Thứ hai, 8/12/2008, 10h12

Sinh viên ra trường “câm điếc” ngoại ngữ

SV Trường ĐH KHXH&NV học tiếng Anh ngoại khóa. Ảnh: MÊ TÂM

Ngày 5-12-2008, Bộ GD-ĐT đã phối hợp cùng Viện Khảo thí Hoa Kỳ (ETS) tổ chức Hội thảo đào tạo tiếng Anh trong các trường ĐH không chuyên ngữ. Trình độ ngoại ngữ luôn là điều kiện cần khi sinh viên (SV) tốt nghiệp đi làm. Nhưng hiện nay, tình trạng SV ra trường “câm và điếc” ngoại ngữ vẫn là phổ biến.
Trường nói chuẩn - doanh nghiệp bảo chưa
Trong 59/162 trường đã báo cáo về Bộ GD-ĐT, có 10,5% số trường đã thực hiện khảo sát đánh giá khả năng đáp ứng yêu cầu công việc của SV tốt nghiệp về kỹ năng sử dụng tiếng Anh tại các doanh nghiệp. Bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT cho biết khoảng gần 50% SV đã đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng, 18,9% SV không đáp ứng được và gần 32% SV cần đào tạo thêm. Ông Nguyễn Quốc Trưởng, Phó GĐ Khu vực miền Bắc (Vietnam Airlines) khẳng định: “Trường ĐH Thương Mại yêu cầu SV ra trường phải đạt 450 điểm TOEIC nhưng mức điểm đó chỉ đủ để dự tuyển vào công ty chúng tôi ở vị trí điều hành bay còn chuyên viên thương mại yêu cầu tối thiểu phải đạt 500.” Trong khi đó, không phải SV trường nào ra trường cũng đạt 450 điểm TOEIC. theo ông Đoàn Hồng Nam, chủ tịch công ty IIG, đại diện của ETS tại Việt Nam thì trình độ đầu vào của SV Việt Nam hiện nay là một “dải” rất lớn từ 50 – 850 điểm TOEIC. Đại diện của nhiều trường ĐH còn khẳng định có SV chỉ đạt 5/990 điểm TOEIC (mức điểm thấp nhất của TOEIC). Khảo sát của IIG tại 18 trường ĐH Việt Nam cũng cho thấy điểm bình quân của SV năm thứ nhất mới chỉ dao động ở mức 220-245/990 điểm TOEIC. Trong 59 trường ĐH không chuyên ngữ báo cáo về thì tỷ lệ SV/giảng viên cơ hữu tiếng Anh bình quân là 200 SV/1 giảng viên, giảng viên cơ hữu chỉ đáp ứng khối lượng giảng dạy xấp xỉ 55% còn lại 45% khối lượng giảng dạy phải mời giảng viên thỉnh giảng. Trình độ thạc sĩ của giảng viên chiếm tới 50%, tiến sĩ chỉ chiếm 2,5%. “Cơm chấm cơm” vẫn là tình trạng phổ biến trong dạy tiếng Anh ở các trường ĐH không chuyên ngữ hiện nay.
Bộ nói: tại trường
Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long khẳng định chất lượng đào tạo tiếng Anh Bộ GD-ĐT chỉ gánh một phần trách nhiệm và trách nhiệm lớn hơn là do các trường. Hiện có tới 54,2% số trường ĐH không thực hiện kiểm tra trình độ đầu vào và xếp lớp theo kiểu “đổ chung một mớ”. Số lượng SV bình quân một lớp học tiếng Anh khoảng 48 người, con số này theo bà Trần Thị Hà là quá đông. Không những thế, trang bị cơ sở vật chất cho việc giảng dạy tiếng Anh không phải trường nào cũng làm được và làm tốt. Bà Nguyễn Thị Phước Trà, ĐH Quảng Nam cho biết, phòng lab của trường chỉ có khoảng 30 cabin nhưng lớp học có tới 55 SV, do đó rất khó khăn. “SV học 7 năm tiếng Anh ở phổ thông, vào ĐH phải học lại từ đầu là không công bằng và thiếu khoa học” - ông Nguyễn Lương