Thứ ba, 5/12/2017, 22h54

Sửa đổi Luật Giáo dục để khắc phục hạn chế, bất cập

Sáng 5-12, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội thảo góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Luật Giáo dục (GD) được Quốc hội thông qua ngày 14-6-2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD được Quốc hội thông qua ngày 25-11-2009. Qua gần 12 năm thực hiện, Luật là cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần phát triển sự nghiệp GD, nâng cao trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực, góp phần đào tạo nhân tài cho đất nước. Tuy nhiên, thực tiễn quá trình thực hiện Luật GD đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện...

Trước tiên là yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Quốc hội về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT tại Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội.

Tiếp theo là đảm bảo phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013. Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, một trong những nội dung quan trọng trong Hiến pháp năm 2013 là những quy định về GD-ĐT, điều đó thể hiện qua khẳng định “Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập” (Điều 39); “Phát triển GD là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút nguồn đầu tư khác cho GD…” (Điều 61). Thứ 3 là khắc phục những bất cập của Luật GD hiện hành. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, hiện nay một số nội dung chính sách và điều khoản của Luật đã không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn và phát triển nền GD theo định hướng mở, liên thông, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0. Một số nội dung cơ bản của hệ thống GD trong Luật như: cơ cấu hệ thống GD quốc dân, quy hoạch mạng lưới cơ sở GD mầm non, phổ thông, chương trình GD phổ thông, SGK, phân luồng sau trung học, GD thường xuyên, phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực GD… đã bộc lộ những hạn chế bất cập cần sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn thi hành.

Và cuối cùng là việc sửa đổi này nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với các luật hiện hành có liên quan.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến của các nhà giáo đều thống nhất cao với dự thảo luật. Đặc biệt là đề xuất lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp. Nhiều đại biểu cho rằng, điều này góp phần giúp nâng cao đời sống nhà giáo, từ đó các thầy cô yên tâm công tác, cống hiến cho ngành; đồng thời thu hút được nhiều người giỏi vào sư phạm.

Việc nâng chuẩn giáo viên tiểu học lên trình độ cao đẳng, nhiều đại biểu khẳng định: đây là sửa đổi cần thiết và khả thi, vì hiện nay hầu hết giáo viên tiểu học đã đạt trên chuẩn. Nếu chính thức đưa vào Luật sẽ thúc đẩy chất lượng đội ngũ, nâng cao chất lượng GD tiểu học.

Vấn đề chính sách phổ cập liên quan đến học phí, trong đó đề xuất mở rộng đối tượng không phải đóng học phí đến học sinh THCS trường công lập tại dự thảo Luật cũng nhận được sự đồng tình, nhất trí cao. Đặc biệt, một số ý kiến còn khẳng định những nội dung có tính đột phá trong dự thảo Luật; như sửa đổi, bổ sung khoản 4, Điều 100, quy định UBND các cấp chịu trách nhiệm về chất lượng GD của địa phương; sửa đổi, bổ sung hệ thống GD quốc dân theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo…

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu còn đề xuất miễn học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi; nên có hệ GDTX cấp huyện…

Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định, Ban soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật; hy vọng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD sẽ mang lại niềm vui cho những người làm GD, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Đ.Bình