Thứ ba, 22/8/2017, 14h27

Sống thử kiểu Việt khác gì những cặp đôi bên trời Âu?

Sống thử kiểu Pháp có điểm rất khác với sống thử kiểu Việt Nam. Đó là cho dù không đăng kí kết hôn, các bạn trẻ sống thử có quyền yêu cầu pháp luật công nhận hình thức sống chung này

Ngày càng nhiều cặp đôi Việt dọn về sống chung trước hôn nhân /// Ảnh minh họa: Shutterstock
Ngày càng nhiều cặp đôi Việt dọn về sống chung trước hôn nhân. ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK
Tới giờ, chuyện "sống thử" ở Việt Nam đã không còn là điều "cấm kị" như trước. Rất nhiều đôi bạn trẻ quyết định chia sẻ cuộc sống chung với nhau trước khi kí vào giấy đăng kí kết hôn, vì muốn thử xem cuộc sống "như vợ chồng" là thế nào.
Kết quả có thể rất tốt đẹp, vì là sau thời gian thử thách này, họ thấy thực sự hợp và tiến tới kết hôn, biến "sống thử" thành "sống thật". Tuy nhiên, cũng có nhiều đôi đường ai nấy đi.
Trong trường hợp này, vì không có đăng kí kết hôn, việc chấm dứt thời gian sống thử đặc biệt đơn giản về mặt … thủ tục, vì không hề có thủ tục gì phải làm trước pháp luật cả.
Tất nhiên, điều đó nhiều khi không đơn giản về mặt tinh thần, đặc biệt là cho các bạn gái. Hơn nữa, trong một xã hội mà còn tồn tại nhiều định kiến như ở Việt Nam, nhiều chuyên gia khuyên rằng trước khi quyết định sống thử, các bạn trẻ nên suy nghĩ thật kĩ như quyết định "sống thật".
Sống thử kiểu Pháp có điểm rất khác với sống thử kiểu Việt Nam. Đó là cho dù không đăng kí kết hôn, các bạn trẻ sống thử có quyền yêu cầu pháp luật công nhận hình thức sống chung này. Các quyền lợi và nghĩa vụ sẽ được pháp luật quy định rõ kể từ khi bạn quyết đinh "sống thử".
Để được pháp luật công nhận, các bạn trẻ ở Pháp muốn "sống thử" sẽ làm thủ tục kí Khế ước Dân sự về Sống chung (Pacte civil de Solidarité). Đây là một loại "hợp đồng" giữa hai người trưởng thành, cùng giới tính hay khác giới tính, nhằm "tổ chức" cuộc sống chung.
Phải nói rằng khi luật về Khế ước Dân sự về Sống chung ra đời năm 1999, nó đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của nhiều người Pháp. Khi luật được Quốc hội thông qua sau … 120 giờ bàn bạc, nhiều người đã ngỡ ngàng vì trước đó hầu như ai cũng đoán nó sẽ không được thông qua.
Phản đối mạnh mẽ nhất hợp đồng "sống thử" này là những người theo phe bảo thủ Thiên Chúa giáo, do luật này công nhận quyền "sống thử" của hai người có cùng giới tính. Hiện nay, quy định về Khế ước Dân sự về Sống chung đã có chỗ đứng đàng hoàng trong Bộ luật Dân sự của nước Pháp, một trong những bộ luật có ảnh hưởng rất lớn tới luật của nhiều nước khác trên thế giới.
Theo quy định của luật Pháp, các bạn trẻ muốn làm Khế ước này có thể đến làm thủ tục hoặc ở Tòa án hoặc ở một công chứng viên (notaire), nơi hợp đồng sẽ được bàn bạc và thảo luận kĩ lưỡng.
Trong hợp đồng này, các cặp đôi có thể quy định các nghĩa vụ, quyền lợi khi sống thử theo mẫu có sẵn, hoặc có thể bổ sung, thay đổi các điều khoản của mẫu hợp đồng. Khi Khế ước được chấp nhận giữa hai người thì họ sẽ kí và Tòa án hoặc công chứng viên sẽ làm thủ tục đăng kí.