Ngọc, Trưởng khoa Ngoại ngữ, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM bức xúc. Còn con số thống kê của Bộ cho thấy, có gần 70% số trường gửi báo cáo về có trang bị phòng lab, 30% chưa trang bị phòng máy tính có kết nối internet cho SV học tiếng Anh. Số lượng máy tính trong phòng lab tính trung bình chỉ là 28 chiếc và thời lượng sử dụng các phòng luyện tiếng này còn rất thấp, mới chỉ gần 10% trong tổng số thời lượng môn tiếng Anh.
Trường bảo: tại chương trình khung của Bộ
Thời lượng môn tiếng Anh theo quy định trong các chương trình khung trình độ ĐH đã được Bộ GD-ĐT ban hành là 10 đơn vị học trình (tương đương 150 tiết lý thuyết). Căn cứ quy định về khối lượng tối thiểu của chương trình khung, các trường ĐH không chuyên ngữ xây dựng chương trình đào tạo với tổng thời lượng môn tiếng Anh nói riêng tính trung bình dao động trong khoảng 16 đơn vị học trình (tương đương 240 tiết bao gồm cả tiếng Anh cơ bản và tiếng Anh chuyên ngành). Quy định tại ĐH Quảng Nam, hệ CĐ là 10 đơn vị học trình, hệ ĐH là 14 đơn vị học trình, kiểm tra cũng chủ yếu chỉ là viết. Với thời lượng này, theo bà Nguyễn Thị Phước Trà, giảng viên tiếng Anh ĐH Quảng Nam thì “chỉ là cưỡi ngựa xem hoa”. Để SV có thể giao tiếp bằng tiếng Anh, bà Trà khẳng định phải mất rất nhiều thời gian. Kể cả kiểm tra, trường cũng không thể kiểm tra vấn đáp mà chỉ có thể kiểm tra viết. Đó còn chưa kể nhiều trường ĐH địa phương, tiếng Anh không phải là môn học được ưu tiên. SV cần khoảng 480 tiết để đạt được 450-500 điểm, mức điểm mà nhiều doanh nghiệp coi là tối thiểu để nhận hồ sơ. Nhưng hiện nay, thông thường, các trường mới dành khoảng 225 tiết học tiếng Anh cho SV, chưa tới một nửa thời lượng cần thiết. Để đáp ứng nhu cầu nhiều trường đã tự điều chỉnh thời lượng học phù hợp cho SV, ông Phạm Vũ Đức Dự, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TPHCM cho biết, hiện trường đào tạo tiếng Anh theo tín chỉ với khoảng 450 tiết.
Trước thực trạng như trên, tại buổi hội thảo, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo môn tiếng Anh trong các trường ĐH không chuyên ngữ như bồi dưỡng, nâng cao năng lực tiếng Anh tại nước ngoài cho cán bộ giảng dạy của các trường, khoa sư phạm ngoại ngữ, trường chuyên ngữ. Chọn lựa một số SV xuất sắc chuyên ngành tiếng Anh có cam kết trở thành giáo viên của các cơ sở đào tạo ngoại ngữ gửi đi thực tập/học tập ở các nước nói tiếng Anh trong vòng một năm. Từ năm 2012, sẽ triển khai giảng dạy các môn chuyên ngành của 4 ngành (CNTT, Tài chính - Ngân hàng, Quản trị kinh doanh và Du lịch) bằng tiếng Anh và tiến tới năm 2020, các trường tổ chức dạy các môn chuyên ngành có nhu cầu xã hội cao bằng tiếng Anh. Bộ cũng yêu cầu hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH từng khối ngành xác định và công khai về chuẩn năng lực tiếng Anh và năng lực sư phạm đối với giảng viên tiếng Anh các trường ĐH không chuyên ngữ.
Nghiêm Huê