Thứ sáu, 23/7/2010, 16h07

“Sốc” với những nhóm, hội trên Facebook

Nhiều hội, nhóm kỳ quặc trên Facebook

Những nhóm, hội với hàng loạt cái tên kỳ quặc xuất hiện ngày càng nhiều trên Facebook - một mạng xã hội được giới trẻ ưa chuộng nhất hiện nay.
Có thể liệt kê vài cái tên nghe qua đã “nổi da gà” như: Hội những người ghét mấy thằng cao to đẹp trai, Hội những người ngu mà tỏ ra nguy hiểm, Hội những thằng thích hút thuốc lào, Hội những người ở vậy cho chúng nó thèm, Hội ghét những thằng soát vé trên xe buýt, Hội khùng bất chợt...
Thử tạo nhóm, hội
Tạo ra một “Hội” hoặc “Nhóm” trên Facebook là điều cực kỳ đơn giản. Chỉ cần click chuột vài lần sẽ có những hướng dẫn cụ thể trên trang chủ. Tôi tạo ngay trang “Những người thích nhậu không mồi” rồi giới thiệu cho vài người bạn thân và ngỏ lời nhờ họ nhân rộng địa bàn. Chỉ sau 20 phút, trang tôi tạo ra đã thu hút hơn 200 thành viên. Sau mỗi phút số thành viên lại nhiều hơn. Kèm theo đó là những “comment” (lời bình luận) xoay quanh chủ đề “nhậu không mồi”. Một thành viên viết: “Mình cũng thế, chỉ thích nhậu thôi, chứ chẳng ăn mồi, đã là nhậu thì phải nhậu”, hay một thành viên khác bảo: “Ghét những thằng chỉ lo nhắm mồi mà chẳng nhậu, quá phí”…
Chỉ sau hai ngày, “Những người thích nhậu không mồi” do tôi làm “admin” (người quản trị) đã có trên 600 thành viên và xuất hiện nhiều thêm những “comment” mới. Tra tìm thông tin những thành viên tôi mới biết được, ai cũng có thể gia nhập vào Facebook, nhưng đa phần là các bạn trẻ.
Thử chat với một thành viên trong nhóm, hỏi lý do sao lại gia nhập vào trang này, tôi nhận được lời đáp: “Thấy tên vui vui, lại đúng với sở thích của mình, nên gia nhập thôi”. Thành viên này tiết lộ bạn đã tham gia đến cả… chục hội, nhóm khác nhau, mà hầu hết, những nhóm, hội này đều mang những tên kỳ quặc như: Hội những người ủng hộ Công Vinh giải nghệ, Hội những người phát cuồng vì TLU (Đại học Thăng Long) và quy chế mới... Ngoài ra, bạn cũng là “admin” của 4 nhóm, hội khác, thu hút hơn 1.400 thành viên/ nhóm, hội.
Sở dĩ trào lưu này ngày càng được phát triển mạnh hơn, các hội nhóm được lập nên một cách bừa bãi, không lành mạnh và thậm chí tiêu cực… bởi việc tạo ra một nhóm, hội quá đơn giản. Nói về vấn đề này, bạn Huỳnh Hoài Phương, SV Trường ĐH Bách khoa TP.HCM tỏ vẻ bức xúc: “Trào lưu này nhảm nhí và vô ích quá, tại sao phải tốn thời gian cho những việc như thế? Tham gia vào các hội, nhóm ấy để làm gì chứ? Mình nghĩ rằng trào lưu này mang tính chất tiêu cực rất lớn, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến lối sống và cách hành xử của một bộ phận cư dân mạng mà nhất là các bạn trẻ”.
Coi chừng bị “chơi khăm”
“Blast” chính là thông điệp ở đầu trang Facebook, nó có thể là một tuyên bố, một câu thơ, một mẩu tin, đường link, một điều ước hay lời thổ lộ tâm tình. Hay cũng có thể là một lời nói vu vơ ngẫu hứng, ý nghĩ thoáng qua mà người chủ Facebook muốn chia sẻ với mọi người.
Khi vào Facebook có tên Thanh Dung, tôi thấy xuất hiện hàng trăm lời bình luận cho mỗi câu nói của bạn. Thì ra, “mỗi câu Blast ấy là cả một suy nghĩ lớn, mình cố tìm những câu cực độc để thu hút bạn bè”, Thanh Dung hóm hỉnh cho biết. Theo bạn, việc tạo ra “Blast” “độc” không đơn giản bởi nó phải vui, phải độc đáo, vừa châm biếm vừa triết lý. Thanh Dung không ngần ngại khoe những “Blast” đã từng thu hút đến vài trăm bình luận của bạn như: “Đang đi trên đường. Bỗng thấy bất thường. Úp mặt vào tường. Lại thấy... bình thường” hay “Mấy đời bánh đúc có xương. Mấy đời chơi net không vương tơ tình”. Thanh Dung bật mí, nếu vào Facebook sẽ dễ dàng nhận thấy những “chân lý” kiểu trời ơi đất hỡi; những câu thơ, câu hát được “nhại lại” như: “Tình yêu là vĩnh cửu. Và chỉ duy nhất một thứ được phép thay đổi. Đó là người yêu”, “Tự hào là hai bàn tay trắng lập nên… vô số nợ...
Ngoài ra, việc tạo một Facebook với tên là một người nổi tiếng, một người bạn mình ghét… để bêu riếu cũng là một trào lưu đang rộ lên. “Chỉ cần không thích là có thể trả thù nhau rồi”, bạn T.K, HS Trường THPT Hùng Vương (Q.5) cho biết. T.K lý giải: “Mình từng bị một bạn cùng lớp “chơi khăm” khi lập tài khoản giả, lấy tên Facebook là tên mình với các thông tin cá nhân y hệt mình, sau đó viết những lời này nọ, chủ ý để bôi xấu bạn bè. Sau đó mình mới phát hiện được”.
Được biết, trước khi T.K phát hiện có tài khoản Facebook giả mạo mình, bạn đã bị bạn bè cùng lớp tẩy chay vì những lời nói khó chịu được đăng tải lên, từng bị cô giáo chủ nhiệm bắt làm bản kiểm điểm vì tội nói xấu cô trên mạng, rồi cả việc xuất hiện những câu nói thô tục, chửi thề… khiến T.K phải “dở khóc dở cười” đi giải thích với mọi người và cô giáo.
Ban đầu trào lưu này thường nhắm đến những “hotboy, hotgirl”, các nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng, nhưng đến nay, ai cũng có thể trở thành nạn nhân.
Nguyễn Thành Nam

Bạn Lê Lan Phương, SV Trường ĐH Sư phạm khuyến cáo: “Bạn trẻ cần cân nhắc và suy nghĩ kỹ khi quyết định tham gia vào các hội, nhóm ảo và nếu có tham gia cũng nên tìm đến các hội, nhóm thực sự mang lại cho mình những giá trị tích cực để tránh bị sa ngã theo đám đông nhốn nháo”.