Thứ sáu, 2/12/2016, 13h54

Sinh viên khó tìm chỗ thực tập

Thực tập là một phần không thể thiếu trong quá trình học ĐH-CĐ. Thế nhưng, vì quy mô đào tạo một số ngành nghề hiện nay quá lớn, nhiều sinh viên gặp phải áp lực trong việc tìm cho mình một chỗ thực tập tốt.

Sinh viên nhóm ngành sức khỏe khó tìm chỗ thực tập do quá tải  /// Ảnh: Mỹ Quyên
Sinh viên nhóm ngành sức khỏe khó tìm chỗ thực tập do quá tải. ẢNH: MỸ QUYÊN
Không thể nhận quá đông sinh viên cùng lúc
Khối ngành sức khỏe là một trong những ngành nghề có số lượng học sinh, sinh viên theo học đông trong những năm gần đây. Không chỉ trường ĐH công lập mà các trường ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp cũng đào tạo với tổng chỉ tiêu lên đến hàng chục ngàn mỗi năm.
Tại TP.HCM, riêng bậc trung cấp, có 25 cơ sở đào tạo nhóm ngành sức khỏe, gồm 5 trường ĐH, 4 trường CĐ và 16 trường TCCN với quy mô đào tạo tính đến học kỳ 1 năm học 2015-2016 là 14.722 học sinh. Đó là chưa kể chỉ tiêu ở bậc ĐH và CĐ.
Bác sĩ Võ Văn Tiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi, cho biết: “Hằng năm, có rất nhiều trường ĐH, CĐ, trung cấp đến liên hệ để gửi sinh viên thực tập tại Bệnh viện Nguyễn Trãi. Số lượng này chia làm nhiều đợt, có đợt lên tới vài chục em. Có năm lên tới cả 200 em. Phần lớn là ngành điều dưỡng và dược, bác sĩ thì ít hơn. Có những đợt do đông quá, bệnh viện đành phải từ chối, không thể tiếp nhận quá nhiều vì sợ không đủ người hướng dẫn. Nhận sinh viên vào nhiều mà không giúp được cho việc thực hành, thực tập thì sẽ thiệt thòi cho các em”.
Cũng theo bác sĩ Tiến, vì ở trường sinh viên đa phần chỉ học lý thuyết, thiết bị thực hành không đáp ứng đủ nên bệnh viện là nơi thực hành, thực tập chủ yếu. “Tuy nhiên, với lượng sinh viên quá đông như vậy, sẽ dẫn đến tình trạng các em khó được tiếp cận và học hỏi từ thực tế công việc...”.
Chính vì vậy, nhiều sinh viên than phiền về tình trạng đi thực hành, thực tập tại các bệnh viện mà chỉ được nghe và ghi chép. Có nơi chỉ vài chục bệnh nhân nhưng số lượng sinh viên đến thực tập lên đến hơn trăm người.
Doanh nghiệp nhỏ chưa mặn mà
Đối với nhóm ngành kinh tế, đặc biệt là kế toán, tài chính - ngân hàng, việc có được một chỗ thực tập không hề đơn giản. Một phần vì số lượng sinh viên khối ngành này quá đông mỗi năm, một phần vì không phải doanh nghiệp nào cũng mặn mà với việc tiếp nhận thực tập. Một phần khác, nhiều doanh nghiệp, ngân hàng lớn hiện nay có chương trình tuyển sinh viên thực tập theo các tiêu chí nhất định chứ không phải các trường gửi là nhận.
Thạc sĩ Nguyễn Thái Châu, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH tài chính -Marketing, cho biết: “Tại các trường ĐH, CĐ hiện nay đều có các trung tâm quan hệ với doanh nghiệp để giới thiệu kiến tập, thực tập, tham gian quy trình làm việc… Ngoài ra, giảng viên ở các khoa cũng là một kênh. Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp nhỏ thì không mặn mà. Lý do có thể là vì họ phải lo doanh số, không có người và không có thời gian để giúp dỡ sinh viên. Ngược lại, có nhiều doanh nghiệp rất hợp tác, sẵn sàng tiếp nhận sinh viên đến thực tập và nhiệt tình hướng dẫn. Nhiều doanh nghiệp lớn còn thông báo đến các trường về việc tuyển chọn thực tập viên”.
Phó hiệu trưởng một trường ĐH tại TP.HCM nhìn nhận: Đúng là có thực trạng sinh viên các trường quá đông nên khó khăn trong việc xin thực tập. Hơn nữa, không phải doanh nghiệp nào cũng nhiệt tình trong việc này. Điều đó dẫn đến sinh viên một số ngành đặc thù đôi khi đi thực tập mà không được giao việc chuyên môn, chẳng hạn ngân hàng, y dược… Tuy nhiên, thời gian thực tập nếu sinh viên chịu khó học hỏi, quan sát và hỗ trợ nhân viên chính thức thì sẽ hiểu rõ công việc, quy trình làm việc sau này. Ở những ngành nghề dịch vụ thì sinh viên mới có nhiều cơ hội làm việc thực sự.

Mỹ Quyên/TNO