Thứ sáu, 30/10/2015, 10h19

Sơ kết 3 năm về trật tự ATGT theo Chỉ thị 18: ATGT học đường đã có nhiều khởi sắc

Giám đốc Lê Hồng Sơn khen thưởng các đơn vị đã thực hiện tốt công tác giáo dục trật tự ATGT học đường

Trong thời gian thực hiện chỉ thị trên, cũng là giai đoạn cho thấy Sở GD-ĐT TP đã không ngừng nỗ lực và tích cực thực hiện công tác thông tin tuyên truyền và giáo dục ATGT học đường, nhờ đó đã tạo nên những hiệu ứng tích cực, góp phần xây dựng một môi trường văn hóa giao thông với nhiều khởi sắc.

Sáng ngày 29-10-2015, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 4-9-2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông.

ATGT học đường với nhiều hiệu ứng tích cực

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT tại hội nghị, trong những năm qua sở đã chủ động tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giáo dục trật tự ATGT trong học sinh sinh viên (HSSV) ở các trường THCS, THPT, trung tâm GDTX, CĐ, TCCN trên địa bàn TP về các nghị định, thông tư, Luật Giao thông đường bộ, đường thủy… Bằng những hành động cụ thể, sở đã đồng hành và thúc đẩy các đơn vị cơ sở củng cố hoạt động Ban ATGT ở các trường học.

Bên cạnh việc chú trọng tuyên truyền ở các trường học, sở cũng phối hợp với Bộ GD-ĐT, Ủy ban ATGT quốc gia, Báo Giáo dục TP.HCM, Ban ATGT TP, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP, Công ty Honda, Quỹ phòng chống thương vong châu Á tổ chức các loại hình giáo dục, tuyên truyền cấp TP thông qua hàng loạt chương trình tuyên truyền hấp dẫn, sáng tạo, thu hút hàng ngàn HS tham gia như cuộc thi “Đi xe đạp - vì môi trường văn hóa giao thông”, “Ngày hội HS phổ thông TP.HCM” với chủ đề “HS phổ thông TP.HCM với văn hóa giao thông”; phong trào “Cổng trường em sạch đẹp, an toàn”; Cuộc thi “giao thông thông minh”…

Kết quả của những nỗ lực không ngừng là sự chuyển biến tích cực trong ý thức chấp hành Luật Giao thông của HSSV, tình hình trật tự ATGT và môi trường văn hóa giao thông học đường đã có nhiều điểm khởi sắc. Tiêu biểu như số lượng HS đi xe đạp, xe đạp điện đến trường hàng năm tăng trên 30% (tương đương với khoảng 18.000 HS) so với những năm trước đây, số lượng HS đội mũ bảo hiểm tăng khoảng 70% từ năm 2012 đến nay (trong đó nổi bật là các trường học trên địa bàn quận 9, Thủ Đức, Bình Thạnh, Gò Vấp, Hóc Môn, Bình Tân, Bình Chánh); đã giảm được khoảng 20 điểm trường thường xuyên kẹt xe vào giờ cao điểm.

Theo đó, một số đơn vị được xem là “lá cờ đầu” trong việc triển khai hiệu quả giáo dục trật tự ATGT học đường với nhiều bài học kinh nghiệm hữu ích. Tiêu biểu như Trường Tiểu học Lương Định Của cũng là đơn vị luôn thực hiện tốt công tác này bằng cách tổ chức cho HS xuống sân ra về theo trật tự (mỗi khối lớp cách nhau 15 phút), mở thêm 3 cổng phụ để phụ huynh vào sân trường đón con và lưu thông theo làn đường quy định. Điểm nổi bật của Trường THCS Chu Văn An (quận 11) so với các trường khác là đội trật tự cổng trường luôn làm tốt nhiệm vụ đưa HS qua đường an toàn vào cả hai buổi sáng và chiều mỗi ngày trong nhiều năm qua. Ngoài ra, nhà trường còn lồng ghép ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy ATGT, đồng thời phát tờ rơi, hòm thư góp ý, dán biển báo giao thông nhằm tuyên truyền cho phụ huynh và HS. Ở cấp THPT, Trường THPT Hùng Vương (quận 5) có sáng kiến tổ chức đội hình phản ứng nhanh với nhiệm vụ sắp xếp xe phụ huynh chờ đón con ngay ngắn không lấn chiếm lòng lề đường, lập hành lang cho HS qua đường an toàn, sử dụng đèn tín hiệu giao thông hỗ trợ người đi bộ qua đường, vận động HS đi học bằng xe đạp, xe buýt và đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện…

