Thứ tư, 26/9/2012, 14h09

Sóc Trăng: Điểm truy cập Internet “vây” trường, phụ huynh lo lắng

Giữa tháng 9/2012, PV nhận được phản ánh của phụ huynh có con học trường THPT An Lạc Thôn (Sóc Trăng) về việc có ít nhất 4 điểm dịch vụ Internet trong phạm vi 200m quanh trường. Các điểm Internet này tồn tại lâu mà không bị xử lý khiến phụ huynh lo lắng.

Thư phản ánh của bà Nguyễn Thị Ngọc (ngụ tại xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) có nội dung: “Tại Trường THPT An Lạc Thôn (xã An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) có ít nhất 4 điểm dịch vụ Internet có game online trong phạm vi 200 mét này. Các địa điểm này đã tồn tại rất lâu, nhưng không thấy bị xử lý gì cả. Chúng tôi cũng đã nhiều lần khiếu nại nhưng các điểm game online trên vẫn tồn tại. Chúng tôi rất mong các cấp có thẩm quyền xem xét xử lý theo đúng pháp luật của nhà nước”.

Một điểm kinh doanh Internet gần Trường THPT An Lạc Thôn (xã An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng).
Theo thư của phụ huynh học sinh Trường THPT An Lạc Thôn, PV Dân trí đã đến địa phương này để kiểm chứng. Trao đổi với PV về nội dung phản ánh của phụ huynh, ông Phạm Thế Hoàng - Phó Chủ tịch UBND xã An Lạc Thôn cho biết: “Chúng tôi đã yêu cầu bên Công an xã kiểm tra và xác nhận đúng là có 4 điểm kinh doanh Internet ở gần khu vực Trường THPT An Lạc Thôn như phản ánh của phụ huynh. Đoàn kiểm tra 814 của huyện cũng kiểm tra, nhắc nhở các hộ này phải chấp hành tốt các qui định về kinh doanh lĩnh vực này, chưa có hộ nào vi phạm. Dù các điểm này nằm gần trường nhưng họ đã kinh doanh từ trước khi có trường học nên không thể xử lý theo qui định về khoảng cách tối thiểu 200 mét được”.  
Còn Trung tá Lê Văn Kịch - Trưởng công an xã An Lạc Thôn cũng thừa nhận gần khu vực trường THPT An Lạc Thôn có 4 điểm kinh doanh Internet nhưng chỉ có 2 điểm gần trường (gồm 1 điểm của một thầy giáo hiện đang dạy tại trường THPT An Lạc Thôn và một điểm của hộ dân), còn 2 điểm kia không gần trường. 
Điều đáng nói, khi PV tiếp cận hai điểm kinh doanh Internet cách Trường THPT An lạc Thôn khoảng trên dưới 100m thì thấy rất nhiều học sinh đang mải mê với những trò chơi có tính bạo lực. Tại điểm kinh doanh Internet của giáo viên Trường THPT An Lạc Thôn, một căn phòng phía trước ngôi nhà nhỏ, có chiều rộng khoảng 1,5m, chiều sâu chừng 5m được trang bị hai dãy máy tính (khoảng 16-18 máy) đều có học sinh ngồi sẵn chơi trò chơi. Chỉ ngồi chưa đầu 5 phút, PV chịu không nổi bởi âm thanh phát ra từ các trò chơi bạo lực và tiếng chửi thề, nói tục liên tục phát ra từ miệng của những học sinh còn mặc nguyên đồng phục.
Một người dân (xin giấu tên) cho biết: “Hai điểm này đối diện nhau, lại gần trường nên lúc nào cũng đông học sinh vào chơi, nhiều cháu chơi quên cả ăn uống, bỏ học đi chơi, học xong vào chơi mãi tới chiều tối mới về nhà”. Còn ông Nguyễn Văn Tư (xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách) than: “Con cái đi học mà thấy lo vì mê chơi trò chơi điện tử bỏ bê chuyện học hành. Khi nghe nói có chủ trương cấm kinh doanh Internet gần trường học thì ai cũng mừng nhưng bây giờ thấy họ cứ mở cách trường khoảng trên 100m nên chúng tôi đã phản ánh mà không thấy giải quyết”.  
Khoảng 3 giờ chiều, PV trở lại 2 điểm kinh doanh Internet nói trên thì thấy nhiều học sinh cấp 2 cũng đang kéo nhau vào đó. Một em nói “Tụi con vô chơi trò chơi một chút rồi mới về chớ bây giờ còn sớm nên chưa về nhà”. 
Phó Chủ tịch UBND xã An Lạc Thôn trăn trở: “Các hộ này kinh doanh Internet đã nhiều năm, được cơ quan chức năng cho phép. Tuy nhiên, tình trạng học sinh mê trò chơi trên Internet mà bỏ bê chuyện học hành khiến phụ huynh đau đầu cũng là điều đáng quan tâm”.
Một giáo viên ở xã An Lạc Thôn cũng bày tỏ: “Thấy các em vào chơi trò chơi điện tử nhiều cũng thấy lo nhưng chúng tôi cũng không biết nói gì bởi các chủ kinh doanh toàn người quen ở địa phương và đồng nghiệp cả”. 
Theo qui định tại Thông tư Số: 60/2006/TTLT/BVHTT-BBCVT-BCA ngày 1/6/2006: “Chỉ được cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến ở các địa điểm cách cổng ra vào của trường học (từ tiểu học đến phổ thông trung học) tối thiểu 200m, không phân biệt trường học đó thuộc địa phương nào”. Ngoài ra, ở nhiều địa phương, diện tích sử dụng cho mỗi một máy tính được qui định tối thiểu là 01m2; tất cả các màn hình máy tính, thiết bị nghe nhìn làm dịch vụ phải bố trí lắp đặt đảm bảo cho người quản lý có khả năng quan sát dễ dàng; Có trang bị các phương tiện về phòng cháy, chữa cháy theo qui định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; có biện pháp bảo vệ môi trường, vệ sinh, âm thanh, ánh sáng và các điều kiện khác để bảo vệ an toàn và sức khỏe cho người sử dụng dịch vụ.
 Bạch Dương
(Dân trí)