Thứ bảy, 22/4/2017, 23h25

Sống luôn phải nhìn về phía trước

Được đánh giá là một trong 10 nghề hot thế kỉ 21, lập trình viên là nghề luôn thu hút sự quan tâm của các bạn trẻ. Chính vì thế, nhiều người nghĩ rằng, nếu theo đuổi một nghề nóng như thế này thì lẽ dĩ nhiên là con đường lập nghiệp của mình sẽ vô cùng thuận lợi và tôi cũng là một trong số đó.

Đam mê của Nguyễn Phạm Minh Trí là trở thành lập trình viên phần cứng giỏi (ảnh minh họa).  Ảnh: N.Anh

Lập trình không chỉ đơn thuần là công việc tiếp xúc với máy tính mà đó còn là sự thông hiểu giữa máy tính và con người như những người bạn đích thực. Làm bạn với máy tính từ năm lên 8, nhưng có lẽ đến lúc bắt đầu học cấp 3, dấn thân vào những mã khóa Pascal tôi mới thực sự nhận ra đam mê của mình. Không biết là bắt đầu tự khi nào, những con số cứ quẩn quanh trong tâm trí tôi hàng giờ, hàng ngày, có khi nó còn chiếm nhiều thời gian hơn là tôi dành cho cô bạn ngồi cạnh bàn.

Mỗi ngày sau khi tranh thủ hoàn thành bài tập giao về nhà ngay tại lớp, phần lớn thời gian còn lại ở nhà tôi dành để luyện viết chương trình từ phần mềm Pascal đơn giản được giảng dạy ở trường cho đến lập trình bằng C của ngày hôm nay bởi Publilius Syrus (một nhà văn La Mã vào thế kỷ thứ 1 trước công nguyên) đã nói: “Nếu anh muốn lên được chỗ cao nhất thì hãy khởi sự từ chỗ thấp nhất”. Tôi đã đọc khá nhiều sách nói về CNTT và những mảng khác nhau của nó để nghiên cứu xem lập trình gồm những phần nào, và tôi nhận thấy mình quan tâm chuyên môn lập trình phần cứng nhiều nhất dù đang là một học sinh.

Dẫu rằng lập trình sử dụng tiếng Anh khá nhiều nhưng thay vì đi học thêm tiếng Anh theo giáo viên hay ở trung tâm, tôi tham gia câu lạc bộ ngoại ngữ của trường từ lớp 10 đến nay và chọn hai ngôn ngữ: Anh và Nhật để trau dồi thêm kiến thức. Vì hiện nay trên thế giới, Nhật Bản là nước đứng hàng đầu về công nghệ nên tôi muốn học ngôn ngữ Nhật để hy vọng trong tương lai mình có cơ hội đến học hỏi sự tiên tiến của xứ sở hoa anh đào để về giúp nước nhà. Ngoài ra, tôi học hỏi từ những người anh, người chị đi trước của trường, các nhóm thảo luận về “IT” (information technology) mở trên confession của trường, từ những quyển sách mượn ở thư viện..., và những thiếu sót của bản thân viết đi viết lại không biết bao nhiêu lần mà chương trình vẫn không chạy được. Cứ mỗi lần như vậy, tôi lại càng cảm thấy hăng hái hơn, cố gắng tìm cho bằng được lỗi sai của mình, cách giải quyết vấn đề. Vì biết trình độ bản thân còn non kém nên tôi dành thời gian rất nhiều để nỗ lực không ngừng bởi David Heinemeier Hansson (cha đẻ của Rails) đã  nói: “Bất kỳ thằng ngốc nào cũng có thể viết code để một máy tính có thể hiểu được. Các lập trình giỏi viết code để cho những người khác có thể hiểu được”.

Với khao khát và đam mê cháy bỏng của mình, tôi đã đăng ký vào đội tuyển Olympic tin lớp 10 năm rồi, ngày qua ngày bằng sự nỗ lực từ thất bại cùng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, tôi đã được chọn vào nhóm thí sinh thi ở bảng không chuyên cho trường và đạt được huân chương đồng. Biết thành tích chẳng là gì so với người khác, thêm vào đó bản thân mình cũng còn hạn chế nhiều khi viết chương trình, tôi vẫn luôn nỗ lực rèn luyện xuyên suốt cho đến bây giờ và tiếp tục đăng ký thi Olympic tin lớp 11 năm nay (diễn ra vào ngày 8-4). Dù cho kết quả thành công hay thất bại, đó cũng là bài học kinh nghiệm quý báu cho bản thân, mở mang thêm tri thức được học từ thầy cô, bạn bè và quan trọng nhất là bản thân đã không bỏ cuộc giữa chừng.

Đã từng có một thời gian tôi lầm tưởng mình đam mê sâu đậm với toán học, các phương trình lượng giác hay dãy số giới hạn luôn gây cho tôi những bài toán đau đầu phải tìm cách giải quyết. Và chỉ cho đến khi tôi tình cờ đọc được những mã code trong máy tính, tôi mới chợt nhận ra mình ham muốn và thích tìm cách giải quyết vấn đề như thế nào, toán học chỉ mang đến cho tôi phương pháp giải truyền thống chứ không khơi gợi mở mang trí óc nhiều như tin học. Vụ việc hacker tấn công mạng sân bay nước nhà năm rồi làm tôi vô cùng căm phẫn chỉ tự trách bản thân học tin mà sao không giúp được gì, “lực bất tòng tâm”. Tôi tự nhủ phải cố gắng nhiều hơn nữa để trở thành một trong những lập trình viên giỏi nhất Việt Nam, góp chút công sức nhỏ bé của mình vào việc nâng cao công nghệ nước nhà, bảo vệ mạng lưới an ninh Việt Nam.

Con người ta sống luôn phải nhìn về phía trước. Thật ra, tôi không thích lập trình nhưng muốn tìm cách giải quyết vấn đề. Chính “IT” đã khơi dậy khát vọng trong tôi, mang tôi đến thế giới của sự sáng tạo và một người bạn của sự đam mê - máy tính.

Nguyễn Phạm Minh Trí
(Lớp 11B12, Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, TP.HCM)