Cũng tại hội nghị lần này, 7 đơn vị phòng giáo dục (quận 1, 3, 5, Tân Phú, Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Chánh), 17 trường THPT, 5 trung tâm GDTX và 3 trường CĐ đã được Sở GD-ĐT khen thưởng vì đã thực hiện tốt công tác giáo dục trật tự ATGT học đường trong thời gian vừa qua.

Phương hướng hoạt động giai đoạn 2016-2020

Trong phương hướng sắp tới, trong giai đoạn 2016-2020, ngành GD-ĐT TP sẽ tiếp tục duy trì và phát huy các hoạt động truyền thống, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT trong các đơn vị trường học, phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm ùn tắc cổng trường, vận động HS đến trường bằng xe buýt hoặc xe đạp, triển khai kế hoạch hưởng ứng Năm ATGT trong toàn ngành, cấm HS các trường phổ thông (dưới 18 tuổi) sử dụng xe mô tô 2 bánh có dung tích xi lanh trên 50cc; đẩy mạnh quy hoạch mạng lưới trường lớp trên địa bàn TP, nâng cấp và nâng chuẩn các trường tiểu học, THCS, THPT trải đều các quận huyện trên địa bàn TP nhằm hạn chế tập trung vào các trường điểm trong khu vực trung tâm; tổ chức các đoàn kiểm tra, đánh giá tình hình giáo dục trật tự ATGT, giải quyết ùn tắc giao thông tại các trường học…

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Hồng Sơn, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở GD-ĐT TP đã mời gọi lãnh đạo phòng giáo dục các quận, huyện chủ động phối hợp với các đơn vị trực thuộc tiếp tục triển khai những hoạt động tuyên truyền mang tính sáng tạo, hấp dẫn để không những thu hút HSSV, mà còn tác động đến phụ huynh, gia đình và xã hội một cách hiệu quả như những đơn vị tiêu biểu đã thực hiện tốt. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý việc tuyên truyền cần được thực hiện xuyên suốt, dài hơi, tránh kiểu làm theo phong trào, qua loa. Bên cạnh đó, ông cũng khuyến khích nhà trường, giáo viên chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, công an, dân quân tự vệ của xã, phường một cách tích cực và lâu dài nhằm đảm bảo trật tự ATGT hiệu quả trong giờ vào lớp, ra lớp ở khu vực cổng trường và xung quanh trường học.

Dịp này, Giám đốc Lê Hồng Sơn đã cám ơn các ban ngành, đoàn thể đã đồng hành cùng với ngành giáo dục trong thời gian qua trong công tác giáo dục trật tự AGTG học đường. Đồng thời ông cũng đề nghị các chi bộ, Đảng bộ cơ sở quán triệt và chuyển tải nghị quyết của Đảng bộ, nghị quyết của chi bộ vào kế hoạch năm học của từng đơn vị trong những năm tiếp theo, “nhằm đạt được điều chúng ta mong muốn là không chỉ nói lý thuyết, không chỉ tuyên truyền suông, mà chúng ta đạt được những hiệu quả thực tiễn nhất, nhằm góp phần giảm bớt đi, dần xóa đi những tồn tại, những bức bối hiện tại”.

Bài, ảnh: Bích Vân

“Tôi mong các sở ngành, chính quyền địa phương cùng chung sức với Sở GD-ĐT và với nhà trường để tiếp tục thực hiện công tác giáo dục trật tự ATGT học đường, để làm sao đạt được kỳ vọng “Các thế hệ trẻ sau này sẽ trở thành những người có ý thức chấp hành tốt Luật Giao thông, có văn hóa, có trách nhiệm với bản thân và với xã hội””, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Lê Hồng Sơn bày tỏ.