Thứ năm, 28/1/2016, 20h52

Sinh viên không biết nghiên cứu khoa học

Sinh viên trường y đang thực hành thí nghiệm.  Ảnh: M.Tâm

Tôi có đứa cháu gái đang học ĐH năm thứ 4 ở Hà Nội, kết quả học tập 3 năm trước đều đạt loại khá, là một trong số ít được xem xét kết nạp vào Đảng. Tuy nhiên, hôm nọ cháu điện cho tôi khẩn khoản nói muốn có một bài viết trên tạp chí khoa học có chỉ số ISSN để có thể nằm trong diện được xét kết nạp sớm.

Thực ra để cháu tự viết thì chắc chắn là điều không thể. Tôi hứa là sẵn sàng giúp cháu, tất nhiên là tôi phải đồng tác giả. Tuy vậy, tôi chỉ phác họa đề cương bài báo, yêu cầu cháu nghiên cứu tài liệu và phải hoàn thiện nội dung chi tiết. Sau một tuần, cháu gửi lại cho tôi bài viết thì đề cương vẫn không có gì thay đổi, và cháu thú nhận là “cháu chẳng biết viết như thế nào chú ạ”.

5 nguyên nhân khiến SV không biết làm khoa học

Thứ nhất, ở các trường ĐH, bản thân đội ngũ giảng viên cũng chưa thực sự có nhiều sản phẩm khoa học cũng như kinh nghiệm, kỹ năng làm khoa học nên rất khó hướng dẫn, bồi dưỡng cho SV. Thứ hai, việc nghiên cứu khoa học không phải là nhiệm vụ bắt buộc của SV, hơn nữa các sản phẩm khoa học xã hội thì khó khăn hơn trong việc kiểm nghiệm, đánh giá vì thế cũng khó có những sản phẩm khoa học thiết thực mang tính ứng dụng cao, phần lớn chỉ để tham khảo nghiên cứu. Thứ ba, phần lớn ở các trường ĐH hiện nay vẫn chưa có nhiều chính sách khuyến khích SV làm khoa học và thay thế cho việc thi - kiểm tra. Chẳng hạn, một đề tài cấp trường được đánh giá tốt thì có thể thay thế cho môn học tương ứng, hay đăng tải một bài viết khoa học được cộng thêm điểm trong môn học đó… Thứ tư, môi trường nghiên cứu khoa học ở nước ta còn có những hạn chế nhất định, chẳng hạn thiếu đội ngũ các nhà khoa học có thể thường xuyên giúp đỡ SV làm khoa học, thiếu giáo trình tài liệu để các em có thể tiếp cận nghiên cứu, thiếu thực tế… nên các em khó phát hiện vấn đề. Thứ năm, các phương pháp dạy học ở nước ta vẫn nặng về thuyết trình mà khó phát huy được sự chủ động, sáng tạo, tính tích cực hóa ở người học, vì vậy tâm lý các em vẫn thụ động mà thiếu đi những phát hiện, tìm tòi, sáng kiến.

Có thể nói, sinh viên (SV) Việt Nam hiện nay đa số không biết làm khoa học. Chính điểm yếu này là một trong những nguyên nhân khiến không ít SV thiếu kỹ năng cần thiết và khi ra trường không xin được việc làm. Thực tế, làm khoa học không phải là quá cao siêu như làm luận án, đề tài cấp bộ, cấp ngành… mà đối với SV thì đơn giản là viết một bài báo trên tạp chí khoa học trong nước được coi là công trình khoa học; thậm chí phân tích, đánh giá một vấn đề thời sự mà được đăng tải trên các báo chính thống hàng ngày cũng có thể coi là một vấn đề khoa học. Chúng ta phải thừa nhận rằng, các SV ngành khoa học tự nhiên có nhiều cơ hội làm khoa học hơn so với SV ngành khoa học xã hội, bởi đối với ngành khoa học tự nhiên thì đối tượng, phạm vi nghiên cứu khá đa dạng trên nhiều lĩnh vực. Thực tế, những năm qua SV ngành khoa học tự nhiên có nhiều sản phẩm khoa học được công bố hoặc được tham gia hội thi, hội thảo ở trong và ngoài nước; đặc biệt là SV các ngành như kỹ thuật, y học, công nghệ…

Có nhiều lý do khiến SV Việt Nam hiếm các sản phẩm khoa học. Trước hết phải khẳng định rằng SV chưa được trang bị một cách bài bản về nghiên cứu khoa học mà các sản phẩm khoa học có chăng chỉ là điều kiện mang tính chất “tham gia” là chính. SV ngành khoa học xã hội thì lại càng hiếm hoi. Thử hỏi xem trong tất cả đầu tạp chí có được bao nhiêu bài viết là của SV, có chăng chỉ đếm trên đầu ngón tay hay cũng chỉ “tầm gửi khoa học” cùng với những nhà khoa học có uy tín…

Chúng ta chưa thể mong SV Việt Nam như SV các nước có nền công nghiệp phát triển mạnh (Mỹ, Anh, Nhật Bản…), tuy nhiên với sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành cũng như sự cải tạo môi trường học tập, tăng thời lượng nghiên cứu; tiếp tục phát huy tốt phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm từ đó các em mới có thể tích cực, chủ động để thực sự trở thành những nhà khoa học trẻ trong tương lai. Đúng với tinh thần mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) đã xác định: “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học…; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học…”.

ThS. Nguyễn Văn Công