Thứ năm, 22/3/2018, 20h41

Sử dụng tài liệu bổ trợ tiếng Anh: Không trái văn hóa, lịch sử, địa lý

Vấn đề này được nêu lên tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm sử dụng tài liệu tiếng Anh bổ trợ trong trường trung học, do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức chiều 22-3.

Theo Sở GD-ĐT TP, khi nhà trường sử dụng tài liệu bổ trợ trong dạy học phải phù hợp với mục tiêu, nội dung chương trình; đảm bảo tính chính xác, sư phạm, thẩm mỹ; phù hợp với đối tượng sử dụng; không trái văn hóa, lịch sử, địa lý; có tác dụng GD tinh thần yêu nước và đảm bảo an ninh chính trị, không vi phạm các quy định của pháp luật.

Mặt khác, trước khi đưa tài liệu vào sử dụng, phải thành lập hội đồng chọn xuất bản phẩm tham khảo. Trong đó, tổ, nhóm chuyên môn căn cứ vào mục tiêu, nội dung chương trình GD, SGK, kế hoạch nhiệm vụ năm học... để lựa chọn, đề xuất, danh mục xuất bản phẩm tham khảo. Hiệu trưởng là người thành lập hội đồng xem xét, lựa chọn, chịu trách nhiệm quyết định phê duyệt danh mục, có kế hoạch mua sắm, sử dụng.

Ông Lê Duy Tân - Trưởng phòng GD Trung học, Sở GD-ĐT TP - lưu ý, việc sử dụng tài liệu bổ trợ phải căn cứ cơ sở pháp lý để tránh xảy ra xung đột, gặp phải chỉ trích từ xã hội trong quá trình triển khai như một số trường đã gặp trong thời gian qua, làm cho quá trình sử dụng trở nên khó khăn hơn. Nhà trường phải có trách nhiệm, am hiểu các quy định liên quan khi sử dụng tài liệu bổ trợ. Phải biết HS, phụ huynh cần gì để tạo được sự đồng thuận thì việc sử dụng tài liệu mới đạt hiệu quả.

Tại Q.8, khi đưa vào sử dụng, tài liệu phải được sự thẩm định và cho phép của Sở GD-ĐT TP.HCM. Sau đó là công tác phổ biến xuống nhà trường, tập huấn chuyên môn của lãnh đạo phòng, chuyên viên phụ trách tiếng Anh, hội đồng bộ môn tiếng Anh, giáo viên.

Bà Nguyễn Xuân Mai - Phó Trưởng phòng GD-ĐT Q.8 - chia sẻ, trong quá trình sử dụng đối với từng loại, dựa trên tình hình thực tế của đơn vị, tài liệu tiếp tục được phân tích thuận lợi, khó khăn. Đặc biệt, Phòng GD-ĐT không áp đặt, gợi ý, chỉ định tài liệu. Thay vào đó tạo sự chủ động cho nhà trường lựa chọn tài liệu bổ trợ cho HS... Tuy nhiên, việc sử dụng phải có sự thống nhất kế hoạch, nội dung thực hiện đối với từng loại, không để tình trạng giáo viên tích hợp, lồng ghép tùy tiện.

Trường THPT Lê Quý Đôn cũng căn cứ vào tình hình thực tiễn của trường, vào những yêu cầu tài liệu đáp ứng được các mục tiêu chương trình GD phổ thông học ngoại ngữ do Bộ GD-ĐT ban hành; nội dung biên soạn theo định hướng phát triển năng lực, tích hợp và hướng đến mục tiêu phát triển năng lực giáo viên... mới quyết định triển khai. Thầy Hà Hữu Thạch - Hiệu trưởng nhà trường - thông tin: “Trước khi quyết định sử dụng, nhà trường tổ chức nhiều lần lấy ý kiến các thành viên trong tổ ngoại ngữ, phụ huynh, HS để đạt sự thống nhất. Chất lượng tài liệu tiếp tục được lấy ý kiến nhận xét, đánh giá của HS sau 1 học kỳ sử dụng”.

Có thể thấy, trong quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng GD, việc sử dụng tài liệu bổ trợ được xem là đã góp phần tăng cường hoạt động học tập của HS, nâng cao chất lượng dạy học bộ môn và hiệu quả trong thực hiện đổi mới phương pháp dạy học.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP - nhấn mạnh: “Hiện GD hướng đến dạy theo chuẩn kiến thức kỹ năng và khung năng lực kiến thức của chương trình mới, việc lựa chọn bộ tài liệu bổ trợ phù hợp với thực tiễn nhà trường, với giáo viên và HS là hết sức quan trọng. SGK không phải là tài liệu duy nhất mà là chủ yếu, vì thế giáo viên có thể lựa chọn đưa vào giảng dạy để phát triển năng lực HS. Tuy nhiên, vai trò của nhà trường, hiệu trưởng, lãnh đạo phòng GD-ĐT trong việc định hướng lựa chọn tài liệu bổ trợ là hết sức quan trọng”.

N.Trinh