Thứ năm, 8/6/2017, 23h56

Sinh viên Việt Nam đến New Zealand học tăng

Theo số liệu mới nhất từ Cơ quan Di trú New Zealand, số lượng sinh viên Việt Nam được cấp visa đến nước này trong 12 tháng qua tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện nay có khoảng 2.200 sinh viên Việt Nam đang sinh sống và học tập tại nước này.

Sinh viên Việt Nam đang du học tại New Zealand

Việc New Zealand đang ngày càng được nhiều sinh viên quốc tế yêu thích là minh chứng cho chất lượng của giáo dục New Zealand, nơi mà hệ thống giáo dục đang tạo nên danh tiếng cho quốc gia này trên phạm vi toàn cầu.

Đánh giá bối cảnh cạnh tranh của 138 nền kinh tế trên toàn cầu, Báo cáo cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới 2016-2017 đã xếp New Zealand rất cao trong những chỉ số về giáo dục. Trong đó, quốc gia này giữ vị trí thứ 9 về chất lượng giáo dục tiểu học cũng như về hệ thống giáo dục (giáo dục ĐH và lĩnh vực đào tạo); vị trí 14 cho chuyên ngành toán và khoa học; xếp thứ 18 về chất lượng của các học viện nghiên cứu khoa học và thứ 19 về sự hợp tác chặt chẽ giữa trường ĐH và ngành nghề.

Đáng chú ý, tất cả 8 trường ĐH của New Zealand đều được xếp hạng trong top 3% các trường ĐH hàng đầu thế giới theo bảng xếp hạng QS các trường ĐH tốt nhất thế giới. Ngoài ra, theo một báo cáo vào tháng 10-2016 của OECD (Chương trình đánh giá quốc tế về năng lực ở người trưởng thành), xếp hạng New Zealand ở vị trí thứ 7 trong những quốc gia có sinh viên tốt nghiệp xuất sắc nhất trên thế giới, trên cả  Mỹ, Canada và Anh. Ông Ben Burrowes (Giám đốc Truyền thông & Quan hệ chiến lược của Tổ chức Giáo dục New Zealand (ENZ) khu vực Đông Nam Á) cho biết: “Nhiều sinh viên đến từ Việt Nam đã xây dựng được một hồ sơ cá nhân vững chắc với việc học tập, nghiên cứu tại New Zealand. Bằng cấp của New Zealand được quốc tế công nhận và coi trọng. Chúng tôi rất tự hào khi biết rằng, các bạn học sinh - sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ đạt được trình độ có thể đưa họ đến bất cứ nơi đâu họ muốn trên thế giới”.

Ông Burrowes cho biết thêm, phương pháp giảng dạy sáng tạo của New Zealand cũng tạo nên sự khác biệt của nền giáo dục tại đây. Cụ thể, bên cạnh việc học các kỹ năng học thuật cần thiết, sinh viên được khuyến khích và hỗ trợ để phát triển trở thành những cá nhân có khả năng suy nghĩ độc lập, sáng tạo và khả năng phân tích.

Thực tế phản ánh trong bản Báo cáo sơ lược về giáo dục 2016 của OECD cho thấy, 87% sinh viên ĐH kiếm được việc làm tại New Zealand, vượt trên mức trung bình là 84% trong khối các nước OECD. Chị Nguyễn Thị Cẩm Lệ (cựu du học sinh tại New Zealand) cho biết việc nghiên cứu ở New Zealand đã dạy chị rất nhiều những kiến thức thực tế bên cạnh lý thuyết học thuật. “Sang New Zealand du học thực sự là một bước ngoặt trong sự nghiệp của tôi. Theo đó, tôi đã được tiếp xúc với các chuyên gia trong lĩnh vực mà mình nghiên cứu, vốn là những người mà trước đó tôi chỉ biết qua sách vở. Giáo dục New Zealand tập trung rất nhiều vào việc giúp sinh viên phát triển tính tự lập, và bản thân tôi cũng học được nhiều kỹ năng nghiên cứu độc lập trong quá trình theo học tại đây”, chị Lệ nói. Theo chị Lệ, sự độc lập của sinh viên được phát triển thông qua việc các bạn được khuyến khích suy nghĩ độc lập và có tư duy phản biện. Chị Lệ đã tốt nghiệp tiến sĩ ngành ngôn ngữ học ứng dụng tại ĐH Victoria Wellington. Sau một thời gian giảng dạy tại chi nhánh đầu tiên của ĐH Victoria Wellington tại TP.HCM, hiện chị đang là giảng viên của trường này tại Wellington.

Chương trình học tại New Zealand rất đa dạng. Ngoài các ngành học phổ biến như công nghệ thông tin (IT), kinh doanh, thương mại, quản lý, giáo dục, y khoa… còn có các ngành học ít được giảng dạy tại các nước khác trên thế giới, nhưng lại là những ngành học mới nổi, có triển vọng công việc tốt, ví dụ như làm phim hoạt hình, hiệu ứng đồ họa và thiết kế trò chơi điện tử, chương trình an ninh mạng, các khóa học về quản lý thể thao, kinh tế nông nghiệp, nghiên cứu giáo dục mầm non, công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế, hàng không & đào tạo phi công… Chính phủ New Zealand có cơ chế phê duyệt và kiểm định các chương trình giảng dạy rất chặt chẽ. Ví dụ, các trường ĐH được thanh tra theo định kỳ 5 năm/lần bởi một cơ quan độc lập để đảm bảo các trường có quy trình và chất lượng giảng dạy nhất quán. Du học sinh có visa sinh viên được phép làm việc bán thời gian lên đến 20 giờ/tuần và toàn thời gian trong các kỳ nghỉ lễ để hỗ trợ thêm cho cuộc sống của mình. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên quốc tế được phép ở lại làm việc để tích lũy kinh nghiệm. Tùy thuộc vào ngành học, họ có thể ở lại nước này từ 2-4 năm để làm việc, và sau đó có khả năng định cư...

N.Thanh