cần đến.
Ngoài ra, màn hình cảm ứng hiển thị và tương tác với người dùng được đặt trên đầu robot với 2 trục quay ở cổ, tạo điều kiện phù hợp khi giao tiếp với người dùng ở các vị trí và chiều cao khác nhau.
Trung tâm kiểm soát của robot là máy tính bảng. Nó có chức năng quản lý toàn bộ hoạt động của hệ thống, thu thập và xử lý thông tin quan trọng, đồng thời kết nối các thiết bị với nhau. Ở đây, dữ liệu thu được từ camera và microphone được xử lý bởi CPU…
Đặc biệt, robot có khả năng nhận diện khuôn mặt người. “Phía trước mặt có camera để làm nhiệm vụ xử lý hình ảnh và nhận diện người đối diện là ai dựa trên thuật toán do nhóm lập trình. Với tính năng này, robot sẽ biết được người dùng có phải là người trong gia đình hay không, từ đó có thể giới hạn được người sử dụng vì chỉ có người trong gia đình mới điều khiển được. Ngoài ra, robot có thể đi học thay cho các bạn bị bệnh nặng khi không có khả năng đến lớp. Theo đó, robot sẽ đến lớp học và truyền âm thanh, hình ảnh tại lớp học về cho người bệnh”, Nguyễn Trung Hướng, thành viên của nhóm nói.
Ưu việt hơn, robot có khả năng phát hiện người cao tuổi bị trượt ngã thông qua thiết bị nhỏ gắn trên người. “Khi người lớn tuổi ở nhà một mình gặp sự cố té ngã, thiết bị sẽ truyền tín hiệu về robot, từ đó nó phát ra tiếng động cảnh báo, đồng thời gọi điện báo cho người thân để họ có thể quan sát tình trạng người gặp sự cố nhờ camera gắn trên robot, từ đó đưa ra cách xử lý thích hợp. Ngoài ra, robot có thể chủ động cung cấp các nhắc nhở với các thông tin quan trọng như: lịch hẹn bác sĩ, giờ uống thuốc, lịch tập thể dục hay bất cứ điều gì cần được ghi nhớ”, Trung Hướng cho biết thêm.
Bên cạnh những tính năng trên, Lương Thành Đạt, thành viên của nhóm, khoe: “Robot còn có thể làm được nhiều việc khác như: dự báo thời tiết trong ngày, kể chuyện cho trẻ nhỏ”.

Lê Thanh/ TNO