Thứ năm, 22/9/2016, 09h59

Soạn sách giáo khoa kiểu mới

TP.HCM sẽ là địa phương đầu tiên biên soạn sách giáo khoa theo hướng tích hợp liên môn, đa môn, xuyên môn và đẩy mạnh phát triển năng lực học sinh.
Trong một chương trình vào trung tuần tháng 9 trên HTV, bà Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết bên cạnh các giải pháp cấm học thêm, dạy thêm trong trường học, thành phố mời các chuyên gia biên soạn bộ sách giáo khoa (SGK) tăng thời lượng thực hành, nâng cao sự chủ động của người học.
TP.HCM đã có kinh nghiệm viết tài liệu học vật lý được đánh giá cao  /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch
TP.HCM đã có kinh nghiệm viết tài liệu học vật lý được đánh giá cao. Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Vài năm gần đây, TP.HCM liên tục triển khai các chương trình dạy học theo dự án, tích hợp liên môn, xuyên môn... Tuy nhiên, vì SGK hiện tại không có sự tính toán cụ thể cho việc dạy học tích hợp nên để chuẩn bị được một tiết học theo kiểu này, giáo viên (GV) phải mất một vài tháng để thu thập tài liệu, xây dựng bài giảng, tính toán lượng kiến thức đưa vào và thống nhất cách thức tổ chức lớp. Nếu có SGK theo kiểu tích hợp, khó khăn này sẽ được tháo gỡ.
Bậc THCS sẽ giảm từ 2 - 4 cuốn so với hiện tại
 
 
Khi Bộ “phát pháo”, sẽ có ngay SGK
Giữ vai trò chủ biên, tổng chủ biên soạn SGK mới của TP.HCM sẽ là những giáo sư, tiến sĩ đang công tác tại ĐH Sài Gòn, ĐH Sư phạm TP.HCM và những GV giỏi, trưởng bộ môn tại các trường phổ thông tham gia cùng soạn sách. Theo kế hoạch, vào năm 2019 - 2020 sẽ có SGK mới. Một cán bộ tham gia nhóm biên soạn cho biết: “Để cho ra đời một bộ SGK thì cần thời gian chuẩn bị trước vài năm. Ở thời điểm này chỉ là khâu chuẩn bị để ngay khi Bộ “phát pháo hiệu” đưa ra chương trình khung thì nhóm biên soạn sẽ bắt tay vào làm ngay để có bộ sách mới đáp ứng nhu cầu thay đổi SGK”.
 

Mặc dù cho tới thời điểm này chương trình SGK tổng thể vẫn chưa được thông qua nhưng để chuẩn bị tốt nhất cho việc ra đời bộ SGK thật sự phù hợp với học sinh (HS) và hỗ trợ thiết thực cho GV, TP.HCM đang “tập trận” với những hoạt động như: soạn chương trình giả định, lên khung chi tiết cho các môn học, phác thảo hướng đi của bộ sách mới theo hướng bám sát thực tế, giảm bớt kiến thức hàn lâm và chú trọng việc dạy người hơn là tham kiến thức như trước đây.

Trên cơ sở kế thừa những ưu điểm của bộ SGK hiện tại và nghiên cứu kinh nghiệm soạn SGK của các nước như: Pháp, Singapore..., các nhóm tác giả sẽ tập trung tính toán soạn chương trình theo kiểu xoắn ốc. Tức là tính toán để kiến thức được đưa ra từ lớp dưới sẽ làm nền tảng cho việc xuất hiện kiến thức mới ở lớp trên (tích hợp nội môn). Điều này nhằm tránh việc học đi học lại một kiến thức gây chồng chéo, không hiệu quả.
SGK bậc THCS sẽ theo hướng tích hợp các môn thuộc khối tự nhiên như toán - hóa - sinh, khối xã hội gồm sử - địa - giáo dục công dân. Còn môn toán, ngữ văn dự kiến vẫn tách thành những môn riêng biệt... Những bài học trong SGK sẽ đưa ra sơ đồ cụ thể giúp HS lên kế hoạch cho việc học gắn với thực tế. Vẽ, nhạc... sẽ là những môn năng khiếu. Như vậy ở bậc THCS dự kiến SGK sẽ giảm từ 2 - 4 cuốn so với hiện tại.
Thiết kế trò chơi trong sách
Để tạo cảm hứng cho HS, bộ sách mới sẽ thiết kế các “game show”(chương trình trò chơi) học tập theo hình thức của một số trò chơi thông dụng để HS vừa học vừa chơi. Trong mỗi bài học đều sẽ có những phần vận dụng. HS sẽ được tiếp cận kiến thức từ nghe, hiểu rồi vận dụng và sáng tạo kiến thức. Tức là học cái này nhưng phải sáng tạo ra những kiến thức khác nhờ vận dụng kiến thức đã học. Các yêu cầu được đặt ra ngay trong SGK, nhiệm vụ chính của GV là hướng dẫn định hướng tổ chức cho HS theo những hoạt động trong sách.
Tổng chủ biên của các môn sẽ ngồi lại với nhau để tính toán kiến thức chung một chủ đề xuất hiện trong một tiết học như thế nào. Thời điểm nào có thể thực hiện các tiết liên môn và khoảng cách giữa các tiết học...
Để giúp GV dạy tốt, sách GV sẽ được biên soạn theo 2 dạng là sách giấy và điện tử. Bên cạnh đó, cũng sẽ có những bài học, chuyên mục dành cho gia đình để phụ huynh đánh giá kỹ năng của con và cùng theo dõi quá trình học của con thông qua những bài tập về nhà.
Dạy đạo đức thông qua toán, văn...
Theo nhận định của lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM, ngành giáo dục loay hoay cải cách nhưng HS vẫn mệt mỏi vì kiến thức nặng, không thực tế. Chính vì thế, chương trình SGK mới sẽ xem xét lại toàn bộ, những kiến thức không phù hợp thì điều chỉnh lại. Trường hợp cần thiết có thể cắt bỏ cả chương.
Chẳng hạn nếu chương trình hiện nay đạo đức chỉ được dạy ở môn giáo dục công dân với những kiến thức triết học cao siêu khiến HS không thích thú thì SGK mới sẽ thay đổi hoàn toàn. Việc giáo dục nhân cách cho HS sẽ được lồng ghép đưa vào trong từng bài toán, câu văn cụ thể.
Tổng chủ biên một môn học cho biết một bài toán về phép chia có dư cũng nên lồng ghép dạy đạo đức. Chẳng hạn có 5 cái bánh mà có 4 người thì chia như thế nào? Cái còn dư sẽ chia đều cho mọi người hay ưu tiên cho bạn yếu ớt hơn, nghèo hơn chưa từng được ăn? Hay học về giá trị đồng tiền thì đặt vào tình huống ra đường nhặt được của rơi sẽ như thế nào?...
Cũng theo thông tin từ Sở GD-ĐT, bộ SGK của TP.HCM sẽ chọn nhiều ngữ liệu của miền Nam trên cơ sở vẫn đảm bảo chuẩn phổ thông chung.

Lam Ngọc (TNO)