Thứ ba, 11/4/2017, 21h37

Sinh viên ngân hàng chưa “ghi điểm” cao với doanh nghiệp

Chỉ dưới 10% nhà tuyển dụng đánh giá sinh viên tốt nghiệp ngành tài chính - ngân hàng đáp ứng cao yêu cầu của công việc. Còn phần lớn nhà tuyển dụng vẫn chưa hài lòng với chất lượng sinh viên và nhìn nhận chương trình đào tạo hiện chưa bám sát thực tiễn.

Sinh viên ngành tài chính - ngân hàng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM thực hành tại hệ thống mô phỏng ngân hàng HUTECH BANK 

Số liệu trên được đưa ra từ khảo sát của đại diện một trong 16 trường ĐH tham gia hội thảo khoa học “Nội dung, phương pháp giảng dạy lĩnh vực tài chính - ngân hàng và kế toán - kiểm toán trong xu thế hội nhập” do Trường ĐH Công nghệ TP.HCM vừa tổ chức.

Chưa đáp ứng yêu cầu tuyển dụng

Khảo sát được ThS. Lê Hoài Ân (Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) thực hiện trên 350 sinh viên tốt nghiệp Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, 30 giảng viên cùng trường và 60 nhà tuyển dụng từ các ngân hàng, công ty chứng khoán, doanh nghiệp địa bàn TP.HCM. Tác giả chỉ ra 3 yếu tố mà nhà tuyển dụng đánh giá rất thấp ở sinh viên ngân hàng là: khả năng làm ra sản phẩm cuối cùng; kiến thức lý luận chuyên ngành; tư duy phản biện. Chỉ 24% nhà tuyển dụng cảm thấy hài lòng về các kỹ năng này, trong khi đây đều là những yếu tố được cho là quan trọng đối với công việc. Trong đó, theo ThS. Ân, các nhà tuyển dụng cho rằng tư duy phản biện của sinh viên thấp xuất phát từ việc các trường ĐH vẫn giảng dạy phương pháp truyền thống, truyền tải một chiều; sinh viên không được hướng dẫn nhiều về khả năng tư duy để giải quyết vấn đề, tình huống. Khảo sát giảng viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cũng ghi nhận được các ý kiến rằng, không có sự khác biệt đáng kể trong nội dung chương trình đào tạo suốt 5 năm qua và yếu tố thực hành môn học chưa được cải thiện rõ rệt. Bên cạnh đó, nhà tuyển dụng cũng không đánh giá cao khả năng ngoại ngữ của sinh viên mặc dù tài chính - ngân hàng là một trong những lĩnh vực có mức độ hội nhập khu vực và toàn cầu cao (từ khâu giao dịch đến giao lưu đối tác nước ngoài) và ngoại ngữ tốt giúp ứng viên tiến xa hơn.

“Hầu hết các trường ĐH có đào tạo chuyên ngành tài chính - ngân hàng ở Việt Nam đều thiếu hướng dẫn kỹ năng viết cho sinh viên, đặc biệt là viết các văn bản bằng tiếng Anh - vốn là một yêu cầu rất cần thiết trong bối cảnh kinh doanh hội nhập toàn cầu như hiện nay”, ThS. Ân nói. Ngoài ra, mối quan hệ lỏng lẻo giữa các doanh nghiệp và nhà trường trong đào tạo cũng một lần nữa được đề cập. “Rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cũng là cựu sinh viên từ các trường ĐH nhưng các trường không thể khai thác tốt mối quan hệ này. Kết quả khảo sát từ cựu sinh viên cũng cho thấy hơn 95% sinh viên ra trường không có bất kỳ mối quan hệ hoặc liên hệ với nhà trường. Cựu sinh viên chủ yếu về lại trường để học các bậc cao hơn”, ThS. Ân cho biết.

Lập “ngân hàng thực hành” cho sinh viên “va chạm”

Tại hội thảo, đại diện nhiều trường cũng nêu lại những hạn chế trong đào tạo nhân lực ngành tài chính - ngân hàng thời gian qua như chương trình nhẹ thực hành nặng lý thuyết, cơ sở vật chất chưa đáp ứng, thực tập chưa đạt chất lượng... Trong tham luận, ThS. Trẩm Bích Lộc (Trường ĐH Sài Gòn) chỉ ra, thực tập là cơ hội hiếm có để sinh viên va chạm thực tế nhưng lại chưa được thực hiện hiệu quả. Nguyên nhân, việc tìm chỗ thực tập cho lượng lớn sinh viên tại các ngân hàng trong cùng một thời điểm không đơn giản nên trường đồng thời khuyến khích các em tự tìm. Sinh viên vì thế có xu hướng thực tập chỗ người quen, chỉ để làm báo cáo chứ ít quan tâm chất lượng. Thêm vào đó, nhiều ngân hàng, công ty không dám giao việc cho sinh viên thực tập vì ngại các em làm sai, phải gánh trách nhiệm. Doanh nghiệp vì bí mật kinh doanh cũng cung cấp số liệu ảo hoặc không cung cấp cho sinh viên viết báo cáo dẫn đến hiệu quả thực tập giảm sút.

Theo ThS. Lộc, cần rà soát lại, chỉ cấp phép đào tạo cho những đơn vị đảm bảo được chất lượng đầu ra, tránh tình trạng đào tạo ồ ạt, sinh viên ra trường thất nghiệp hoặc phải làm trái ngành. Đồng thời, tăng đầu tư cơ sở vật chất, do hiện nhiều trường còn thiếu các hệ thống hỗ trợ cho việc học như ngân hàng mô phỏng, thị trường chứng khoán ảo… khiến sinh viên khó hình dung công việc thực tế.

Về phía doanh nghiệp, bà Hoàng Thị Loan (Giám đốc Công ty TNHH TM XD Phượng Loan) cũng đặt vấn đề hợp tác giữa các trường ĐH với doanh nghiệp xây dựng “ngân hàng thực hành” (đặt tại các trường) nhằm tạo cho sinh viên môi trường cọ xát thực tế. Theo bà Loan, điều này chẳng những tăng hiệu quả thực tập của người học mà còn buộc giảng viên cũng phải nâng cao nghiệp vụ, thường xuyên cập nhật kiến thức thực tiễn… trong quá trình hướng dẫn sinh viên. Phía ngân hàng cũng được lợi vì có nguồn tuyển chọn nhân lực, giảm chi phí đào tạo bổ sung sau tuyển dụng…

Bài, ảnh: Thục Trân