Như thế, Khế ước "sống thử" sẽ có hiệu lực trước pháp luật. Trong trường hợp đôi bên muốn chấm dứt Khế ước, thì chỉ cần kí một số giấy tờ thông báo việc chấm dứt này.
Trường hợp sống thử thành sống thật thì càng đơn giản hơn, hai người chỉ cần làm thủ tục đăng kí kết hôn. Còn trong trường hợp một trong hai người qua đời, thì người còn lại được hưởng một số quyền lợi như được tiếp tục ở lại nhà thuộc tài sản của người kia trong vòng 1 năm, và được tiếp tục sử dụng một số động sản cần thiết cho cuộc sống trong thời hạn 1 năm đó.
Như thế, những người hưởng thừa kế của người qua đời không có quyền đòi người còn lại phải rời khỏi nhà "sống thử" trước 1 năm kể từ ngày qua đời. Tuy nhiên, trẻ em sinh ra trong thời gian "sống thử" không được tự động công nhận cha như trong trường hợp hôn nhân.
Sống thử kiểu Việt khác gì những cặp đôi bên trời Âu? - ảnh 3
Một cặp đôi phương Tây "góp gạo thổi cơm chung" nhưng được pháp luật bảo vệ. SHUTTERSTOCK
Chính vì sự linh hoạt, đơn giản về mặt thủ tục nên chỉ trong 1 năm sau khi luật về Khế ước Dân sự về Sống chung có hiệu lực, đã có hơn 46 ngàn người kí vào Khế ước này, trong đó hơn một nửa là người đồng tính.
Sau 10 năm, con số này tăng lên thành hơn 1 triệu người. Theo điều tra, có khoảng 70% người Pháp ủng hộ quy định mới này. Điều này rõ ràng chứng tỏ luật mới đáp ứng được nhu cầu của xã hội Pháp. Từ năm 2005, luật cũng cho phép các cặp đôi "sống thử" kiểu Pháp này được khai thuế chung và được hưởng những ưu đãi thuế vốn chỉ cho các cặp vợ chồng có đăng kí kết hôn.
Thật thú vị khi được biết rằng sau khi Khế ước Dân sự về Sống chung ra đời, rất nhiều nơi khác trên thế giới cũng bắt đầu học tập kinh nghiệm này, như ở Đức, ở Mỹ.
Người trẻ hưởng ứng mạnh mẽ
Heather, một cô gái người Anh sống ở Pháp cũng làm Khế ước với bạn trai người Bỉ, vì "đây là bước đầu tiên để tiến tới hôn nhân". Một phụ nữ Pháp khác thì không có kết cục thực sự tốt đẹp sau khi kí Khế ước, vì sau mười năm "sống thử", đường ai nấy đi. Tuy nhiên cô cho biết "May quá, tôi không phải trả chi phí như trong trường hợp li dị". Đấy chính là một trong những điểm mạnh của "sống thử kiểu Pháp".
Khế ước này cũng có tác động vô cùng tích cực tới quan điểm xã hội đối với vấn đề hôn nhân đồng giới ở Pháp, mà gần đây nước Pháp đã công nhận. Rõ ràng là những quy tắc bảo thủ của tôn giáo ngày càng ít tác động đến cách sống của thế hệ trẻ.
Gần đây, một điều tra cho thấy người Pháp ngày càng "chuộng" sống thử kiểu này hơn là hôn nhân. Đối với những người làm Khế ước "sống thử kiểu Pháp" này, họ chọn làm Khế ước thay vì đăng kí kết hôn vì "dễ dàng, không tốn kém".
So với sống thử kiểu Việt Nam, rõ ràng sống thử kiểu Pháp có nhiều điểm "tích cực" hơn, như quy định rõ quyền lợi và nghĩa vụ của đôi bên.
Tuy nhiên, cũng như ở Việt Nam, các chuyên gia Pháp cũng luôn khuyên rằng, cần suy nghĩ thật kĩ trước khi kí Khế ước Dân sự về Sống chung, vì dù là "thử" nó vẫn kèm các cam kết nghiêm túc về cuộc sống lứa đôi.

Thiên Kim (từ Pháp)/TNO