Thứ tư, 30/6/2010, 08h06

Sinh viên “hồn nhiên” vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ

SV tham khảo một số công trình nghiên cứu khoa học của chính các tác giả trẻ

Học phần về sở hữu trí tuệ và Luật Sở hữu trí tuệ hiện mới chỉ được đưa vào giảng dạy cho sinh viên (SV) luật. Nhiều SV vẫn “hồn nhiên” sao chép tài liệu, giáo trình mà không biết “áy náy”…
Khó kiểm soát!
Tại hội thảo “Bản quyền tác giả trong trường ĐH” do ĐH Kinh tế tổ chức mới đây, ThS. Trương Thùy Trang (Sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM) nhấn mạnh: “Các trường ĐH muốn nâng cao vị thế nên sử dụng hệ thống sở hữu trí tuệ (SHTT) như một công cụ đánh bóng thương hiệu, thu hút vốn đầu tư cho phát triển, mở rộng, nâng cao chất lượng dạy - học”. Thực tế, sau khoảng 5 năm “có mặt” tại Việt Nam (từ năm 2005), Luật SHTT vẫn chưa được GV và SV hiểu một cặn kẽ, thấu đáo. TS. Lê Văn Hưng (Khoa Luật kinh tế, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) nhận định, thực trạng vi phạm SHTT hiện “nhiều về số lượng và phức tạp về tính chất”. Phần đông GV có ý thức tôn trọng quyền SHTT nhưng vẫn vi phạm. Thói quen sử dụng tài liệu thiếu dẫn nguồn, không ghi chú trích dẫn trong các tác phẩm nghiên cứu lâu dần khiến các GV “nghĩ” rằng chúng là của… mình. Do cùng một lúc hướng dẫn nhiều đề tài, giảng viên khó kiểm soát việc người thực hiện “sử dụng lại” tài liệu của người khác. Mỗi năm, người dạy hướng dẫn khoảng 3-5 đề tài luận văn thạc sĩ, tiến sĩ cùng một lượng lớn đề tài tốt nghiệp đại học. Vấn đề thiếu tôn trọng quyền tác giả lên đến mức báo động với tình trạng “sao chép của sao chép” (người này sao chép cái mà người kia đã từng sao chép của một ai đó khác).
Nhiều GV ngại viết sách để phát hành ra thị trường vì sợ nạn sao chép tràn lan. Có những loại sách vừa được phát hành hôm nay, hôm sau đã thấy các tiệm photocopy công khai bày bán và SV có khi chẳng để mắt đến sách in của tác giả. Đặc biệt, còn có tình trạng bày bán nhiều đĩa CD chứa các bài thơ, truyện ngắn, chương trình máy tính, đề tài luận văn… với giá chỉ từ 6 đến 10 ngàn đồng. Từ thực tiễn, nhiều đại biểu cùng đồng tình, vấn đề bảo hộ quyền SHTT trong trường ĐH hiện đang là một yêu cầu cấp thiết.
Xây dựng văn hóa ứng xử với quyền SHTT
PGS.TS Phạm Duy Nghĩa (Khoa Luật, Trường ĐH Kinh tế) nêu một số kinh nghiệm nâng cao trách nhiệm bảo vệ SHTT tại các trường, tập trung vào việc giới thiệu cho SV về nguyên tắc bảo vệ SHTT, nguyên tắc trích dẫn, nguy cơ đạo văn và các hình thức kỷ luật. Bổ nhiệm người có thẩm quyền tiếp nhận, điều tra và giải quyết các tranh chấp về SHTT một cách chuyên nghiệp; tránh “giao” nghĩa vụ điều tra cho các thầy cô. Đặc biệt, cần tạo điều kiện cho GV tiếp cận, sử dụng công cụ phát hiện đạo văn. Trên thực tế, cơ hội cho GV tiếp cận công cụ như thế này rất khó vì giá chào bán dịch vụ phát hiện vi phạm SHTT hiện quá cao. Đơn cử, một công cụ kiểm tra tính cá biệt của tác phẩm (www.writecheck.com) có giá ưu đãi cho SV nhưng lại ở mức: 4,95 USD cho tài liệu dưới 500 chữ; 19,95 USD cho tài liệu 2.500 chữ; 49,95 USD cho tài liệu 200.000 chữ. Theo ông Nghĩa, thiếu công nghệ hỗ trợ, GV rất khó mà phát hiện được hiện tượng “đạo, xào” hoặc nếu có thì cũng chỉ là “vô tình” biết được. TS. Lê Văn Hưng đề cập vấn đề xây dựng văn hóa ứng xử với quyền SHTT trong SV. Thiết kế chương trình đào tạo phổ cập về SHTT cho SV để các em nắm được nguyên tắc cơ bản của bảo hộ SHTT; giới hạn của việc được và không được khi sử dụng tác phẩm của người khác; nhất là cách thức tự bảo vệ quyền hợp pháp của mình… Đồng tình vấn đề này, TS. Vũ Mạnh Chu (Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả) đề nghị các trường cần có quy định về quản lý tài sản thuộc SHTT của cả GV và SV; phân biệt rõ cái nào của nhà trường, cái nào của riêng SV, cái nào của chung SV và nhà trường để trường vừa khai thác được tài sản của SV, vừa thể hiện sự trân trọng các em cũng như đảm bảo được quyền lợi cho chính mình. 
Một số kiến nghị khác của các đại biểu cũng hướng đến việc thành lập một tổ chức nội bộ như trung tâm quản lý SHTT trong trường ĐH có nhiệm vụ quản lý và khai thác các đối tượng SHTT; đẩy mạnh thương mại hóa các giá trị SHTT qua đó tạo ra sự nhận thức về giá trị tài sản to lớn của đối tượng SHTT để chính tác giả quan tâm bảo vệ quyền tài sản của mình.
Bài, ảnh: Mê Tâm